Wiki - KEONHACAI COPA

Đập cánh giữa không trung

Đập cánh giữa không trung
Áp phích phim chính thức
Đạo diễnNguyễn Hoàng Điệp
Sản xuất
  • Nguyễn Hoàng Điệp
  • Thierry Lenouvel
  • Alan R. Milligan
  • David Lindner
Tác giảNguyễn Hoàng Điệp
Diễn viên
Âm nhạcPierre Aviat
Dựng phim
  • Jacques Comets
  • Gustavo Vasco
Hãng sản xuất
Công chiếu
  • 2 tháng 9 năm 2014 (2014-09-02) (Venezia)
  • 23 tháng 1 năm 2015 (2015-01-23) (Việt Nam)
Độ dài
99 phút
Quốc gia
Ngôn ngữTiếng Việt

Đập cánh giữa không trung (tiếng Anh: Flapping in the Middle of Nowhere)[1][2][3] là một bộ phim điện ảnh độc lập thuộc thể loại tâm lý xã hội, tuổi mới lớn của Việt Nam, Đức, Na UyPháp do Nguyễn Hoàng Điệp viết kịch bản kiêm đạo diễn. Với sự tham gia diễn xuất của Nguyễn Thùy Anh, Hoàng Hà, Phạm Trần Thanh DuyTrần Bảo Sơn, phim kể về hành trình của Huyền – một cô sinh viên Hà Nội sau khi phát hiện ra mình đã có thai và mối quan hệ của cô với những người xung quanh.

Lấy cảm hứng từ trải nghiệm của chính bản thân, Nguyễn Hoàng Điệp khởi động dự án điện ảnh đầu tay mang tên Đập cánh, hợp tác với Phan Đăng DiĐỗ Thị Hải Yến. Sau khi thất bại trong việc tìm nguồn hỗ trợ tài chính tại Việt Nam, cô tìm đến Liên hoan phim Cannes, mang theo một bộ phim ngắn, đính kèm hồ sơ của dự án mới với kỳ vọng nhận được sự đầu tư. Vì đòi hỏi khó khăn ban đầu, dự án bị gắn mác "kế hoạch mộng mơ" trước khi nhận được đủ nguồn lực tài chính cần thiết từ các quỹ điện ảnh. Đập cánh được ba nhà sản xuất phim quốc tế đến từ Pháp, Na Uy, Đức ngỏ lời hỗ trợ tham gia. Phim khởi quay mùa hè năm 2013 và kết thúc giai đoạn hậu kỳ tại Pháp một năm sau đó.

Đập cánh giữa không trung ra mắt công chúng lần đầu tại Liên hoan phim Venezia 2014 và giành giải thưởng "Phim hay nhất" của Liên đoàn các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải (FEDEORA). Tác phẩm cũng giúp Nguyễn Hoàng Điệp gặt hái giải thưởng Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Quốc tế Bratislava 2014, đồng thời giúp Thanh Duy giành giải Nam diễn viên phụ xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19. Tác phẩm công chiếu tại các rạp ở Việt Nam vào tháng 1 năm 2015, trụ lại sau 2 tuần với hơn 17.000 vé bán ra bất chấp không dành nhiều kinh phí quảng bá. Phim cũng có mặt tại các liên hoan phim ở một số quốc gia, đón nhận nhiều đánh giá phê bình đa dạng từ giới chuyên môn Việt Nam cũng như quốc tế.

Nội dung[sửa | sửa mã nguồn]

Trong đêm mưa tầm tã, một người thợ sửa đèn đường đang loay hoay mở nắp hộp đèn cao áp. Trong lúc đó, tại một căn nhà ổ chuột bên cạnh đường ray xe lửa, một cô gái thức dậy sau giấc ngủ. Cô ngắm nghía bộ ngực của mình một lúc rồi quyết định đi vào nhà tắm kỳ cọ chúng. Tên cô là Huyền. Đúng lúc này, có người gõ cửa nhà Huyền. Đó là một người chuyển giới từ nam sang nữ tên Linh. Anh ta mới vừa đi khách về, quên mất chìa khóa nhà nên sang ngủ tạm nhà bạn mình.

Người đàn ông sửa đèn đường tháo luôn cái hộp đèn và mang về nhà. Anh ta tên Tùng, làm nghề nhân viên điện lực, có sở thích chơi đá gà. Bạn gái Tùng là Huyền. Một ngày nọ, Huyền đến bệnh viện khám và được bác sĩ chẩn đoán cô mang thai 14 tuần tuổi. Huyền đem kể chuyện này với Tùng. Anh khuyên cô bỏ đứa bé. Huyền vừa đi học, vừa nghĩ cách phá thai. Cuối cùng, cô quyết định dùng tiền học bổng của mình để thực hiện điều đó. Về phần Tùng, tranh thủ các ca trực sửa đèn đường, anh tháo trộm bóng đèn, đem chúng ra chợ đen bán lấy tiền đá gà. Còn những lúc rảnh, Tùng sang nhà bạn gái đòi làm tình. Mỗi lần cô từ chối, anh đều tìm đến gái điếm để thỏa mãn.

Huyền một mình đến bệnh viện. Tại đây, các bác sĩ thông báo cái thai quá lớn nên không thể phá được. Huyền bèn tìm đến phòng khám chui, nhưng mức giá ở đây đắt gấp nhiều lần giá phá thai thông thường ở bệnh viện. Cùng thời gian này, Tùng thua đá gà, hết tiền nên bị giang hồ đánh. Anh sau đó về nhà lấy trộm khoản tiền dành dụm phá thai của bạn gái rồi bỏ trốn. Trong lúc đó, một cô gái điếm đến trước nhà Huyền tìm gặp Tùng đòi tiền nợ. Huyền đau khổ, suy sụp, quyết định bỏ về quê. Cô về đến cổng nhưng không dám vào nhà, bèn quay lại, nhờ Linh giới thiệu mình vào đường dây mại dâm để kiếm tiền. Linh môi giới cho Huyền với một tú bà tên Mai. Mai giới thiệu cô cho một người đàn ông có sở thích làm tình với phụ nữ có bầu. Mai chấp nhận dẫn Huyền đến gặp người đàn ông kia với điều kiện cô phải trả cho bà ta phân nửa số thù lao nhận được cho năm lần phục vụ. Huyền chấp nhận đề nghị và được dẫn đến gặp người đàn ông.

Huyền đến gặp người đàn ông bí ẩn. Anh ta không muốn tiết lộ tên nên cô gọi anh ta là Hoàng. Cô ngạc nhiên vì suốt buổi hẹn, Hoàng chỉ xoa, mơn trớn vùng bụng của cô mà không yêu cầu quan hệ. Sau khi xong việc, anh trả cô 200 đô la. Huyền giữ lại 100 đô và đưa cho Mai phân nửa như đã hứa. Huyền và Hoàng gặp nhau nhiều lần sau đó. Hoàng dắt cô đi khám thai, dẫn cô đi chơi, đi ăn cháo. Trong các lần hẹn, Hoàng hầu như chỉ quan tâm đến đứa bé. Nhận thấy tình cảm mà Hoàng dành cho đứa con trong bụng mình, cộng với sự chăm sóc ân cần mà anh dành cho cô, Huyền bắt đầu cảm mến Hoàng. Cô nhiều lần muốn tiết lộ ý định phá thai nhưng kết quả lại do dự và từ bỏ. Ở lần hẹn thứ năm, Hoàng dắt Huyền ra ngôi biệt thự trên núi. Tại nơi này, cô kể anh nghe ý định của mình. Hai người làm tình với nhau đêm đó.

Kể từ lần hẹn thứ năm, Hoàng cắt đứt mọi liên lạc với Huyền. Cô hẹn gặp Mai, nhờ bà chỉ cách cho cô gặp lại Hoàng, kể cả có phải trả hết số tiền mà anh ta cho cô. Mai khuyên Huyền nên quên Hoàng. Cùng đường, cô trở về căn nhà ổ chuột khi xưa của mình bên đường tàu. Bất ngờ, Tùng xuất hiện và muốn hàn gắn mối quan hệ. Huyền chấp nhận quay lại với Tùng. Tùng cầu hôn cô trên chiếc xe thùng mà anh thường dùng để sửa đèn đường. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, hai người xảy ra cãi vã khiến Tùng tiếp tục bỏ đi. Linh sau đó xuất hiện trong tình trạng chảy máu đầu, nói rằng mình bị đánh ghen. Linh thổ lộ với Huyền sắp tới sẽ vào Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp. Phim kết thúc với hình ảnh Huyền đang đứng nấu nồi cháo giữa tiếng mưa và tiếng sấm rền vang từ bên ngoài, bên cạnh là thùng đồ đạc đã đóng sẵn.

Diễn viên[sửa | sửa mã nguồn]

  • Nguyễn Thùy Anh vai Huyền: 18 tuổi, sinh viên học lực trung bình đang theo học tại một trường cao đẳng tại Hà Nội, sống tại một căn nhà ổ chuột cạnh đường tàu. Huyền có thai với Tùng và tìm cách kiếm tiền để phá bỏ cái thai.[4] Để có tiền, Huyền chấp nhận làm bồ của người đàn ông bí ẩn tên Hoàng.[5]
  • Hoàng Hà vai Tùng: Bạn trai của Huyền, nhân viên một công ty chiếu sáng công cộng, giao thiệp rộng, có biệt tài nhổ nước bọt chính xác. Do nợ tiền, Tùng phải chạy trốn khỏi bọn đòi nợ và bỏ lại bạn gái với cái thai.[4]
  • Phạm Trần Thanh Duy vai Linh: Bạn thân của Huyền, một người chuyển giới nữ kiếm sống vào ban đêm bằng nghề mại dâm. Linh có tính cách thích gây cười cho người khác.[6] Đây là nhân vật môi giới cho Huyền vào đường dây mại dâm để giúp cô có tiền phá thai.[7][8]
  • Trần Bảo Sơn vai Hoàng: Người đàn ông bí ẩn,[5] có sở thích gần gũi phụ nữ có thai. Hoàng chỉ gặp mỗi người phụ nữ năm lần, sau đó sẽ không bao giờ gặp lại họ.[9]

Sản xuất[sửa | sửa mã nguồn]

Phát triển[sửa | sửa mã nguồn]

Đập cánh giữa không trung kể về một khoảng thời gian của hoang mang và sợ hãi. Và biểu hiện lớn nhất là việc giữ cái thai hay không. Phim là tập hợp những câu chuyện trong quá khứ, trong kỷ niệm và trong tưởng tượng của cá nhân tôi [...] Đập cánh giữa không trung đã không thể ra đời nếu thiếu những khoảnh khắc buồn bã trong cuộc đời của chính tôi, khi tôi phải chứng kiến, trải qua hay đưa ra quyết định, cho chính mình hay thay cho một người khác. Kết quả của quyết định đó mãi mãi về sau tôi cũng chưa biết rằng thực ra tốt hay xấu, đúng hay sai.

—Nguyễn Hoàng Điệp, trả lời phỏng vấn Tạp chí Đẹp về cảm hứng sáng tác Đập cánh giữa không trung.[10]

Sau dự án Bi, đừng sợ! với vai trò nhà sản xuất, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp bắt đầu tập trung vào dự án điện ảnh đầu tay của mình[11] mang tên Đập cánh.[12] Phần kịch bản được cô chấp bút từ năm 2008 khi đang tham gia dự án Quỹ Ford[13] và đang mang thai đứa con thứ hai.[14] Từ năm 2010 đến 2012, Điệp lần lượt mang dự án đến trình bày ở Hàn QuốcÝ.[13] Ý tưởng ban đầu là câu chuyện về một cô gái trẻ mang thai ngoài ý muốn đang kiếm tiền để phá thai. Trong lúc đó, cô lại nhận được tiền từ một người đàn ông đứng tuổi có ham muốn tình dục đặc biệt với những phụ nữ có thai.[11] Trong một buổi phỏng vấn về sau, Nguyễn Hoàng Điệp cho biết phim có nhan đề Đập cánh giữa không trung là vì "không biết nên lên cao hay xuống thấp khi chưa đủ sức để vút bay lên và cũng chưa thấy an toàn để hạ cánh nên cứ phải đập cánh vậy thôi [...] bộ phim này tồn tại dựa trên sự lưỡng lự của một cô gái trẻ có bầu, cô đơn".[15] Bên cạnh hai nhân vật trên, phim còn xoay quanh hai nhân vật khác: một thanh niên trẻ tuổi và một người đàn ông muốn làm phụ nữ.[11] Theo đạo diễn Điệp, lý do cô chọn một nhân vật đồng tính là vì bản thân ấn tượng với những người đàn ông chuyển giới ở miền Nam Việt Nam trong quá trình xây dựng bộ phim tài liệu về họ trước đó.[16]

Sau khi tiết lộ ý tưởng này cho Phan Đăng Di, bạn thân của cô và cũng là đạo diễn của Bi, đừng sợ!. Di đồng ý tham gia dự án với vai trò giám đốc sản xuất,[11] hợp tác với Đỗ Thị Hải Yến.[17] Yến cũng là người hỗ trợ Điệp chỉnh sửa kịch bản, chỉnh lý lời thoại cho phim.[18] Phạm Quang Minh, người từng hỗ trợ Điệp và Di trong dự án Bi, đừng sợ! tiếp tục làm người quay phim.[19] Theo Điệp, bộ phim cần 400.000 euro để triển khai.[20] Ban đầu, cô tìm đến nhiều đơn vị trong nước nhờ hỗ trợ tài chính nhưng đều bị từ chối.[21] Do đó, Điệp quyết định dùng tiền túi làm một phim ngắn có tên Hai, tư, sáu rồi sau đó đem phim ngắn này tới Liên hoan phim Cannes 2012 trình chiếu nhằm tìm kiếm các đối tác tài trợ từ nước ngoài.[22][23] Ban tổ chức cũng yêu cầu cô gửi kèm hồ sơ dự án phim Đập cánh giữa không trung vì họ muốn biết năng lực của đạo diễn.[12] Tại đây, Điệp gặp Thierry Lenouvel, một nhà sản xuất điện ảnh người Pháp. Ấn tượng bởi kịch bản câu chuyện, Lenouvel ngỏ ý muốn cùng Điệp tham gia vào bộ phim.[24] Ông đặt ra kế hoạch trong vòng một năm, dự án phải tham gia ứng tuyển vào hai quỹ điện ảnh tại châu Âu và được ít nhất hai quỹ chấp thuận. Vì lẽ đó, những nhà đồng sản xuất phim gọi đó là "kế hoạch mộng mơ".[25] Tháng 11 năm 2012, Đập cánh giữa không trung được quỹ World Cinema tài trợ 140.000 euro.[26] Sau đó là một số quỹ điện ảnh khác như World Cinema Support và Francophonie của Pháp, Sorfund của Na Uy, CDEF của Đại sứ quán Đan Mạch, A&C của Việt Nam và Global của Hoa Kỳ.[25] Bên cạnh Lenouvel, dự án cũng được hỗ trợ bởi hai nhà đồng sản xuất khác đến từ Đức và Na Uy.[27]

Tuyển vai[sửa | sửa mã nguồn]

Thùy Anh (ảnh chụp năm 2022) đảm nhận vai Huyền, nhân vật chính của phim.

Phim bắt đầu tổ chức tuyển vai tại Hà Nội vào tháng 7 năm 2011,[19] thu hút sinh viên một số trường trên địa bàn Hà Nội đến tham gia.[28] Hình mẫu cho vai nữ chính là Châu Tấn, nữ diễn viên Trung Quốc. Tuy nhiên, đoàn làm phim vẫn chưa tìm được người thích hợp.[29] Ngày 24 tháng 9, buổi tuyển vai thứ hai diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, kéo dài hai ngày[30] do Đỗ Thị Hải Yến phụ trách.[31] Là người từng hợp tác với đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp trong các dự án trước đó, diễn viên Thùy Anh được nữ đạo diễn mời đến tuyển vai hộ cho các diễn viên trong phim. Nhân cơ hội này, Thùy Anh yêu cầu cho thử vai nữ chính, nhưng Điệp đã từ chối do cô còn trẻ và chưa đủ kinh nghiệm[32] mặc dù nữ đạo diễn có để ý đến cô và kỳ vọng đây sẽ là một nhân tố "gây bất ngờ với khán giả",[14] nhưng theo Điệp, "lúc ấy Thùy Anh mới 15, 16 tuổi, mới vào ngưỡng lớn lên, tôi nghĩ cô ấy còn quá trẻ, tâm lý còn tươi non, tôi không thể tàn phá cô ấy bằng một bi kịch theo kiểu Huyền: mang thai ngoài ý muốn, cảnh nạo phá thai, cảnh làm tình, rồi nặng nề và dao động giữa hai tình yêu vắt kiệt tinh thần".[33] Trong thời gian này, vì không tìm được vai diễn thích hợp cho Trương Hồ Phương Nga, đạo diễn Phan Đăng Di đã chuyển hồ sơ của cô sang dự án của Hoàng Điệp. Khi nhìn thấy những bức ảnh của Phương Nga và sau khi gặp mặt trực tiếp, nữ đạo diễn đã quyết định chọn cô vào vai Huyền.[34]

Trần Bảo Sơn được chọn vào vai Hoàng.[35] Sơn tham gia phim sau hai năm tập trung việc kinh doanh.[36] Đầu tháng 6 năm 2013, Nguyễn Hoàng Điệp tổ chức một buổi tuyển vai khác ở Viện Pháp tại Hà Nội[a] để tuyển nam chính đóng chung với Phương Nga.[37] Cuối tháng 7 năm 2020, chỉ còn lại bốn ứng viên cuối cùng. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp mời diễn viên Như Lai làm việc với ba người trong số họ vì theo cô, ba người này "là những tay ngang hoàn hảo". Mặc dù là người bị chấm điểm thấp nhất về diễn xuất, Hoàng Hà vẫn được chọn. Theo Điệp, việc diễn xuất kém là do Hà cố tình giả vờ vì anh có nhược điểm sức khỏe yếu.[38] Lúc bấy giờ, anh đang là sinh viên năm hai Đại học Sân khấu Điện ảnh.[38][39] Về phần Thanh Duy, anh thu hút sự chú ý của Nguyễn Hoàng Điệp nhờ tấm ảnh chụp bản thân đang trao đổi trang phục với một nữ ứng viên cho vai Huyền trong buổi tuyển vai.[38] Đạo diễn Điệp và Phương Nga cũng làm việc cùng nhau trong khoảng hai năm trước khi Phương Nga quyết định từ bỏ vai diễn vì lo ngại về cảnh nóng trong phim.[34] Trước thời gian khởi quay một tháng, đạo diễn Hoàng Điệp đã gọi điện thoại đến Thùy Anh hỏi cô liệu có thể đảm nhận vai nữ chính hay không. Sau một khoảng thời gian suy nghĩ và đắn đo, cô chấp nhận yêu cầu.[32][40]

Quay phim[sửa | sửa mã nguồn]

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chỉ đạo các diễn viên thông qua bộ đàm

Đập cánh giữa không trung khởi quay từ mùa hè năm 2013.[41][42] Có hơn một nửa cảnh phim lơ lửng trên không do đặc thù công việc của nhân vật chính.[20] Theo đạo diễn Điệp, cô cho quay toàn bộ các cảnh, không cắt kịch bản.[43] Ngoài Trần Bảo Sơn, cả ba vai chính trong phim là Hoàng Hà, Thùy Anh và Thanh Duy đều lần đầu đóng phim điện ảnh. Theo Hoàng Hà, anh khá ngại ngùng và thậm chí định bỏ vai khi đọc kịch bản vì vai Tùng có khá nhiều cảnh tình dục với nữ chính. Trước khi khởi quay, Hà tham khảo nhiều về việc này. Do anh lẫn Thùy Anh đều chưa quen nhau trước đó nên họ có vài ngày diễn thử. Theo Hà, anh hoàn toàn tự tin khi diễn trong phim trường. Những cảnh nóng nào khó anh sẽ xin đạo diễn Điệp cho thực hiện lại.[39] Trong khi đó, Thanh Duy vào vai Linh, một nhân vật đồng tính. Anh có chút ngại ngùng khi quyết định nhận vai này vì e sợ "những vai diễn đồng tính vô thưởng vô phạt trong phim và sân khấu Việt Nam". Thanh Duy cũng có thời gian dài tập thử với Phương Nga nên khi cô bỏ vai, anh khá hoang mang cho đến khi gặp Thùy Anh. Hai người rất thân trong giai đoạn làm phim. Về nhân vật Hoàng Hà, Duy cho biết anh "ghét nhân vật Tùng mà Hoàng Hà thể hiện" nhưng cũng nhấn mạnh rằng các diễn viên xem nhau "như người trong nhà".[44] Theo lời kể của Thanh Duy, có vài phân cảnh nhân vật của anh không được khóc mà phải biểu thị cảm xúc bằng ánh mắt.[45] Anh đôi khi khóc ở phim trường.[44][45] Trong một buổi phỏng vấn, Thanh Duy tiết lộ cảnh ám ảnh nhất của mình là những cảnh "mang màu sắc tối tăm và tâm lý nặng nề".[45]

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp yêu cầu Thùy Anh và Trần Bảo Sơn giữ khoảng cách với nhau trên phim trường vì đặc thù nhân vật mà họ vào vai.[46][47] Diễn viên Thùy Anh không tiết lộ cho gia đình chuyện cô đóng cảnh nóng trong phim.[40][48] Do phải lấy nhiều góc quay khác nhau nên cảnh nóng giữa cô và Trần Bảo Sơn mất từ 5 đến 6 tiếng đồng hồ để thực hiện.[48][49] Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, Trần Bảo Sơn dành nhiều thời gian đọc kịch bản, tập luyện với đạo diễn, quay bối cảnh, thu thanh bổ sung, đánh giá cao "ứng xử nghề nghiệp hết sức chu đáo và chuyên nghiệp" của diễn viên này.[50] Trước khi vào vai, nữ diễn viên Thùy Anh tìm hiểu về dáng đi, cử chỉ, giọng nói của những người phụ nữ mang thai, bắt chước tiếng rên rỉ khi sinh nở của họ,[47] cũng như nghiên cứu về các cảnh nóng nghệ thuật.[46] Trong một lần quay phim với Hoàng Hà, Thùy Anh trốn vào nhà vệ sinh và khóc trong đó vài giờ.[51] Còn trong lần quay ở Tam Đảo, do kiệt sức nên không thể diễn cảnh khóc, đạo diễn Điệp đã quát mắng cô. Theo lời Thùy Anh, cô "vừa tức vừa sợ, nhưng nghĩ cả đoàn đã rất vất vả nên mình phải cố gắng".[32] Cũng theo diễn viên này, những cảnh quay khó nhất mà cô phải diễn là những cảnh quay cận mặt gần cuối phim, khi cô "không thể dùng tay chân mà chỉ có thể dùng khuôn mặt để lột tả" vai diễn.[40] Vì hạn chế về mặt kinh phí, phim không tổ chức họp báo khi đóng máy.[14]

Hậu kỳ[sửa | sửa mã nguồn]

Quá trình làm hậu kỳ cho phim diễn ra hoàn toàn tại Pháp.[52] Ngày 12 tháng 8 năm 2014, Hội đồng duyệt phim Quốc gia sau khi thẩm định đã kết luận Đập cánh giữa không trung là "một tác phẩm có giá trị và đạt chất lượng nghệ thuật". Tuy nhiên, do đề cập tới những góc tối trong giới trẻ nên phần hình ảnh, âm thanh có nhiều đoạn không hợp với "văn hóa Việt Nam". Do đó, hội đồng duyệt yêu cầu đạo diễn Điệp cùng ê kíp làm phim cắt bỏ những đoạn trên.[53][54] Ngày 18 tháng 8, sau khi tiếp nhận yêu cầu từ hội đồng duyệt, Nguyễn Hoàng Điệp trực tiếp thực hiện các sửa đổi trên bản phim vì cô muốn "mọi vết cắt phải thực sự ngọt ngào và uyển chuyển".[54] Theo đạo diễn Điệp, cảnh mà hội đồng duyệt yêu cầu cắt "là cảnh vô cùng lạnh lẽo",[55] "những từ tục quá trong thoại của phim",[51] không phải cảnh nóng.[51][55] Vị đạo diễn dùng biện pháp làm méo, làm mờ hoặc bỏ tiếng, tăng âm nhằm tạo cảm giác chồng lấp.[51] Cô cũng cho rằng đó không phải "cái gì quá ghê gớm" vì "tất cả các nhà làm phim trong nước đều phải trải qua cái thủ tục như vậy".[55] Phim có buổi chiếu thử tại Paris cho người Việt ở Pháp trước khi công chiếu chính thức tại Liên hoan phim Venezia.[52]

Phát hành[sửa | sửa mã nguồn]

Công chiếu lần đầu[sửa | sửa mã nguồn]

Đập cánh giữa không trung công chiếu lần đầu tại Tuần phê bình phim quốc tế Venezia trong khuôn khổ Liên hoan phim Venezia 2014 và tranh giải tại hạng mục "Sư tử vàng tương lai" của sự kiện chính cũng như giải thưởng của Liên đoàn phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải (FEDEORA).[56][57][58] Theo Francesco di Pace, trưởng ban tuyển phim của Tuần lễ phê bình Liên hoan phim Venezia, lý do Đập cánh giữa không trung được chọn là vì "Điệp cho thấy cô ấy là một đạo diễn rất tài giỏi. Chúng tôi cảm nhận được những vấn đề được nói tới trong phim: làm mẹ và làm cha khi còn ở tuổi rất trẻ, đặc biệt trong một xã hội phức tạp như Việt Nam".[10]

Chia sẻ về phản ứng của khán giả tại Venezia sau khi xem phim, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho biết: "Phản ứng của khán giả mà chúng ta vẫn gọi là Tây, nó dễ đoán lắm vì họ đã được đào tạo từ bé về lịch sự và nhã nhặn. Cho nên là để chờ đợi những lớp vỏ bề ngoài phản ứng, thì đương nhiên họ sẽ rất là chúc mừng, họ sẽ nói bộ phim rất là tốt, rất là hay [...] Sâu thẳm trong đó, thì khi mà bộ phim này đã kết thúc, màn đen hiện lên, và đi vào phần hỏi đáp thì số lượng khán giả ngồi lại đến phút cuối và lắng nghe những chia sẻ của người làm phim, thì mình mới thấy rằng họ quan tâm đến tác phẩm thật, và họ mong muốn được giãi bày thêm, chia sẻ thêm cũng như hiểu biết thêm về bộ phim thật".[55]

Tại các sự kiện và liên hoan phim[sửa | sửa mã nguồn]

Phim có thêm ba buổi công chiếu tại Liên hoan phim Toronto vào các ngày 5 tháng 9, 6 tháng 9 và 13 tháng 9 cùng năm và tranh giải tại hạng mục "Khám phá".[59][60][61] Bản phim gửi đến ban tổ chức quá hạn 10 ngày và không đáp ứng tiêu chí phim phải công chiếu lần đầu. Tuy nhiên, Đập cánh giữa không trung vẫn được chấp nhận tham dự liên hoan phim này.[59] Phim cũng được trình chiếu tại các liên hoan phim quốc tế như Busan,[62][63] AFI,[64][65][66] Kim Mã,[67][68] Ấn Độ,[69] Bratislava,[70][71] Fribourg,[72][73] Praha,[74] Copenhagen,[75][76] Luân Đôn BFI,[77][78] Melbourne,[79] Fukuoka,[80] Kerala,[81][82] Luang Prabang,[83][84] Locarno[85][86] cùng một số liên hoan phim như Liên hoan phim ba châu lục,[87][88] Liên hoan phim Kinh tuyến Thái Bình Dương,[89] Liên hoan phim châu Á Osaka[90][91] và Liên hoan phim quốc tế phụ nữ Aichi.[92]

Tại Việt Nam, phim được trình chiếu miễn phí tại Hà Nội[93] trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội.[94][95] Suất chiếu đầu tiên kín vé khiến đoàn làm phim phải sắp xếp thêm nhiều ghế phụ.[24] Ngoài ra, phim cũng tham dự Liên hoan phim "Clap" Hà Nội,[96] Liên hoan phim Pháp ngữ,[97][98]Liên hoan phim Việt Nam.[99] Bên cạnh đó, Đập cánh giữa không trung còn tham dự một số sự kiện quốc tế như Helsinki Cine Asia tổ chức ở Phần Lan,[100] Đại hội Điện ảnh Việt Nam quốc tế tổ chức ở miền Nam California, Hoa Kỳ,[101] chương trình Cinematheque Tel Aviv tổ chức tại Israel.[102]

Phát hành tại rạp Việt Nam[sửa | sửa mã nguồn]

Từ trái sang phải: diễn viên Thanh Duy, Trần Bảo Sơn, Thùy Anh, Hoàng Hà và đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tại lễ ra mắt phim ở CGV Art House Thành phố Hồ Chí Minh

Được truyền cảm hứng từ thành công của tác phẩm Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng do Nguyễn Thị Thắm làm đạo diễn cùng thành công của chính bộ phim tại các buổi chiếu ở Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội, cũng như sau khi cân nhắc về thời gian và mức độ cạnh tranh với các tác phẩm trong cùng thời điểm, Nguyễn Hoàng Điệp quyết định tự phát hành phim theo hướng độc lập mà không cần dùng thêm kinh phí để quảng bá.[103] Đầu năm 2015, Đập cánh giữa không trung trở thành một trong những phim mở màn tại các rạp chiếu CGV Art House ở Việt Nam.[104][105] Phim tung trailer thứ hai vào ngày 13 tháng 1 năm 2015.[106] Sau đó, đoàn làm phim có lễ công bố ra mắt phim tại Hà Nội[107][108] và Thành phố Hồ Chí Minh.[5] Tác phẩm ra mắt tại tất cả các cụm rạp Việt Nam ngày 23 tháng 1[109][110] với nhãn 16+.[106]

Đón nhận[sửa | sửa mã nguồn]

Phòng vé[sửa | sửa mã nguồn]

Đập cánh giữa không trung đạt doanh thu mở màn đứng thứ ba tại hệ thống cụm rạp CGV, chỉ xếp sau Đứa con thứ 7 của Hoa KỳI Fine..Thank You..Love You của Thái Lan. Tính đến ngày 3 tháng 2 năm 2020, phim bán được khoảng 10.000 vé, chiếm phần lớn ở hai thành phố Hà NộiHồ Chí Minh, trong khi một số nơi khác bán được ít vé hoặc doanh thu thất thường.[111][112][113] Sau hai tuần công chiếu, phim vẫn trụ lại rạp với hơn 17.000 vé bán ra.[112][114]

Báo Thanh Niên cho rằng Đập cánh giữa không trung gặp "may mắn" về doanh thu.[111] Đồng tình với ý kiến trên, Nguyễn Bích Thủy, giám đốc sản xuất của VBlock Media, nhà phát hành phim thừa nhận sự may mắn của phim đến từ "những đánh giá tích cực và hiệu ứng truyền miệng", bất chấp "không có kinh phí cho việc quảng bá".[112] Đại diện CGV Việt Nam, Vũ Kim Thư nhận xét thành tích trên "là một kết quả đáng khả quan dành cho phim độc lập".[114] Cùng quan điểm, báo Nông nghiệp Việt Nam cho rằng thành công của bộ phim đã "mở ra những cơ hội khác cho những bộ phim độc lập đang có lộ trình tiếp cận khán giả Việt".[115] Còn báo Phụ Nữ khẳng định đó là kết quả của quá trình "vất vả sôi sục với nguyện vọng phim phải ra rạp, phải thoát định mệnh phim nghệ thuật không có khán giả đám đông".[116] Tuy nhiên, báo Dân trí có cái nhìn khác hơn, cho rằng Đập cánh giữa không trung "là ví dụ tiêu biểu cho 'số phận' hẩm hiu của dòng phim tác giả ở thị trường phim Việt Nam hiện tại".[113] Mặc dù vậy, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp vẫn lạc quan: "Tôi muốn thay đổi cái nhìn của các nhà phát hành và các chủ rạp chiếu về phim nghệ thuật. Xưa nay họ cứ mặc định phim kiểu như Đập cánh giữa không trung là khỏi nghĩ tới chuyện bán vé với doanh thu. Tôi cũng muốn phần nào đó tác động đến khán giả để họ đa dạng hoá sự thưởng thức của mình và sẵn lòng ra rạp mua vé xem phim tác giả chứ đừng nghĩ đó là dạng phim nặng nề, đau đầu và không đáng để tốn thời gian. Tôi còn muốn sau đây, các bộ phim độc lập khác của bạn bè tôi, của những người tôi yêu mến và nể phục... cũng lần lượt ra rạp, bán vé đàng hoàng, dẫu không thu về lượng khán giả khổng lồ nhưng mưa dầm thấm lâu, những tác phẩm ấy sẽ được người xem đón nhận bằng cả tấm lòng".[112]

Đánh giá chuyên môn[sửa | sửa mã nguồn]

Quốc nội[sửa | sửa mã nguồn]

Mạnh Cường Vũ nhận định Đập cánh giữa không trung là một bước tiến rõ rệt của điện ảnh độc lập Việt Nam, với "tinh thần đương đại được thể hiện một cách đầy tự tin, khoan thai, mạch lạc mà cũng đầy lôi cuốn".[7] Nguyễn Thị Minh Thái của báo Tuổi Trẻ khẳng định thành công của phim đến từ khâu hình ảnh.[117] Báo Phụ nữ Việt Nam nhìn nhận tác phẩm chứa đựng màu sắc nữ tính nhưng không ủy mị.[9] Viết trên báo Thể thao & Văn hóa, Hoàng Phương cho rằng bên cạnh chất nữ tính, Đập cánh giữa không trung còn có nhiều chi tiết mạnh về mặt thị giác lẫn cảm giác, đánh thẳng vào cảm xúc của người xem.[118] Nguyên Minh của hãng thông tấn VnExpress thừa nhận so với Bi, đừng sợ!, tác phẩm dễ xem hơn với khán giả vì câu chuyện rõ ràng.[8]

Trên báo Thanh Niên, cây bút Minh Ngọc mô tả bộ phim có "mức độ cảnh nóng khá đậm đặc", cho rằng những cảnh nóng ấy "mang nặng sức biểu cảm, khi lột tả đến cùng nỗi cô đơn của người đàn bà trong sự gần gũi thân xác".[119] Hoài Hương của tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên so sánh cảnh nóng trong Đập cánh giữa không trung với các tác phẩm khác như Bi, đừng sợ!, Người truyền giống,... cho rằng điểm chung giữa những tác phẩm này là tâm lý tình dục khác biệt và bệnh hoạn của nhân vật so với các quan niệm truyền thống. Tạp chí này đặt câu hỏi: "Không biết có phải đó là 'chiêu' để các đạo diễn trẻ dẫn dụ công chúng xem phim của mình [...] Hay phim là nơi để đạo diễn 'xả' những ẩn ức của mình và sắp đặt cho nhân vật ở những tình huống phức tạp, bệnh hoạn như thế?"[120]

Quốc tế[sửa | sửa mã nguồn]

Nhà phê bình Raffaele Meale nhận xét: "Giữa những nơi hoang phế đầy vẻ quyến rũ mơ hồ, nơi các băng nhóm tội phạm hạ đẳng gặp nhau và tổ chức các trận chọi gà bất hợp pháp, những khung cảnh đô thị như thể bên bờ vực của ảo giác – đoàn tàu chạy qua gần nhà, với trẻ em chơi trên đường ray – những kiến ​​trúc gần như phi lý tranh đấu với hình thù cứng nhắc từ các ngôi nhà của lớp người giàu có, Đập cánh giữa không trung trói buộc ánh nhìn người xem vào hiện tượng thị giác liên tục, trong đó thực tại không bao giờ bị phủ nhận hoặc khiến người ta bực tức, mà được biến đổi, trộn lẫn với sự phục hồi một cách trần tục của cái 'thực' cùng sự lóe sáng bất ngờ của chủ nghĩa siêu thực ẩn dụ".[121] Cùng quan điểm, Clarence Tsui của The Hollywood Reporter khen ngợi sự kết hợp giữa "chủ nghĩa hiện thực táo bạo" với "bước nhảy vọt trong tưởng tượng nghệ thuật", cho rằng điểm mạnh chính của phim nằm ở cách Điệp truyền tải bầu không khí xã hội tựa hồ giữa-không-trung, từ đó phô bày những dơ bẩn của xã hội. Tuy có một số hình ảnh khiến khán giả yêu động vật cảm thấy buồn nôn, cũng như phần tóm tắt mới đọc thoáng qua dễ gây ra nhàm chán, nhưng tác phẩm vẫn "mang đến một sự thể hiện nhạy cảm, nhục cảm lẫn chân thực đến bất ngờ về tình dục và tuổi mới lớn ở Việt Nam".[122] Học giả điện ảnh Sveinung Wålengen thì cho rằng vấn đề phá thai là trọng tâm trong Đập cánh giữa không trung, trong khi các khía cạnh đạo đức và chính trị của nó lại được đẩy vào hậu cảnh. Ông kết luận phim là một trải nghiệm phong phú, vượt ra ngoài chủ đề.[123] Rowena Santos Aquino thừa nhận tuy bộ phim "chứa đựng những khoảnh khắc cường điệu quá mức, nhưng nó không lấn át bản thân tác phẩm đến mức Huyền bị nhào nặn thành một kiểu nhân vật phi thường, đang trải qua hoàn cảnh phi thường và đương đầu với nó theo cách phi thường".[124]

Giám tuyển Giovanna Fulvi của Liên hoan phim quốc tế Toronto nhận định: "Ngay từ cảnh quay đầu tiên, Nguyễn [Hoàng Điệp] tự cho mình là một nhà làm phim với một tầm nhìn thanh nhã và khác thường, lấp đầy bộ phim của mình bằng những khung cảnh bắt mắt, vừa có chức năng ẩn dụ, vừa đóng vai trò như một công cụ kể chuyện khéo léo".[125] Đồng tình với ý kiến trên, Amanda Ndaba của Liên hoan phim quốc tế Durban nêu cảm nghĩ: "Điệp xoay xở để dẫn dắt bộ phim, theo phương thức tự nhiên và kiểu cách để biến tác phẩm thành những câu chuyện kể [...] Vai trò chỉ đạo phim của Điệp tốt đến nỗi toàn bộ bộ phim hoàn toàn tự nhiên. Phong cách của cô khiêu khích, quyến rũ khán giả bằng những lựa chọn thông minh của mình".[126] Nhà sản xuất phim Angela Prudenzi kinh ngạc trước việc tác phẩm kết hợp những góc máy cầm tay xen kẽ với các khung hình.[127] Trên tạp chí Variety, Guy Lodge bày tỏ ấn tượng với những vệt bóng mờ sâu trong góc quay của Phạm Quang Minh cùng vai trò thiết kế sản xuất của Phạm Quang Vĩnh và Nguyễn Dân Nam.[128] Trong khi đó, Mariella Cruciani đánh giá địa điểm và tiếng ồn có vai trò nổi trội trong suốt diễn biến phim.[129]

Nhà phê bình David Brake cho rằng Đập cánh giữa không trung bị nhồi nhét quá nhiều ý tưởng vào trong khoảng thời gian 99 phút.[130] Còn David Nusair đánh giá tác phẩm không có chút gì ấn tượng, thậm chí tẻ nhạt, nhận định đạo diễn Điệp "hoàn toàn không thể lôi kéo người xem vào nhịp phim thong dong và rõ ràng việc thiếu vắng một điểm khởi đầu đã phủ bóng mờ lên mọi diễn biến xảy ra trong suốt thời lượng dài đằng đẵng của phim". Nhà phân tích này cũng cho rằng tác phẩm mang đến một cái nhìn thú vị về cuộc sống bên trong một khu ổ chuột ở Hà Nội, nhưng những khung cảnh ấy lại không thể gói gọn vào trong một bối cảnh thuyết phục. Ông thừa nhận có khoảnh khắc mạch phim cải thiện đôi chút, nhưng "sự rung cảm đầy hứa hẹn này chết đi nhanh như khi nó bắt đầu". Nusair kết luận Đập cánh giữa không trung là "một mớ hỗn độn sai lầm, kém cỏi, không thuộc về bất cứ liên hoan phim nào hoặc thậm chí là một kỳ chiếu rạp".[131]

Giải thưởng[sửa | sửa mã nguồn]

Đập cánh giữa không trung được Liên đoàn các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải (FEDEORA) trao giải "Phim hay nhất" tại Tuần phê bình phim quốc tế Venezia, sự kiện bên lề của Liên hoan phim Venezia 2014.[132][133] Phim cũng giúp đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp giành về giải thưởng "Đạo diễn xuất sắc" tại Liên hoan phim quốc tế Bratislava 2014[70][134] và góp phần giúp Thanh Duy gặt hái danh hiệu cá nhân "Nam diễn viên phụ xuất sắc" tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19.[135]

Phạm viNămGiải thưởng/Sự kiệnHạng mụcĐối tượngKết quảNguồn
Việt Nam2014Liên hoan phim quốc tế Hà NộiPhim dài xuất sắcĐập cánh giữa không trungĐề cử[136][137]
Diễn viên nữ chính xuất sắcNguyễn Thùy AnhĐề cử
Diễn viên nam chính xuất sắcPhạm Trần Thanh DuyĐề cử
Giải của ban giám khảoĐập cánh giữa không trungVinh danh[137][138]
2015Liên hoan phim Việt NamNam diễn viên phụ xuất sắcPhạm Trần Thanh Duy[b]Đoạt giải[135]
Quốc tế2014Liên đoàn các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải (FEDEORA)Phim hay nhấtĐập cánh giữa không trungĐoạt giải[132][133]
Liên hoan phim VeneziaSư tử vàng tương laiĐập cánh giữa không trungĐề cử[58][139]
Liên hoan phim quốc tế TorontoKhám pháĐập cánh giữa không trungĐề cử[59][60][61]
Liên hoan phim quốc tế BusanCửa sổ điện ảnh châu ÁĐập cánh giữa không trungĐề cử[62][140]
Mạng lưới thúc đẩy Điện ảnh châu Á (NETPAC)Giải thưởng của NETPACĐập cánh giữa không trungĐề cử[67]
Liên hoan phim AFINhững tác giả mớiĐập cánh giữa không trungĐề cử[66][141][142]
Liên hoan phim quốc tế BratislavaĐạo diễn xuất sắcNguyễn Hoàng ĐiệpĐoạt giải[70][134]
Liên hoan phim ba châu lụcGiải đặc biệt của ban giám khảoĐập cánh giữa không trungĐoạt giải[143][144]
2015Liên hoan phim quốc tế FribourgGiải của Ban giám khảo trẻ tuổi dành cho phim hay nhấtĐập cánh giữa không trungĐoạt giải[145][146]
Giải của Ban giám khảo quốc tế dành cho tác phẩm đáng chú ýĐoạt giải
Giải của Ban giám khảo phong trào Đại đoàn kết dành cho bộ phim xuất sắc nhấtĐoạt giải
Đại hội Điện ảnh Việt Nam quốc tếNam diễn viên xuất sắcPhạm Trần Thanh DuyĐoạt giải[147][148]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

Ghi chú[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Lúc bấy giờ vẫn mang tên Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội.
  2. ^ Đồng giải với Huy Cường của Những đứa con của làng

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Flapping in the middle of nowhere”. Cine-Sud Promotion. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2020.
  2. ^ “Our Films”. Film Farms. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 9 năm 2019. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2020.
  3. ^ “Flapping in the Middle of Nowhere”. Filmallee. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2020.
  4. ^ a b T. Minh (15 tháng 8 năm 2013). “Trần Bảo Sơn tái xuất màn ảnh với "Đập cánh giữa không trung". Hà Nội Mới. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 9 năm 2018. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2020.
  5. ^ a b c Hoàng Quý (22 tháng 1 năm 2015). “Lý giải sức hút của Trần Bảo Sơn trong "Đập cánh giữa không trung". Công an nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2020.
  6. ^ “Thanh Duy: Suốt 1 năm bị ám ảnh vì vai đồng tính”. VietNamNet. 22 tháng 9 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2020.
  7. ^ a b Mạnh Cường Vũ (14 tháng 10 năm 2014). 'Đập cánh giữa không trung': Bên lề, ngoại lệ và đương đại”. Thể thao & Văn hóa. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2020.
  8. ^ a b Nguyên Minh (25 tháng 11 năm 2014). 'Đập cánh giữa không trung' - cánh chim trong bão”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 4 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2020.
  9. ^ a b “Họ đã 'đập cánh' theo cách riêng của mình...”. Phụ nữ Việt Nam. 28 tháng 10 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2020.
  10. ^ a b “Nguyễn Hoàng Điệp: "Tôi không tin vào hạnh phúc của phụ nữ". Tạp chí Đẹp. 8 tháng 10 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2020.
  11. ^ a b c d Hoàng Vy (19 tháng 3 năm 2011). “Hoàng Điệp sốc và sex trong phim mới”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2020.
  12. ^ a b Cát Khuê (1 tháng 6 năm 2012). “Thảm đỏ rất ngắn nhưng hành trình rất dài”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2020.
  13. ^ a b Hoàng Lan Anh (28 tháng 11 năm 2014). “Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Không muốn phim mình cất kho”. Người lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2020.
  14. ^ a b c Nguyên Minh (4 tháng 12 năm 2014). “Hoàng Điệp: 'Càng trưởng thành tôi càng bớt tin vào lãng mạn'. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2020.
  15. ^ Cát Khuê (11 tháng 5 năm 2012). “Xách vali tiền đến đốt ở Cannes”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2020.
  16. ^ Eric Steiner (26 tháng 3 năm 2015). “«L'homme n'est qu'un fantasme»”. La Liberté. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 9 năm 2017. Truy cập ngày 8 tháng 9 năm 2020.
  17. ^ Hoàng Vy (8 tháng 7 năm 2011). “Đỗ Hải Yến sản xuất phim cùng Phan Đăng Di”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 18 tháng 9 năm 2020.
  18. ^ Dương Cầm (15 tháng 7 năm 2011). “Nỗi cô đơn triền miên”. An ninh Thủ đô. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 9 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 9 năm 2020.
  19. ^ a b Nguyên Minh (21 tháng 9 năm 2011). “Êkíp 'Bi, đừng sợ' tìm diễn viên cho phim mới”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2020.
  20. ^ a b Việt Văn (16 tháng 11 năm 2012). “Đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp: "Với tôi, định mệnh lớn nhất của đàn bà là cô đơn!". Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2020.
  21. ^ Lê Thiếu Nhơn (15 tháng 9 năm 2014). “Phim ta xin tiền Tây”. Nông nghiệp Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2020.
  22. ^ Thanh Hà (11 tháng 5 năm 2012). “Dự án phim "Đập cánh giữa không trung" tại liên hoan Cannes 2012”. RFI Tiếng Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2020.
  23. ^ “Tham dự Liên hoan phim Cannes là may mắn”. Kinh tế & Đô thị. 1 tháng 1 năm 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2020.
  24. ^ a b Nguyên Minh (24 tháng 11 năm 2014). 'Đập cánh giữa không trung' kín khách suất chiếu đầu tiên”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2020.
  25. ^ a b Cát Khuê (22 tháng 5 năm 2014). "Điển hình tiên tiến" ở Cannes”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2020.
  26. ^ Nguyên Minh (10 tháng 11 năm 2012). “Dự án phim Việt được LHP Berlin tài trợ”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2020.
  27. ^ L. A (16 tháng 1 năm 2015). “Đập cánh giữa không trung”. Sài Gòn Giải Phóng. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2020.
  28. ^ Hạnh Phương (14 tháng 7 năm 2011). “Chuyện bi hài ở phòng tuyển diễn viên”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2020.
  29. ^ V. A (20 tháng 9 năm 2011). “Đỗ Hải Yến truy tìm Châu Tấn của Việt Nam”. VTC News. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2020.
  30. ^ N. T (23 tháng 9 năm 2011). “Dự án "Đập cánh giữa không trung" tuyển chọn diễn viên”. Thể thao & Văn hóa. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2020.
  31. ^ Việt Anh (21 tháng 9 năm 2011). “Đỗ Hải Yến đau đầu vì tìm Châu Tấn "Việt". Thể thao & Văn hóa. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 9 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 9 năm 2020.
  32. ^ a b c Ngọc Diệp (3 tháng 1 năm 2015). “Diễn viên chính 'Đập cánh giữa không trung' Thùy Anh: 'Nếu chỉ ở trong nhà, sẽ chẳng biết ngoài kia có gì?'. Thể thao & Văn hóa. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2020.
  33. ^ Minh Trang (8 tháng 12 năm 2016). “Đóng cảnh nóng trong phim Việt chẳng sung sướng gì!”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2020.
  34. ^ a b Nguyên Minh (29 tháng 6 năm 2017). “Hoa hậu Phương Nga - giấc mơ điện ảnh dang dở”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2020.
  35. ^ H. H (25 tháng 3 năm 2015). “Những gương mặt "kiếm tiền" cho phim Việt”. Dân trí. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2020.
  36. ^ Tâm Giao (16 tháng 8 năm 2013). “Trần Bảo Sơn quay lại với điện ảnh sau 2 năm”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2020.
  37. ^ Nguyên Minh (31 tháng 5 năm 2013). “Hoàng Điệp tìm diễn viên nam đóng với Phương Nga”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2020.
  38. ^ a b c Nguyễn Hoàng Điệp (2 tháng 2 năm 2015). “New Faces New Talents 2015 – Hoàng Hà & Thanh Duy”. Tạp chí Đàn ông. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2020.
  39. ^ a b Linh Anh (3 tháng 12 năm 2014). “Diễn viên lần đầu tiết lộ về cảnh người lớn trong 'Đập cánh'. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2020.
  40. ^ a b c Huy Phương & Hà Phương (25 tháng 1 năm 2015). “Thùy Anh: Giấu bố mẹ về "cảnh nóng" trong "Đập cánh giữa không trung". Đài Tiếng nói Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2020.
  41. ^ Trương Thu Hiền (22 tháng 11 năm 2014). "Có đi mới thành đường". Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2020.
  42. ^ Hiếu Trung (6 tháng 9 năm 2014). “Đập cánh giữa không trung đoạt giải tại LHP Venice”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2020.
  43. ^ Dạ Thương (3 tháng 3 năm 2015). “Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Đập cánh giữa hoang mang”. Harper's Bazaar Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2020.
  44. ^ a b Xuân Mai (28 tháng 10 năm 2014). "Đập cánh giữa không trung" và "lần đầu tiên" của Thanh Duy Idol”. VietnamPlus. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2020.
  45. ^ a b c Chi Lê (9 tháng 9 năm 2014). "Đập cánh giữa không trung": Góc khuất của người chuyển giới”. VietnamPlus. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 11 năm 2014. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2020.
  46. ^ a b Chi Lê (15 tháng 1 năm 2015). “Diễn viên Thùy Anh: Cô gái 9X "một đúp ăn luôn" với cảnh nóng”. VietnamPlus. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2020.
  47. ^ a b 'Tủi thân vì gia đình phản đối cảnh nóng với Trần Bảo Sơn'. VTC News. 30 tháng 1 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2020.
  48. ^ a b Lê Phương (10 tháng 9 năm 2014). “Diễn viên Đập cánh giữa không trung xấu hổ vì "ân ái" với Trần Bảo Sơn”. Giáo dục Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 9 năm 2014. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2020.
  49. ^ Hoàng Vy (26 tháng 11 năm 2014). “Trần Bảo Sơn kể về 6 tiếng đóng cảnh sex”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2020.
  50. ^ Lôi Phong (8 tháng 7 năm 2014). “Trần Bảo Sơn đắt show sau ly hôn”. VTC News. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2020.
  51. ^ a b c d Hiền Hương (28 tháng 1 năm 2015). “Đạo diễn Hoàng Điệp nghĩ gì khi để diễn viên 18 tuổi đóng cảnh "nóng"?”. Dân trí. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2020.
  52. ^ a b Lan Lộc. “Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Không có sở thích nào ngoài làm phim” (PDF). Tin tức (34). tr. 14. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2020 – qua Wayback Machine.
  53. ^ Linh Anh (26 tháng 8 năm 2014). 'Đập cánh giữa không trung' bị yêu cầu cắt cảnh phản cảm”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2020.
  54. ^ a b Nguyên Minh (26 tháng 8 năm 2014). 'Đập cánh giữa không trung' bị yêu cầu chỉnh sửa cảnh phản cảm”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2020.
  55. ^ a b c d Hoài Vũ (21 tháng 9 năm 2014). “Phim "Đập cánh giữa không trung" đoạt giải tại LHP Venice”. Đài Á Châu Tự Do. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 9 năm 2014. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2020.
  56. ^ Nguyên Minh (25 tháng 7 năm 2014). 'Đập cánh giữa không trung' tham dự LHP Venice”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2020.
  57. ^ Lucy Nguyễn & Đ. T (30 tháng 8 năm 2014). 'Đập cánh giữa không trung' tranh giải tại LHP Venice và Toronto”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2020.
  58. ^ a b Michael Rosser (21 tháng 7 năm 2014). “Venice Critics' Week 2014 line-up”. Screen Daily. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2020.
  59. ^ a b c Nguyên Minh (29 tháng 8 năm 2014). 'Đập cánh giữa không trung' tiếp tục đi LHP Toronto”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2020.
  60. ^ a b “TIFF List 2014: The Complete Toronto International Film Festival Lineup With Grade Averages”. IndieWire. 4 tháng 9 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2020.
  61. ^ a b Jeremy Kay (19 tháng 8 năm 2014). “Toronto unveils Discovery, Mavericks”. Screen Daily. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2020.
  62. ^ a b “Vietnamese films to screen in Busan”. VietNamNet. 1 tháng 10 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 11 năm 2014. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2020.
  63. ^ “Flapping in the Middle of Nowhere”. Liên hoan phim quốc tế Busan. tháng 10 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2020.
  64. ^ Nguyên Minh (12 tháng 11 năm 2014). 'Đập cánh giữa không trung' chiếu miễn phí ở Hollywood”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2020.
  65. ^ “The LGBT Films of AFI Fest 2014”. Advocate. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2020.
  66. ^ a b “New Auteurs: Flapping in the Middle of Nowhere (Đap cánh giua không trung)”. Liên hoan phim AFI. 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 10 năm 2014. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2020.
  67. ^ a b Ngân Vi (27 tháng 10 năm 2014). 'Đập cánh giữa không trung' tham dự LHP Kim Mã”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2020.
  68. ^ “2014 金馬影展 級別異動公告(11/05更新)”. Liên hoan phim Kim Mã. 30 tháng 9 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2020.
  69. ^ Nguyên Minh (27 tháng 11 năm 2014). “Thùy Anh một mình 'đập cánh' ở Ấn Độ”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2020.
  70. ^ a b c Nguyên Minh (15 tháng 11 năm 2014). 'Đập cánh giữa không trung' tiếp tục giành giải ở Slovakia”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2020.
  71. ^ “16th International film festival Bratislava: Film catalogue”. Liên hoan phim quốc tế Bratislava. 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 11 năm 2014. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2020.
  72. ^ “Nguyễn Hoàng Điệp được mời làm giám khảo Liên hoan phim Fribourg”. VietnamPlus. 21 tháng 3 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2020.
  73. ^ “Flapping in the Middle of Nowhere”. Liên hoan phim Fribourg. 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2020.
  74. ^ “Asijské Panoráma”. Liên hoan phim quốc tế Praha – Febiofest. 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2020.
  75. ^ “U-landsnyt.dk guider dig til verdens film på årets CPH PIX”. Globalnyt. 30 tháng 3 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2020.
  76. ^ “Danish catalogue for CPH PIX 2015 - Annual International Feature Film Festival, Copenhagen, Denmark”. issuu. 10 tháng 3 năm 2015. tr. 70. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2020.
  77. ^ Nguyên Minh (1 tháng 9 năm 2015). “Ba phim của đạo diễn Việt dự liên hoan phim lớn nhất của Anh”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2020.
  78. ^ “The 59th BFI London Film Festival in partnership with American Express® announces full 2015 programme”. Viện phim Anh. 10 tháng 9 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2020. Diep Hoang Nguyen's beautiful debut, FLAPPING IN THE MIDDLE OF NOWHERE, a wry, weird socially probing take on the teen pregnancy scenario that focuses on a girl whose escape from village life to pursue an urban education has her frozen in mid-flight
  79. ^ “Flapping in the Middle of Nowhere”. Liên hoan phim Melbourne. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2020.
  80. ^ “12 Films you cannot miss at the Focus On Asia – Fukuoka International Film Festival 2016”. Asian Film Festivals. 17 tháng 9 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 11 năm 2016. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2020.
  81. ^ “Kerala film fest to feature 20 movies handpicked by Shaji Karun”. NetIndian. 30 tháng 11 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 9 năm 2020. Truy cập ngày 11 tháng 9 năm 2020.
  82. ^ “Women Power: Films depicting women as protogaonists”. Liên hoan phim quốc tế Kerala. 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 11 tháng 9 năm 2020.
  83. ^ M. Quân (28 tháng 9 năm 2015). “Việt Nam tham dự LHP Luang Prabang”. Đại Đoàn Kết. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2020.
  84. ^ “The 6th Luang Prabang Film Festival”. Liên hoan phim Luang Prabang. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2020.
  85. ^ Trinh Nguyễn (14 tháng 8 năm 2019). “Việt Nam đoạt nhiều giải thưởng tại LHP Locarno”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2020.
  86. ^ “Đập cánh giữa không trung”. Liên hoan phim Lorcano. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2020.
  87. ^ Nguyên Minh (1 tháng 12 năm 2014). 'Đập cánh giữa không trung' tranh giải ở LHP Ba lục địa tại Pháp”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2020.
  88. ^ “Flapping In The Middle Of Nowhere (Dap canh giua khong trung)”. Liên hoan phim ba châu lục. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2020.
  89. ^ “Во Владивостоке открылся 13-й кинофестиваль «Меридианы Тихого» (ФОТО)”. VL.ru. 12 tháng 9 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2020. "На взмахе крыльев" - вьетнамская лента о девушке-подростке, которая беременна и вынуждена заниматься проституцией, чтобы найти деньги на аборт. Единственным ее клиентом становится мужчина, одержимый беременными женщинами. С ним она обретает счастье. "Ну вы понимаете, какая там жизнь", - иронизирует Мерзликин
  90. ^ Cát Khuê (12 tháng 3 năm 2016). “Khán giả Nhật khóc cười với phim Việt ở LHP Osaka”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 6 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2020.
  91. ^ “Schedule”. Liên hoan phim Osaka. 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2020.
  92. ^ “Flapping in the Middle of Nowhere”. Liên hoan phim quốc tế phụ nữ Aichi. 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2020.
  93. ^ Lê Quang Vinh (18 tháng 11 năm 2014). “Chiếu miễn phí phim "Đập cánh giữa không trung". Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2020.
  94. ^ Hiền Nhi (20 tháng 11 năm 2014). 'Đập cánh giữa không trung' tham dự LHP quốc tế Hà Nội 2014”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2020.
  95. ^ Mai An (10 tháng 11 năm 2014). “Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2014: Lộ dần các nhân tố bí ẩn”. Sài Gòn Giải Phóng. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2020.
  96. ^ Ngọc Bi (27 tháng 12 năm 2014). “Chiếu 'Đập cánh giữa không trung' tại LHP Tài năng mới”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2020.
  97. ^ Hồng Bắc (18 tháng 3 năm 2015). "Đập cánh giữa không trung" dự Liên hoan phim Pháp ngữ 2015”. Đài Tiếng nói Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2020.
  98. ^ “Ngày Quốc tế Pháp ngữ: chương trình kỷ niệm tại Việt Nam” (PDF). Liên hoan phim Pháp ngữ tại Việt Nam. 2015. tr. 23–24. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 16 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2020.
  99. ^ Vũ Văn Việt (18 tháng 11 năm 2015). “Liên hoan phim Việt Nam 2015 chiếu miễn phí 20 phim tranh giải”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2020.
  100. ^ “Flapping in the Middle of Nowhere”. Helsinki Cine Asia. 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2020.
  101. ^ Ngọc Lan (20 tháng 4 năm 2015). “Việt Film Fest 2015 khai mạc bằng phim viễn tưởng 'Nước 2030'. Đài Á Châu Tự Do. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2020.
  102. ^ Minh Trang (29 tháng 4 năm 2017). “Đập cánh giữa không trung đến Israel”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2020.
  103. ^ Nguyên Minh (31 tháng 12 năm 2014). 'Đập cánh giữa không trung' ra rạp vào tháng 1”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2020.
  104. ^ Cát Khuê (30 tháng 12 năm 2014). “Ra mắt Art house tại Việt Nam”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2020.
  105. ^ T. Minh (22 tháng 1 năm 2015). "Đập cánh giữa không trung" ra mắt CGV Art House”. Hà Nội Mới. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2020.
  106. ^ a b Nguyên Minh (13 tháng 1 năm 2015). “Trailer 'Đập cánh' hé lộ nhiều cảnh sốc của Thùy Anh”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2020.
  107. ^ Minh Hạnh (22 tháng 1 năm 2015). “Dàn sao khoe sắc tại lễ ra mắt 'Đập cánh giữa không trung'. Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 6 năm 2015. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2020.
  108. ^ Yên Chi (22 tháng 1 năm 2015). “Hoa hậu Kỳ Duyên cao nổi bật tại lễ ra mắt phim”. Dân Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2020.
  109. ^ Thiên Hương (14 tháng 1 năm 2015). 'Đập cánh giữa không trung' công chiếu toàn quốc ngày 23.1”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2020.
  110. ^ Minh Hạnh (22 tháng 1 năm 2015). 'Đập cánh giữa không trung' sắp ra mắt”. Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2020.
  111. ^ a b Trinh Nguyễn (3 tháng 2 năm 2015). “Đạo diễn 'Đập cánh giữa không trung': Mừng vì gần 10.000 người bỏ tiền xem phim nghệ thuật”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2020.
  112. ^ a b c d Nguyên Minh (10 tháng 2 năm 2015). 'Đập cánh giữa không trung' vẫn trụ rạp sau hai tuần chiếu”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2020.
  113. ^ a b Hiền Hương (7 tháng 2 năm 2015). "Tôi mơ có nhiều phim hay để kể cho khán giả". Dân trí. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 8 năm 2015. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2020.
  114. ^ a b Ngọc Diệp (10 tháng 2 năm 2015). “Đập cánh giữa không trung 'thoát hiểm' 2 tuần đầu, bán được 17.000 vé”. Thể thao & Văn hóa. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2020.
  115. ^ V. Khang (26 tháng 1 năm 2015). “Tìm chỗ đứng cho phim độc lập”. Nông nghiệp Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2020.
  116. ^ Vũ Thủy (24 tháng 1 năm 2015). “Xem 'Đập cánh giữa không trung': Trắng, xám, đỏ, đen và nâu...”. Phụ Nữ. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2020.
  117. ^ Nguyễn Thị Minh Thái (25 tháng 1 năm 2015). “Người trẻ đang đập cánh...”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2020.
  118. ^ Hoàng Phương (23 tháng 1 năm 2015). “Phim 'Đập cánh giữa không trung': Mạnh mẽ và choáng váng”. Thể thao & Văn hóa. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2020.
  119. ^ Minh Ngọc (1 tháng 2 năm 2015). “Người phụ nữ chấp chới giữa cô đơn”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2020.
  120. ^ Hoài Hương (17 tháng 6 năm 2015). “Phim trẻ: sáng tạo hay "có vấn đề"?”. Văn nghệ Thái Nguyên. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2020.
  121. ^ Raffaele Meale (3 tháng 9 năm 2014). “Flapping In the Middle of Nowhere”. Quinlan. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 6 năm 2020. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2020.
  122. ^ Clarence Tsui (1 tháng 9 năm 2014). 'Flapping in the Middle of Nowhere' ('Dap canh giua khong trung'): Venice Review”. The Hollywood Reporter. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2020.
  123. ^ Sveinung Wålengen (13 tháng 10 năm 2014). “Lyrisk sosialrealisme i vietnamesiske Flapping in the Middle of Nowhere”. Montages. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 8 năm 2018. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2020.
  124. ^ Rowena Santos Aquino (17 tháng 11 năm 2014). “AFI FEST 2014: Flapping in the Middle of Nowhere Review”. Next Projection. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 10 năm 2016. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2020.
  125. ^ Giovanna Fulvi (2014). “Flapping in the Middle of Nowhere”. TIFF.net. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 9 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2020.
  126. ^ Amanda Ndaba (2015). “Review: Flapping In The Middle Of Nowhere”. Liên hoan phim quốc tế Durban. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2020.
  127. ^ Angela Prudenzi (2 tháng 9 năm 2014). “Flapping in the Middle of the Nowhere”. Cinematografo. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2020.
  128. ^ Guy Lodge (21 tháng 9 năm 2014). “Film Review: 'Flapping in the Middle of Nowhere'. Variety. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 10 năm 2016. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2020.
  129. ^ Mariella Cruciani. “Đập cánh giữa không trung (Flapping In the Middle of Nowhere/Agitarsi nel Mezzo del Nulla)”. Cine Critica Web. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 5 năm 2016. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2020.
  130. ^ David Brake (2 tháng 10 năm 2015). “Flapping in the Middle of Nowhere – LFF Review”. One Room With A View. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2020.
  131. ^ David Nusair (2014). “Toronto International Film Festival 2014: Flapping in the Middle of Nowhere”. Reel Film Reviews. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 10 năm 2014. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2020.
  132. ^ a b Hiếu Trung (6 tháng 9 năm 2014). “Đập cánh giữa không trung đoạt giải tại LHP Venice”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2020.
  133. ^ a b “FEDEORA Awards in Venice”. Liên đoàn các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải (FEDEORA). Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 9 năm 2014. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2020.
  134. ^ a b “French film Party Girl wins 16th edition of Bratislava IFF”. Liên hoan phim quốc tế Bratislava. 27 tháng 10 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2020. The Best Director Award went to Vietnamese independent filmmaker Nguyen Hoang Diep for her feature-length debut, Flapping in the Middle of Nowhere (Dap Cánh Giua Không Trung)
  135. ^ a b Cát Khuê (6 tháng 12 năm 2015). “Một liên hoan phim có khán giả, "cả làng cùng vui". Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2020.
  136. ^ Đức Triết (28 tháng 11 năm 2014). “Phim Nga đoạt giải cao nhất Liên hoan phim quốc tế HN”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 10 năm 2017. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2020.
  137. ^ a b Linh Anh (27 tháng 11 năm 2014). “Phim cấm trẻ em giành giải giám khảo tại LHP quốc tế HN”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2020.
  138. ^ Nguyên Minh (28 tháng 11 năm 2014). 'Đập cánh giữa không trung' giành giải của ban giám khảo HANIFF”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2020.
  139. ^ “Phim Việt 18+ 'Đập cánh giữa không trung' thua Ấn Độ ở LHP Venice”. Công lý. 7 tháng 9 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2020.
  140. ^ P. C. Tùng (8 tháng 9 năm 2016). 'Tấm Cám: Chuyện chưa kể' dự LHP Busan và phát hành tại Hàn Quốc”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 9 năm 2016. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2020. Tại hạng mục Cửa sổ điện ảnh châu Á của LHP Busan các năm trước, một số phim Việt đã từng tham dự là Bi, đừng sợ (đạo diễn Phan Đăng Di), Đập cánh giữa không trung (đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp), Quyên (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình)...
  141. ^ Ryan Lattanzio (16 tháng 10 năm 2014). “AFI Fest Unveils 2014 New Auteurs, American Independents and Shorts Lineups”. IndieWire. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 9 năm 2016. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2020.
  142. ^ Xuân Mai (12 tháng 11 năm 2014). "Đập cánh giữa không trung" đua tranh giải thưởng lớn ở Hollywood”. VietnamPlus. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 11 năm 2014. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2020.
  143. ^ Cát Khuê (2 tháng 12 năm 2014). “Đập cánh giữa không trung lại có giải”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2020.
  144. ^ “Le palmarès”. Liên hoan phim ba châu lục. 1 tháng 12 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2020.
  145. ^ Thiên Hương (31 tháng 3 năm 2015). 'Đập cánh giữa không trung' lập cú hat-trick tại LHP Fribourg”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2020.
  146. ^ “Award winners 2015”. Liên hoan phim quốc tế Fribourg. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2020.
  147. ^ Quỳnh Như (21 tháng 4 năm 2015). “Thanh Duy Idol giành giải diễn xuất tại Viet Film Fest 2015”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2020.
  148. ^ “Awards”. Viet Film Fest. 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2020.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]

Wiki - Keonhacai copa chuyên cung cấp kiến thức thể thao, keonhacai tỷ lệ kèo, bóng đá, khoa học, kiến thức hằng ngày được chúng tôi cập nhật mỗi ngày mà bạn có thể tìm kiếm tại đây có nguồn bài viết: https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%ADp_c%C3%A1nh_gi%E1%BB%AFa_kh%C3%B4ng_trung