Wiki - KEONHACAI COPA

Vương Lăng (Tam Quốc)

Vương Lăng
王淩
Tên chữNgạn Vân
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
172
Nơi sinh
Kỳ
Mất
Ngày mất
251
Nguyên nhân mất
ngộ độc
Giới tínhnam
Gia quyến
Thân phụ
Vương Mậu, hoặc
Vương Hoành
Anh chị em
Vương thị
Gia tộcThái Nguyên Vương thị
Nghề nghiệpchính khách
Quốc tịchTào Ngụy
Tên tiếng Trung
Phồn thể王淩
Giản thể王凌

Vương Lăng (chữ Hán: 王淩; Phiên âm: Wang Ling; 171 - 251), tên tựNgạn Vân (彥雲), là đại thần nhà Tào Ngụy thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.

Thời trẻ[sửa | sửa mã nguồn]

Vương Lăng quê ở huyện Kì quận Thái Nguyên (thuộc Tinh châu), là cháu gọi tư đồ Vương Doãn nhà Đông Hán bằng chú. Sau khi Vương Doãn bị các bộ tướng của Đổng TrácLý Thôi, Quách Dĩ giết chết (192), gia quyến cũng bị hại. Vương Lăng cùng anh là Vương Thần còn trẻ, trèo thành thoát được, chạy trốn về quê.

Lý Thôi và Quách Dĩ thất bại, Tào Tháo nắm vua Hán Hiến Đế cầm quyền trong triều. Vương Lăng được tiến cử làm Hiếu liêm và được đề bạt làm Thái thú Trung Sơn. Tài năng của ông được thừa tướng Tào Tháo quý mến.

Chống Đông Ngô[sửa | sửa mã nguồn]

Ngụy Văn Đế Tào Phi lên ngôi, ông được phong làm Tán kị Thường thị, sau đó ra làm Thứ sử Duyện Châu. Rồi Vương Lăng được điều ra làm tướng ở Dương châu. Ông tham gia chiến trường chống Đông Ngô dưới quyền Trương Liêu. Nhờ góp công đánh lui tướng Ngô là Lã Phạm, ông được phong làm Nghi Thành Đình hầu, Kiến Vũ tướng quân (建武将军).

Thời Ngụy Minh Đế Tào Duệ, Vương Lăng theo Tào Hưu đi đánh Ngô bị bại trận. Ông có công cứu Tào Hưu thoát khỏi sự truy kích của quân Ngô. Sau đó ông đánh lui được tướng Ngô là Toàn Tông và được phong làm Xa kỵ tướng quân (车骑将军).

Vương Lăng lần lượt giữ chức Thứ sử các châu Dương, Dự đều được nhân dân ở đó khen ngợi[1].

Bị hại[sửa | sửa mã nguồn]

Vương Lăng được cất nhắc làm Đô đốc Dương châu chư quân sự. Từ thời Tào Phương xảy ra tranh chấp quyền lực giữa họ Tư Mã và họ Tào. Sau khi diệt Tào Sảng, Tư Mã Ý nắm quyền điều hành triều chính và thực hiện thanh trừng các tướng trung thành với họ Tào.

Tháng giêng năm 251, vua Đông NgôTôn Quyền sai quân lấp kín cửa sông Đồ Thủy chảy vào sông Trường Giang. Vương Lăng cho rằng Tôn Quyền định khởi binh đánh Ngụy, ông ra lệnh giới nghiêm toàn quân ở Dương châu, đồng thời dâng biểu về triều đề nghị phát đại quân đánh Ngô. Tư Mã Ý cho rằng Vương Lăng lấy lý do đánh Ngô chỉ là cớ để khởi binh chống triều đình, nên không đồng ý cho Vương Lăng hưng binh ra quân[2], rồi tâu lên Tào Phương rằng Vương Lăng có mưu đồ câu kết với Sở vương Tào Bưu (曹彪, con thứ của Tào Tháo, em Văn Đế Tào Phi, ông chú của Tào Phương) làm phản, sẽ đánh chiếm Hứa Xương để phế truất Tào Phương và lập Tào Bưu[3].

Nhưng để giữ bí mật khiến Vương Lăng không phòng bị, Tư Mã Ý ngấm ngầm điều binh đi theo đường thủy, bất ngờ từ Dĩnh Thủy tới Thọ Xuân. Vương Lăng không hiểu vì sao Tư Mã Ý lại mang quân tới[4], và bị bất ngờ không thể có cách nào điều quân chống cự. Khi Tư Mã Ý đã đến Khâu Đầu, Vương Lăng đành bảo thủ hạ trói mình, cùng thủ hạ Vương Úc tới thủy doanh của Tư Mã Ý, nộp ấn tín xin thỉnh tội.

Tư Mã Ý sai người tới truyền lệnh cởi trói cho Vương Lăng. Vương Lăng không nghi ngờ gì Tư Mã Ý, định lên thuyền nhỏ tới gặp, nhưng Tư Mã Ý không cho, bắt Vương Lăng phải dừng thuyền lại cách 10 trượng để nói chuyện. Vương Lăng biết Tư Mã Ý không dung, ra sức biện bạch nhưng không kết quả[5]. Sau đó, Tư Mã Ý sai 600 quân áp giải Vương Lăng về Lạc Dương trị tội. Vương Lăng muốn thăm dò thái độ của Tư Mã Ý, đánh tiếng xin một chiếc quan tài. Tư Mã Ý sai người mang quan tài đến cho ông. Vương Lăng biết không thể thoát chết, đi nửa đường tới Hạng Thành thì uống thuốc độc tự tử. Năm đó ông 81 tuổi.

Con ông là Vương Quảng (王广) cũng bị xử trảm trong vụ này.

Sau khi qua đời[sửa | sửa mã nguồn]

Vương Lăng được chôn cất ít lâu thì có một viên tướng là Vương Thức tới tự thú với Tư Mã Ý, nói rằng mình là người cùng họ với Vương Lăng và là thuộc hạ của Thứ sử Duyện châu Lệnh Hồ Ngu (cháu ngoại của Vương Lăng), từng theo lệnh của Lệnh Hồ Ngu tới thành Bạch Mã câu kết với Sở vương Tào Bưu; còn Lệnh Hồ Ngu cũng từng mưu đồ với Vương Lăng chống triều đình. Tư Mã Ý căn cứ vào lời tố cáo đó, hạ lệnh phá quan tài Vương Lăng và Lệnh Hồ Ngu, phơi xác họ 3 ngày trong chợ, thiêu hủy ấn tín và áo quan của họ, rồi chôn xác trần xuống đất[6]. Sau đó Tư Mã Ý hạ lệnh tru di tam tộc ông và họ Lệnh Hồ rồi nhân danh Tào Phương ra chiếu thư bắt Sở vương Tào Bưu phải tự sát.

Không đầy một tháng sau, Tư Mã Ý bị bệnh qua đời. Có người thời đó cho rằng họ Tư Mã bị hồn Vương Lăng hiện về ám ảnh[4].

Các sử gia cho rằng khi đó Lệnh Hồ Ngu đã bị bệnh qua đời nên không có cách nào kiểm chứng lời tự thú và tố cáo của Vương Thức, thực chất đây là vụ án giả do Tư Mã Ý làm ra để tiêu diệt những lực lượng trung thành với họ Tào mà chống đối mình[7]. Sách Hán Tấn xuân thu của Tập Tạc Xỉ thời Tấn chép việc Vương Lăng và Lệnh Hồ Ngu bàn nhau về việc họ Tư Mã lấn quyền vua nhỏ Tào Phương nên mưu lập Tào Bưu. Sử gia Bùi Tùng Chi khi chú giải Tam quốc chí tỏ ra nghi ngờ về ghi chép của Tập Tạc Xỉ, cho rằng sử cũ không hề chép việc đó mà họ Tập tự mình chép ra[1].

Là đại thần trong chính quyền Tào Ngụy nhưng Vương Lăng không được tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa nhắc tới.

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b Tam quốc chí, Ngụy chí quyển 28: Vương Vô Khâu Gia Cát Đặng Chung truyện
  2. ^ Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 568
  3. ^ Lê Đông Phương, sách đã dẫn, tr 413
  4. ^ a b Lê Đông Phương, sách đã dẫn, tr 414
  5. ^ Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 569
  6. ^ Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 570
  7. ^ Lê Đông Phương, sách đã dẫn, tr 413-414
Wiki - Keonhacai copa chuyên cung cấp kiến thức thể thao, keonhacai tỷ lệ kèo, bóng đá, khoa học, kiến thức hằng ngày được chúng tôi cập nhật mỗi ngày mà bạn có thể tìm kiếm tại đây có nguồn bài viết: https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C6%B0%C6%A1ng_L%C4%83ng_(Tam_Qu%E1%BB%91c)