Wiki - KEONHACAI COPA

Thành viên:Băng Tỏa/Biên dịch

Wikipedia tiếng Việt có nhiều bài dịch vì những bài đó có người viết sẵn ở ngôn ngữ khác rồi, giờ chỉ cần người "bưng về", đỡ tốn công hì hục nghiên cứu viết lại từ đầu, đặc biệt là những bài không thuộc đề tài Việt Nam (phim ảnh quốc tế, lịch sử, sự kiện quốc tế, các thành phố, thực thể địa lý ở ngoài Việt Nam...). Dù đôi lúc không đảm bảo được chất lượng nhưng dịch bài đã, đang và sẽ luôn là một xu hướng nổi trội, thu hút được sự chú ý, tò mò, thử nghiệm và thực hành của nhiều thành viên, không kể tuổi tác, không phân giới tính, không màng trình độ.

Bài này nhằm mục đích mổ xẻ và cắt lát công việc dịch thuật một cách đơn giản nhất có thể. Băng Tỏa sẽ mổ xẻ cho các bạn thấy quy trình dịch bao gồm những bước nào, để hoàn thành quy trình này thì cần những yếu tố gì (những yếu tố vô hình nhưng tuyệt nhiên không vô dụng), liệt kê "một số" kinh nghiệm cho những bạn mới bắt đầu hoặc đang định bắt đầu, giải thích một số ngộ nhận và phân tích một số ví dụ. Rải rác trong bài là lời khuyên, kinh nghiệm, chia sẻ của những người hành nghề chuyên nghiệp.

Bạn tự thấy mình tốt tiếng Anh và đang thắc mắc vậy là đã đủ để dịch bài chưa? Bạn muốn dịch nhưng không giỏi tiếng Việt? Bạn từng dịch bài xong cay đắng nhận ra rằng công việc này không đơn giản như mình tưởng và bạn muốn biết mình thiếu hụt chỗ nào? Bạn thắc mắc tại sao các biên dịch/phiên dịch viên đều làm được mà mình không làm được? Bạn muốn xin lời khuyên để cải thiện khả năng dịch của mình? Mong là bài này sẽ giúp bạn tháo gỡ một số khúc mắc.

Quy trình dịch[sửa | sửa mã nguồn]

  1. Hiểu ý tác giả trong nội dung cần dịch. Hiểu ý đồ mà tác giả muốn truyền đạt một cách sâu sắc, hiểu toàn bộ văn cảnh, hiểu cái tinh thần và thông điệp mà tác giả muốn truyền tải, có khi là còn cần phải hiểu tại sao tác giả lại nói như vậy nữa. Đừng chỉ hiểu sơ sơ phiên phiến, đừng chỉ dừng ở mặt chữ. Người có nhiệm vụ biên dịch/phiên dịch bắt buộc phải hiểu sâu, hiểu hết, hiểu tường tận để còn chuyển ngữ, tại vì bạn không thể chuyển ngữ thứ mà bạn không hiểu.
  1. Diễn đạt lại nội dung đó bằng tiếng Việt chuẩn xác, gần với tiếng Việt của người Việt.

Yếu tố để dịch tốt[sửa | sửa mã nguồn]

Để hoàn thành tốt quy trình trên, ta cần các yếu tố sau:

Để hiểu được ý tác giả
  • Kiến thức về đề tài đó
  • Vốn ngoại ngữ cao, càng cao càng tốt. Càng nhiều kinh nghiệm với ngôn ngữ đó thì càng dễ hiểu được ý tác giả. Lấy ví dụ nho nhỏ trong tiếng Anh, không phải lúc nào novel cũng có nghĩa là "tiểu thuyết" và không phải lúc nào rice cũng là "gạo". Đây là lý do tại sao công việc dịch thuật không dành cho người ở trình độ trung cấp.
  • Am tường về văn hóa bản địa của nước đó. Nếu dịch các đề tài tự nhiên như toán, hóa, vật lý, công nghệ thông tin... chắc không cần, còn các đề tài xã hội thì cực kỳ cần. Hoặc nếu bạn chỉ dịch đề tài đúng lĩnh vực chuyên môn của mình và am tường về lĩnh vực đó rồi thì có lẽ không cần yếu tố này và yếu tố dưới.
  • Có vốn sống. Người vốn sống dồi dào thì nhanh nắm bắt được suy nghĩ và hiểu ý người khác và có tư duy linh hoạt, rất hữu ích trong việc chuyển ngữ. Quan trọng nhất là tác giả muốn nói cái gì, chứ không phải trong từ điển Anh-Việt ghi cái gì. Ngôn ngữ suy cho cùng chỉ là phương tiện để con người truyền đạt ý tưởng của mình cho người khác hiểu.
Khả năng dùng tiếng Việt điêu luyện để biết cách diễn đạt trong tiếng Việt sao cho tự nhiên, trôi chảy, đúng ngữ pháp tiếng Việt, không cần bám sát vào câu cú hay ngữ pháp tiếng nước ngoài.

Một người dịch giỏi là một người biết dùng vốn tiếng Việt của mình chuyển ngữ ý đồ của tác giả sang tiếng Việt. Một bản dịch lý tưởng sẽ khiến người đọc có cảm tưởng rằng: "nếu tác giả biết tiếng Việt, chắc chắn họ sẽ viết đúng như thế này". Và giả dụ họ biết tiếng Việt, thì chắc chắn họ sẽ viết các câu đó theo ngữ pháp tiếng Việt, chứ đâu viết theo ngữ pháp tiếng Anh. Tương tự, theo những gì Băng Tỏa tự quan sát và đúc kết thì ở Đức, các bản dịch tiếng Đức chuyên nghiệp đều là người dịch hiểu ý tác giả xong viết lại bằng thứ tiếng Đức tự nhiên, không còn dấu vết nào của văn phạm Anh. Nội ngay trong ngữ tộc German, ngữ pháp tiếng Đức cũng rất khác ngữ pháp tiếng Anh, nói gì đến các khác biệt giữa ngữ pháp Anh-Việt.

Lời khuyên cho người mới bắt đầu[sửa | sửa mã nguồn]

Biên dịch là một công việc không dễ, tốn nhiều thời gian, công sức mà chỉ coi trọng kết quả
  • Trước khi dịch, hãy đọc qua một lượt, đánh dấu những chỗ không hiểu và tra từ điển.
  • Dễ nhất là hãy bám trụ vào mảng/đề tài chuyên môn ruột. Nếu bạn có kiến thức chuyên ngành, ắt bạn cũng có đủ khả năng tự diễn đạt kiến thức đó bằng tiếng Việt. Nếu bạn đọc bài tiếng nước ngoài không hiểu, không sao, bạn hoàn toàn có thể đọc tài liệu sách báo tiếng Việt và tự viết. Như này còn hay hơn dịch bài nữa vì bài của bạn sẽ được viết bằng tiếng Việt tự nhiên, ai đọc vào cũng hiểu, không có văn phạm nước ngoài, không có những cách diễn đạt kỳ cục ngây ngô, không lạm dụng bị động, sở hữu cách, không dùng từ sai ngữ cảnh.
  • Kết quả là quan trọng nhất, không cần biết quá trình bạn đã trải qua những gì, bạn lao tâm khổ tứ ra sao, bạn vật vã, bạn vò đầu bứt tóc, bạn mất ăn mất ngủ, bạn xuống ký,... Không quan tâm bạn dùng "âm mưu thủ đoạn" gì, bạn dịch hay tự viết, cái độc giả cần là một bài bách khoa nhiều thông tin hữu ích, dễ hiểu, văn viết thuần Việt, mạch lạc.
Nếu bạn dịch bài về chủ đề mà mình không có kiến thức chuyên môn
  • Luôn luôn tra cứu thuật ngữ chuyên ngành bằng các tài liệu tiếng Việt hoặc song ngữ. Đừng chế từ!
  • Đọc về đề tài đó bằng các tài liệu tiếng Việt để xem xem người ta mô tả các sự vật, sự việc đó bằng tiếng Việt như thế nào để mình học hỏi.
  • Để cho dễ, bạn có thể chọn một vài lĩnh vực mình yêu thích và nghiên cứu kỹ.
  • Chỗ nào không hiểu hãy tra từ điển ngay, đừng đoán mò kẻo đoán sai. Đừng dịch bừa dịch đại, đừng chém gió. Chỗ nào khó, hãy tìm trợ giúp.
  • Hãy tra từ điển Anh-Anh thay vì Anh-Việt. Tiếng Anh muôn hình vạn trạng, mà từ điển Anh-Việt chỉ ghi nhận một số nghĩa phổ biến nhất chứ không ghi nhận đầy đủ tất cả các nghĩa của một từ trong tất cả các ngữ cảnh.Tâm sự mỏng: Không biết mọi người sao chứ từ năm lớp 8 học đội tuyển Anh, Băng Tỏa đã được dạy là phải luôn tra từ điển Anh-Anh.
  • Viết lại nội dung đó bằng tiếng Việt thuần Việt, đúng ngữ pháp. Ý tại ngôn ngoại. Đừng dịch chữ. Hãy dịch ý tưởng. Ngôn ngữ nào cũng có cách vận hành riêng và tiếng Việt cũng vậy. Đừng để ngữ pháp, cách diễn đạt trong tiếng nước ngoài ảnh hưởng đến bạn, phải thoát ra và nghĩ xem coi người Việt thường sẽ diễn đạt nội dung đó như nào rồi viết ra. Đừng quên người đọc của bạn là người Việt, thứ họ muốn đọc là văn viết tiếng Việt thuần Việt. Đừng viết sai ngữ pháp tiếng Việt, đừng thiếu tôn trọng độc giả.
  • Chỗ nào bí không ra cách diễn đạt trong tiếng Việt, bạn cứ đánh dấu lại lúc khác nghĩ tiếp. Qua hôm sau, đầu óc sảng khoái biết đâu lại nghĩ ra. Dục tốc bất đạt.
  • Để thoát ra khỏi cách hành văn của văn bản tiếng nước ngoài, bạn hoàn toàn có thể đọc nguồn lấy ý rồi viết lại. Viết bách khoa chỉ cần không tự sáng tạo ra kiến thức, thông tin là được.
  • Dịch xong, nên nhờ người khác đọc qua và kiểm tra giúp:
    • Nhờ người giỏi tiếng Anh soát lỗi dịch sai.
    • Nhờ người giỏi văn tiếng Việt để chỉ ra những chỗ hành văn sượng. Dịch thuật giống viết văn ở chỗ là người viết thường không nhận ra được những điểm bất ổn trong bài của mình.

Đồng tự dị nghĩa[sửa | sửa mã nguồn]

Đồng tự dị nghĩa là những từ giống nhau về mặt chữ nhưng khác nghĩa, tiếng Anh gọi là false friend(s), tiếng Đức gọi là falsche Freunde. Đọc bài giới thiệu trên Wikipedia tiếng Anh ở en:False friend. Bạn có thể đọc về 19 cặp từ Anh-Đức dạng này ở đây và một số ví dụ về các cặp từ Hàn-Việt ở đây. Đây là một hiện tượng bình thường trong ngôn ngữ nhưng có thể sẽ là cái gai trong mắt những người thích dịch nhanh dịch ẩu. Cho nên, khi đọc văn bản ngoại ngữ mà thấy kỳ kỳ thì cần phải tra cứu ngay.

Một số ngộ nhận[sửa | sửa mã nguồn]

Dịch word to word là được rồi

Không ổn đâu bạn ạ. Người làm dịch thuật chuyên nghiệp mà chỉ biết dịch word to word là thất nghiệp lâu rồi. Nếu làm phiên dịch trực tiếp sẽ "được" nghe khách hàng khiếu nại tại chỗ "Em dịch cái gì mà chị chẳng hiểu gì cả.", hoặc "Tôi không cần biết bản gốc tiếng Tây nó như nào, tôi chỉ biết là nội dung tiếng Việt quá tối nghĩa và khó hiểu." Nếu chỉ biết dịch word to word, bạn sẽ không bao giờ dịch được thành ngữ, không ai dịch thành ngữ bằng cách dịch từng từ cả. Bạn muốn xem một số lỗi dịch thuật cười xỉu ở Wikipedia? Mời bấm vào Thành viên:DHN/Amusing mistranslations.

Cái gì cũng có thể dịch 1-1 được sang tiếng Việt.
Waldeinsamkeit

Cái gì cũng có thể chuyển ngữ được thì đúng nhưng dịch 1-1 tức là bắt tiếng Việt phải có từ y chang thì không. Tiếng Anh có vô vàn thành ngữ không trong tiếng Việt. Tương tự, những thứ tiếng còn lại trên thế giới cũng có vô vàn thành ngữ hoặc cách diễn đạt riêng không có trong tiếng Việt. Đây là chuyện rất bình thường. Với những bạn được học ngôn ngữ học, đây là kiến thức căn bản. Vậy thường dịch giả sẽ làm gì? Dịch giả sẽ hiểu ý tưởng trong câu gốc rồi diễn đạt lại bằng tiếng Việt sao cho người Việt hiểu. Bạn có thể xem ví dụ ở đề mục Thị phạm nhé.

Ngay cả trong tiếng Đức cũng có rất nhiều từ độc nhất vô nhị không có từ tương ứng trong tiếng Anh, mặc dù cùng ngữ tộc German. Giữa tiếng Đức và tiếng Anh có vô số dịch giả, nhà ngôn ngữ học và nhà nghiên cứu văn hóa chuyên nghiệp, họ đã cố gắng chuyển ngữ các từ này sang tiếng Anh và họ đã thất bại.

  • Verschlimmbessern = nhằm cải thiện nhưng rốt cuộc chỉ khiến nó tệ hơn. Tương tự, kaputtreparieren: sửa nhưng rốt cuộc lại làm hư.
  • Strandkorb = (nếu dịch từng từ sẽ thành "cái giỏ cát") ghế ngồi chill ở bãi biển
  • Waldeinsamkeit = (nếu dịch từng từ sẽ thành "nỗi cô đơn rừng rú") cảm giác an yên tĩnh lặng trong tâm hồn khi được ở một mình giữa rừng sâu
  • Weltschmerz = (nếu dịch từng từ sẽ thành "nỗi đau thế giới") cảm giác buồn và bi quan, thất vọng về thực trạng của thế giới (có thể là vì những chuyện đang xảy ra trên thế giới không đi theo hướng mà mình mong muốn, kỳ vọng) và sự bất lực của chính mình
Nếu tiếng Việt chưa có thì giờ tôi chế từ

Bạn không nên vì đây là bách khoa toàn thư. Nhiệm vụ của bách khoa không phải là sáng tạo ra cái mới mà chỉ đơn thuần là ghi lại những thông tin có sẵn bằng tiếng Việt thuần Việt, không phải bằng thứ tiếng Việt pha tạp ngữ pháp tiếng Anh, câu cú lủng củng, đặt dấu câu không đúng ngữ pháp tiếng Việt.

Tra từ điển Anh-Việt thôi là đủ rồi, tra Anh-Anh mất thời gian lắm.
Từ điển Anh-Việt chỉ ghi nhận một vài nghĩa thông dụng nhất nên lắm lúc không có nghĩa mà bạn cần.

Bạn không nên vì lắm lúc từ điển Anh-Việt không ghi nhận đầy đủ tất cả các nghĩa. Ví dụ:

  • Từ iffy thực chất có vài nghĩa nhưng từ điển trực tuyến Soha chỉ ghi nhận đúng một nghĩa duy nhất là "not certain or decided = không chắc chắn, không nhất quyết, không dứt khoát", không ghi nhận các nghĩa còn lại. Nhưng không ghi nhận là thiếu sót của từ điển Anh-Việt thôi, người dịch phải biết dựa vào ngữ cảnh mà tra Anh-Anh. Chẳng hạn, câu "I was hoping to go to the park but the weather's looking a bit iffy." đâu thể dịch thành "Tôi định đi công viên nhưng thời tiết không chắc chắn" được.
  • Chastise có một nghĩa là criticize sb severely nhưng không hề được ghi nhận trên từ điển Soha.

Thị phạm dịch khẩu ngữ[sửa | sửa mã nguồn]

Khẩu ngữ, cụ thể ở đây là thoại phim, không áp dụng được trong bài bách khoa nhưng lại gần gũi với đời sống thường nhật và dễ hiểu. Mong là thông qua những ví dụ dưới đây, mọi người sẽ hiểu hơn về bản chất của việc dịch thuật.

Anh-Việt[sửa | sửa mã nguồn]

Thoại của loạt phim Wednesday trên Netflix, tập 1 Sửa bằng trình soạn thảo trực quan


Đáp án lấy từ bản dịch tiếng Việt chính thức của Netflix. Cảm quan cá nhân: Băng Tỏa đánh giá cao bản dịch tiếng Việt của series phim này.

ThoạiCó thể bị dịch thànhTại sao sai?Đáp án
"That girl is the closest thing Nevermore has to royalty.""Đó là người gần nhất với hoàng gia ở trường này." hoặc "Cô ta là người gần huyết thống với hoàng gia nhất trường."Ý câu này là "She's the most popular girl in school." chứ không liên quan gì với hoàng gia cả. Hiểu sai thì sẽ dịch sai, cho nên phải tìm cách hiểu chính xác ý của nguyên tác.Nếu ở Nevermore có vua chúa, thì cô ta là ứng cử viên số một.
"People like Dalton shouldn't be allowed to procreate."Những người như Dalton không được phép sinh sản.Không sai nhưng sượng trân. Cần viết lại hoàn toàn bằng tiếng Việt tự nhiên, miễn là vẫn giữ được tinh thần của người nói. Không cần "những" để câu gãy gọn hơn trong tiếng Việt.Kẻ như Dalton nên bị tuyệt tự.
"That's on a need-to-know basis."Đó là trên cơ sở cần hẵng biết.Tối nghĩa quá vì nặng ngữ pháp Anh. Đọc giải nghĩa thành ngữ ở đây rồi viết lại cho thuần Việt nhé."Người nào cần biết tôi mới nói." hoặc "Khi nào cần biết tôi mới nói."
Enid: I still think that you're weird as shit, though.

Wednesday: This feeling is incredibly mutual.

Enid: Nhưng tôi vẫn thấy cậu kỳ quặc lắm.

Wednesday: Cảm giác này là chung.

Khán giả đọc vào không hiểu là biên dịch viên thất bại rồi. Nên hãy mạnh tay viết lại sao cho ai đọc vào cũng phải hiểu.Enid: Nhưng tôi vẫn thấy cậu kỳ quặc lắm.

Wednesday: Tôi cũng nghĩ thế về cậu.

Tập 2

ThoạiCó thể bị dịch thànhTại sao sai?Đáp án
"Well your search party must have left their seeing-eye dogs at home."Chắc đội tìm kiếm của bác quên dắt theo chó dẫn người mù rồi.Seeing-eye dog = chó dẫn người mù → Tại sao đội tìm kiếm lại cần chó dẫn người mù? Nếu cần đến chó dẫn người mù thì tức là người đó mù → Đội tìm kiếm này bị mù. Câu này mượn cách diễn đạt quên dắt theo chó để chửi đội tìm kiếm vô tích sự, nên cứ viết lại mạnh tay, không cần phải khư khư bám mặt chữ đâu.Chắc đội tìm kiếm đó toàn người mù rồi.
"Says the boy whose life was served on a silver platter."Xem cậu chàng có cuộc đời trên đĩa bạc nói kìa."whose life was served on a silver platter" là thành ngữ để chỉ con nhà giàu, sinh ra trong nhung lụa, cậu ấm cô chiêu. Cho nên cần diễn đạt bằng tiếng Việt thuần Việt thì khán giả mới hiểu.Xem công tử sống trong nhung lụa nói kìa.
Xavier: Girls in glass houses…

Wednesday: ...should throw bigger stones.

Xavier: Gái trong nhà kính...

Wednesday: ...nên ném đá to hơn
Đọc lại xem dịch vầy thì ai hiểu gì?

Xavier định nói "Girls in glass houses shouldn't throw stones", lấy từ câu thành ngữ people who live in glass houses shouldn't throw stones, ý nghĩa tương tự chó chê mèo lắm lông trong tiếng Việt. Wednesday cắt ngang Xavier và đáp lại rất xéo sắc "should throw bigger stones", ý là "(chính vì chúng ta đồng gia cảnh) nên tôi càng phải chê cậu mạnh hơn, gay gắt hơn". Khi dịch, phải xem cả 2 vế và dịch sao cho khớp nhau. Nếu dịch vế đầu là "Chó thì đừng chê mèo lắm lông" cũng không sai, nhưng như vậy thì vế hai viết gì cho khớp? Đây là bài toán mà biên dịch viên bắt buộc phải giải. Trong trường hợp này, sự ăn khớp của 2 vế là quan trọng nhất, quan trọng hơn mặt chữ nhiều.Xavier: Cậu thì khác gì tôi…

Wednesday: ...nên càng phải chê mạnh chứ sao.

Enid: Want to take a stab at being social?

Wednesday: I do like stabbing. The social part, not so much.

Enid: Thử giao lưu xem sao không?

Wednesday: Tôi thích phần đâm nhau. Còn giao lưu thì không.

Thành ngữ take a stab at doing something có sẵn giải nghĩa trên Soha rồi, mọi người tự tra được. Lưu ý là trong trường hợp này, hiệu ứng chơi chữ là quan trọng nhất. Thoại của Wednesday bắt buộc phải có 2 phần "tôi thích...., còn giao lưu thì không", cho nên thoại của Enid cũng phải có từ "giao lưu" và một từ gì đó nữa. Từ gì thì biên dịch phải tự nghĩ ra sao cho hợp với tiếng Việt và tính cách của Wednesday.Enid: Thử giao lưu xem có chết không?

Wednesday: Chết nghe hay đấy. Còn giao lưu thì không hay lắm.

Dịch thoại phim khó ở chỗ là không có nguồn tham khảo như bài bách khoa trên Wikipedia. Dịch bài bách khoa, chỗ nào không hiểu thì bạn có thể đọc nguồn để hiểu, nhưng thoại phim thì không thể.

Hàn-Việt[sửa | sửa mã nguồn]

  • Có những câu thoại tiếng Hàn rất ngắn nhưng khi dịch sang tiếng Việt lại dài, đến mức không thể cắt bớt được. Chẳng hạn tiếng Hàn có câu 너나 잘해 chỉ có bốn ký tự, nhưng khi dịch ra thì khá nhiều chữ "Bạn nên lo làm việc của bạn trước đi".
  • Tiếng Hàn có từ 결혼하다 /kyeol-hon/ có nghĩa là kết hôn, từ này phát âm cũng gần giống kết hôn nên người ta thường dùng luôn từ kết hôn trong khi tiếng Việt có rất nhiều biểu hiện đa dạng như cưới, dựng vợ gả chồng, lập gia đình, ra ở riêng.
  • Một biểu hiện cũng thường xuất hiện trong phim Hàn là 콩밥을 먹다, nghĩa đen là ăn cơm đậu nhưng nghĩa bóng là đi tù. Khi dịch sang tiếng Việt, biên dịch có thể chọn các từ như đi tù, bóc lịch, ngồi nhà đá, ăn cơm tù… tùy vào ngữ cảnh và thái độ trong thoại của nhân vật.[3]

Đức-Việt[sửa | sửa mã nguồn]

  • "Bitte beachten Sie die Pflicht zur Mund-Nasen-Bedeckung.": nếu dịch máy móc sẽ thành "Hãy lưu ý nghĩa vụ về sự che mũi và miệng" (đọc vào không hiểu gì cả). Nếu xét ngữ cảnh thì thật ra đây là biển báo bắt đeo khẩu trang của chính quyền địa phương, cho nên viết lại sao cho dễ hiểu là được, chẳng hạn như "Bắt buộc đeo khẩu trang".

Ví dụ về dịch sượng[sửa | sửa mã nguồn]

Tiểu thuyết Cô gái có hình xăm rồng bản dịch tiếng Việt, nguồn:

  • "Isabella có thể rắn nhưng đôi khi bà ấy không ở đấy hẳn". → Có phải ý muốn nói "Isabella có thể nom có vẻ cứng rắn, nhưng không hoàn toàn như thế"?
  • "Bốn gã lực sĩ tóc vàng mặc quần soóc và bỏ sơ mi". → "Bỏ sơ mi"? Dịch từ shirtless chăng? Bỏ sơ mi thì mặc áo phông nhé. Hay "bỏ sơ mi" ý là "bỏ áo vào quần", vậy thì cứ nói thẳng ra là sơ vin hoặc đóng thùng.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Lê Quang đa tài và kỹ tính”. Tiền Phong. 22 tháng 5 năm 2017. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2023.
  2. ^ “Dịch giả Trịnh Lữ: "Triết lý hay nhận định, nhiều khi chỉ để lừa nhau". Vietcetera. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2023.
  3. ^ a b “Dịch phim cho Netflix? Chỉ người trong ngành hiểu!”. Vietcetera. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2023.
  4. ^ “Bình Bồng Bột: 5 Điều bạn cần nhớ nếu muốn trở thành dịch giả”. Vietcetera. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2023.
Wiki - Keonhacai copa chuyên cung cấp kiến thức thể thao, keonhacai tỷ lệ kèo, bóng đá, khoa học, kiến thức hằng ngày được chúng tôi cập nhật mỗi ngày mà bạn có thể tìm kiếm tại đây có nguồn bài viết: https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A0nh_vi%C3%AAn:B%C4%83ng_T%E1%BB%8Fa/Bi%C3%AAn_d%E1%BB%8Bch