Wiki - KEONHACAI COPA

Pisco sour

Pisco sour
Cocktail chính thức của IBA
Photograph
Pisco sour Peru
LoạiCocktail
Rượu nguyên chất theo thể tích
Phục vụKỹ thuật Straight-up; không có đá lạnh
Trang trí tiêu chuẩnrượu đắng Angostura (1 tí)
Đồ đựng tiêu chuẩn
Ly cổ điển
Thành phần
được chỉ định theo IBAdagger
  • 60ml pisco
  • 30ml nước cốt chanh
  • 20ml siro đường
  • 1 lòng trắng trứng
  • Vài giọt rượu đắng thơm ở công đoạn cuối
Chuẩn bịLắc mạnh lượng chất lỏng chứa trong bình lắc cocktail với đá viên, sau đó đổ vào ly và trang trí bằng rượu đắng.[1]
Tính giờCả ngày
dagger Pisco sour tại Hiệp hội Pha chế đồ uống Quốc tế

Pisco sour là món cocktail có cồn bắt nguồn từ Peru, đặc trưng trong ẩm thực PeruChile. Món thức uống này được đặt tên theo từ pisco, là rượu nền dùng pha chế, kèm thuật ngữ sour (vị chua), là công thức pha chế gồm có nước cốt chanh chua và thành phần chất tạo ngọt. Công thức pha chế pisco sour kiểu Peru sử dụng pisco làm rượu nền và thêm nước chanh vắt tươi, siro đường, đá viên, lòng trắng trứng và rượu đắng Angostura. Phiên bản Chile cũng tương tự, nhưng lại dùng pisco và quả chanh Pica của Chile để pha chế, không pha rượu đắng và lòng trắng trứng. Các biến thể khác của món cocktail này gồm nhiều kiểu pha chế với trái cây như dứa hoặc thực vật như lá coca.

Mặc dù pha chế đồ uống hỗn hợp bằng pisco có khả năng khởi đầu từ thập niên 1700 nhưng các sử gia và chuyên gia đồ uống đều đồng tình rằng món pisco sour ngày nay là do ông Victor Vaughen Morris, người Mỹ, phát minh vào đầu thập niên 1920 tại Lima, thủ đô Peru.[2] Morris rời Hoa Kỳ năm 1903 đến làm việc tại thành phố Cerro de Pasco, miền trung Peru. Năm 1916, ông khai trương quán Morris' Bar ở Lima. Quán của ông nhanh chóng trở thành địa điểm nổi tiếng dành cho tầng lớp thượng lưu Peru và người nước ngoài nói tiếng Anh. Pisco sour đã trải qua vài thay đổi đến khi Mario Bruiget, một bartender người Peru làm việc tại quán Morris' Bar, tạo nên công thức pha cocktail Peru hiện đại vào cuối thập niên 1920 bằng cách thêm rượu đắng Angostura cùng lòng trắng trứng vào hỗn hợp.

Tại Chile, nhà văn hóa dân gian Oreste Plath kết luận người phát minh món uống này là Elliot Stubb, một quản lý bếp người Anh trên con thuyền Sunshine. Năm 1872, Elliot Stubb đã trộn nước cốt chanh, siro và đá viên để tạo nên món cocktail trong quán bar tại thành phố cảng Iquique, vào thời điểm thuộc chủ quyền Peru. Bất chấp điều đó, theo nguồn tin ban đầu được Plath trích dẫn cho rằng Stubb đã phát minh ra whiskey sour - không phải pisco sour. Thông tin đề cập đến pisco sour cũ nhất được đăng trên một tạp chí từ năm 1921 cho rằng Morris mới chính là người phát minh. Năm 1924, mẩu quảng cáo giới thiệu quán Morris' Bar cũng đề cập đến món này, xuất bản trên một tờ báo ở thành phố cảng Valparaíso, Chile.

Thực khách sành uống cocktail xem pisco sour là món uống cổ điển trong ẩm thực Nam Mỹ.[a] Pisco sour được xem là quốc tửu của cả hai nước PeruChile.[5][6][7][8][9] Mỗi bên đều khẳng định quyền sở hữu loại rượu nền pha chế cocktail — pisco.[b] Do vậy, pisco sour trở thành chủ đề quan trọng và gây tranh cãi về văn hóa đại chúng Mỹ Latinh. Hai loại pisco và hai biến thể trong phong cách chế biến pisco sour có sự khác biệt cả về cách sản xuất lẫn hương vị. Hàng năm, Peru kỷ niệm một ngày lễ quốc gia nhằm tôn vinh món cocktail này vào ngày thứ bảy đầu tiên của tháng hai.

Tên gọi[sửa | sửa mã nguồn]

Thuật ngữ sour dùng để đề cập đến cách pha trộn thức uống chứa gồm rượu nền (rượu whiskey ngô hoặc vài loại whiskey khác), nước cốt chanh và chất tạo ngọt.[11] Từ ngữ pisco đề cập đến loại rượu nền dùng để pha chế cocktail. Từ ngữ áp dụng cho đồ uống có cồn này khởi nguồn tại thành phố cảng Pisco, Peru. Trong cuốn sách Mỹ Latinh và biển Caribe, nhà sử học Olwyn Blouet và nhà địa lý chính trị Brian Blouet đã mô tả rằng ngành trồng vườn nho phát triển vào thời kỳ đầu thuộc địa Peru và nửa sau thế kỷ XVI. Thị trường rượu hình thành do nhu cầu từ các khu định cư gia tăng trên dãy Andes. Về sau, nhu cầu về rượu mạnh đã khiến thành phố Pisco và Ica lân cận thành lập nhiều nhà máy chưng cất "để chế biến rượu vang thành rượu brandy".[12] Rượu thành phẩm được đặt tên theo thành phố cảng, nơi chưng cất và xuất khẩu rượu.[13][14]

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Nền tảng[sửa | sửa mã nguồn]

Aerial photograph
Plaza de toros de Acho (thủ đô Lima), trường đấu bò lâu đới nhất châu Mỹ, nơi từng bán thức uống tiền thân của pisco sour.

Những cây nho đầu tiên du nhập đến Peru không lâu sau khi người Tây Ban Nha chinh phục Đế quốc Inca vào thế kỷ 16. Các nhà biên niên sử Tây Ban Nha từ thời kỳ này ghi nhận hoạt động sản xuất rượu vang đầu tiên ở Nam Mỹ diễn ra tại khu đồn điền Marcahuasi ở thành phố Cuzco.[15] Vào thế kỷ 16 và 17, những vườn nho lớn nhất và nổi bật nhất tại châu Mỹ được thành lập ở thung lũng Ica, trung nam Peru.[16][17] Vào thập niên 1540, Bartolomé de Terrazas và Francisco de Carabantes đã trồng nhiều vườn nho ở Peru.[18] Carabantes cũng lập nên vườn nho ở Ica, từ đó người Tây Ban Nha đến từ AndaluciaExtremadura đã đưa cây nho vào Chile.[18][19]

Ngay từ thế kỷ 16, người Tây Ban Nha định cư ở Chile và Peru đã bắt đầu sản xuất rượu aguardiente[19][20] được chưng cất từ ​​nho lên men.[21] Ít nhất là từ năm 1764, rượu aguardiente ở Peru được đặt tên "pisco" dựa theo tên cảng biển vận chuyển.[16][17] Cách dùng tên gọi "pisco" cho rượu aguardiente về sau lan truyền đến Chile.[c] Cấp phép sản xuất và thị trường tiêu thụ pisco, hiện vẫn được sản xuất tại Peru và Chile, là chủ đề tranh chấp đang diễn ra giữa hai nước.[22]

Theo nhà sử học Luciano Revoredo, cách pha chế dùng rượu pisco với nước chanh có từ thế kỷ 18. Ông căn cứ tuyên bố của mình dựa theo nguồn tin truy xuất từ tờ báo Mercurio Peruano viết chi tiết về lệnh cấm đồ uống có cồn ở Plaza de toros de Acho tại Lima, trường đấu bò lâu đời nhất châu Mỹ. Vào thời điểm này, các nô lệ buôn bán một thức uống được đặt tên Punche. Revoredo lập luận rằng món uống này là tiền thân của pisco punch ở California, một món uống do Duncan Nicol phát minh tại quán Bank Exchange Saloon ở San Francisco, California.[23] Nhà nghiên cứu Nico Vera đã tìm ra công thức pha chế món punch bằng cách dùng rượu pisco, bao gồm cả lòng trắng trứng, trong sách nấu ăn Manual de Cocina a la Criolla năm 1903. Vì vậy, chuyên gia ẩm thực Duggan McDonnell cho rằng "punche hoàn toàn có khả năng là một loại 'Cocktail', dần biến thể thành pisco sour, [...] được lưu truyền khoảng một thời gian ở Lima trước khi đưa vào sách nấu ăn."[24]

Nguồn gốc[sửa | sửa mã nguồn]

Victor Morris, người phát minh ra pisco sour

Pisco sour có nguồn gốc từ Lima, Peru.[2] Món đồ uống này do ông Victor Vaughen Morris tạo ra. Ông là một người Mỹ di cư đến Peru năm 1904 để làm việc cho một công ty đường sắt ở Cerro de Pasco.[25] Morris chuyển đến Lima năm 1915. Một năm sau đó, ông khai trương quán - Morris' Bar - trở thành nơi phổ biến với cả tầng lớp thượng lưu Peru lẫn người nước ngoài nói tiếng Anh.[25][26] Nhà sử học Chile Gonzalo Vial Correa cũng cho rằng người phát minh món pisco sour là một Gringo (biệt hiệu của người ngoại quốc gốc Mỹ) tên Morris tại quán Morris' Bar nhưng có chút khác biệt nhỏ khi ông gắn tên nhân vật là William Morris.[27] Morris thường thử nghiệm món uống mới và phát triển ra pisco sour như một biến thể của whiskey sour. [1]

Có vài điều không thống nhất rằng đâu là thời điểm chính xác lúc Morris tạo nên món cocktail nổi tiếng này. Nhà pha chế Dale DeGroff khẳng định món uống này được phát minh năm 1915[28] nhưng nguồn khác lại chỉ ra vào thập niên 1920.[29] Trang báo trực tuyến El Mercurio của Chile khẳng định cụ thể rằng giới sử học kết luận năm phát minh ra pisco sour là 1922. Trang báo viết thêm: "một đêm nọ, Morris khiến bạn bè mình ngạc nhiên với món uống mới mà ông gọi là pisco sour, dùng công thức pha trộn giữa rượu pisco Peru với cocktail sour của Mỹ" (viết bằng tiếng Tây Ban Nha: "Una noche Morris sorprendió a sus amigos con una nueva bebida a la que llamó pisco sour, una fórmula que funde lo peruano del pisco con el 'sour' estadounidense.").[30]

Mẩu quảng cáo quán Morris' Bar[d]

Công thức ban đầu dùng pha chế pisco sour là một loại cocktail đơn giản.[31] Theo nhà nghiên cứu người Peru Guillermo Toro-Lira, "thừa nhận rằng đó là hỗn hợp thô khi pha rượu pisco với nước chanh và đường, cũng như whiskey sour ngày đó."[32] Khi công thức pha cocktail tiếp tục phát triển, danh sách đặt lịch quán bar cho biết thực khách nhận xét rằng hương vị đồ uống được cải thiện liên tục.[32] Phiên bản Peru hiện đại của công thức này được Mario Bruiget phát triển, một người Peru quê ở Chincha Alta. Bruiget được Morris chỉ dạy học nghề bắt đầu từ ngày 16 tháng 7, 1924. Công thức của Bruiget cho thêm rượu đắng Angostura và lòng trắng trứng vào hỗn hợp.[25] Nhà báo Erica Duecy viết rằng kiểu đổi mới của Bruiget cho thêm "kết cấu lỏng mịn và lớp trên cùng sủi bọt" vào ly cocktail.[31]

Morris sử dụng quảng cáo để giới thiệu quán bar và phát minh của ông. Đề cập cũ nhất về pisco sour xuất hiện trên ấn bản tháng 9, 1920 của tạp chí Hogar, Peru.[33] Một quảng cáo cũ khác cũng xuất hiện trên ấn bản 22 tháng 4, 1921 của tạp chí Mundial, Peru. Trên tạp chí, không chỉ mô tả pisco sour là thứ thức uống màu trắng, mà còn cho rằng người phát minh là "Quý ông Morris".[34] Sau đó, năm 1924, Morris nhờ có người bạn Nelson Rounsevell trợ giúp nên quán bar của ông đã quảng bá được địa điểm và phát minh của mình tại Valparaíso, Chile. Quảng cáo đăng trên báo South Pacific Mail, do Rounsevell sở hữu, tại Valparaíso.[32] Đến năm 1927, Morris' Bar trở nên nổi tiếng với các món cocktail, đặc biệt là pisco sour. Brad Thomas Parsons viết rằng "danh sách đặt lịch quán Morris' Bar nhận nhiều lời khen tốt từ du khách say mê món thức uống tiêu biểu này".[25][35]

Theo thời gian, các quán bar gần đó cạnh tranh cộng thêm sức khỏe của Victor Morris ngày càng giảm sút đã khiến doanh nghiệp của ông suy tàn và sụp đổ. Trong thời gian này, do tình trạng tồi tệ của mình, Morris đã giao phần lớn công việc pha chế cho nhân viên. Cộng thêm vấn đề đối thủ cạnh tranh gần đó, ví dụ Gran Hotel Bolívar và Hotel Lima Country Club, các khách sạn kiêm quán bar đã khiến khách hàng ngày càng rời xa Morris' Bar. Hơn thế, Toro-Lira phát hiện ra Morris đã buộc tội bốn nhân viên pha chế cũ về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ sau khi họ nghỉ việc rồi đến làm tại một trong số các quán bar cạnh tranh.[32] Năm 1929, Morris tuyên bố phá sản tự nguyện và đóng cửa quán bar. Vài tháng sau, ngày 11 tháng 6, Victor Vaughen Morris qua đời vì bệnh xơ gan.[25][32]

Lưu truyền[sửa | sửa mã nguồn]

Photograph of a white five-story building
Gran Hotel Bolívar là một trong số vài khách sạn ở Lima vẫn phục vụ cocktail pisco sour kể từ lúc Morris' Bar đóng cửa.

Sử gia Luis Alberto Sánchez viết rằng, sau khi Morris đóng cửa quán bar, một số nhân viên pha chế của quán nghỉ việc rồi đến làm tại quán khác.[25] Bruiget bắt đầu đi làm pha chế cho khách sạn Grand Hotel Maury gần đó, nơi ông tiếp tục phục vụ công thức pha pisco sour của mình. Bruiget đã thành công với món uống này. Điều này khiến cho người Lima địa phương truyền miệng niềm tin cho rằng Hotel Maury là nơi khởi nguồn của công thức pha pisco sour.[25] Các cựu nhân viên khác của Morris' Bar khi tìm được việc làm ở nơi khác, họ cũng truyền bá công thức pha pisco sour.[34] Xuyên suốt thập niên 1930, món uống này được đưa đến California, đến các quán bar xa về phía bắc như tại San Francisco.[1] Ít nhất đến cuối thập niên 1960, món cocktail này cũng đã đến được New York.[36]

Beatriz Jiménez, một nhà báo của tờ El Mundo (Tây Ban Nha), chỉ ra rằng tại Peru, các khách sạn hạng sang ở Lima sử dụng món pisco sour như sở hữu riêng họ vào những năm 1940.[37] Dầu mỏ dồi dào đã thu hút người nước ngoài chú ý đến Peru vào thập niên 1940 - 1950. Trong số du khách đến Lima, có những diễn viên nổi tiếng Hollywood đã bị món pisco sour mê hoặc.[30][38] Jiménez nhớ lại câu chuyện truyền miệng rằng Ava Gardner lúc say khướt đã phải nhờ vả John Wayne dìu về sau khi uống quá nhiều pisco sour. Ernest HemingwayOrson Welles được cho là rất yêu thích thứ mà họ mô tả như "thức uống của người Peru".[37]

Năm 1984, nhà báo người Bolivia, Ted Córdova Claure viết rằng Gran Hotel Bolívar đứng vững như tượng đài cho sự suy đồi của chính thể đầu sỏ Peru (viết tiếng Tây Ban Nha: "Este hotel es unumento a la decadencia de la oligarquía peruana."). Ông lưu ý rằng địa điểm này tựa như quê hương cổ truyền của pisco sour và đề cử nó trở thành một trong những khách sạn hàng đầu tại Lima.[39] Đến ngày nay, Gran Hotel Bolívar tiếp tục chào mời món pisco sour tại quầy bar trực thuộc.[40] Trong khi đó, Country Club Lima Hotel bán món uống này tại quán "English Bar".[41]

Tranh chấp quốc tịch[sửa | sửa mã nguồn]

Victor Vaughen Morris được hầu hết các nhà sử học xem là người phát minh ra món cocktail này.[31] Mặc dù vậy, vẫn tồn tại tranh chấp giữa Chile và Peru về nguồn gốc của pisco sour.[42] Tại Chile, một câu chuyện địa phương kể lại vào thập niên 1980 rằng Elliot Stubb đã phát minh ra pisco sour. Stubb là một quản lý bếp người Anh trên con thuyền buồm Sunshine. Nhà sử học và văn học dân gian Chile, Oreste Plath đã góp phần truyền bá huyền thoại bằng cách viết rằng: dựa theo tờ báo El Comercio de Iquique của Peru, năm 1872, sau khi được quyền rời tàu lên đất liền, Stubb đã mở quán bar tại cảng Iquique thuộc Peru và phát minh ra pisco sour trong lúc thử nghiệm đồ uống.[32][43][e]

Tuy thế, nhà nghiên cứu Toro-Lira lập luận rằng câu chuyện trên bị bác bỏ sau khi người ta phát hiện ra El Comercio de Iquique thực sự chỉ đề cập đến phát minh ra món whiskey sour.[32] Tuyên bố này được Đại học Cuyo, Argentina dẫn chứng thêm: năm 1962, câu chuyện về Elliot Stubb được công bố và phát minh được chứng thực thuộc về whiskey sour tại Iquique. Một trích đoạn trong câu chuyện đăng trên báo kể về Elliot Stubb rằng, "Từ bây giờ ... đây sẽ là thức uống chiến đấu của tôi, thức uống yêu thích của tôi và nó sẽ được đặt tên là whiskey sour" (tiếng Tây Ban Nha: "En adelante dijo Elliot — éste será mi trago de batalla, — mi trago favorito —, y se llamará Whisky Sour.").[44]

Cách pha chế và biến thể[sửa | sửa mã nguồn]

Painting of a man on horseback leading two pack animals
Vận chuyển pisco bằng thùng đất nung từ Ica, Peru. Tranh vẽ màu nước của họa sĩ người Afro-Peru Pancho Fierro.

Pisco sour có ba cách pha chế khác nhau. Cocktail pisco sour kiểu Peru được pha bằng cách hòa rượu pisco Peru vào nước chanh vỏ xanh, siro đường, lòng trắng trứng, rượu đắng Angostura (để trang trí) và đá viên.[1] Cocktail pisco sour kiểu Chile được pha bằng cách hòa rượu pisco Chile vào nước chanh Pica, đường bột và đá viên.[45] Daniel Joelson, một nhà văn và phê bình ẩm thực, cho rằng khác biệt chính giữa hai phiên bản pisco sour "là người Peru thường pha cùng lòng trắng trứng, trong khi người Chile thì không."[46] Phiên bản từ Hiệp hội Bartender Quốc tế, liệt kê pisco sour nằm trong số "Thức uống Tân Kỷ nguyên", tương tự như phiên bản Peru, nhưng có khác biệt là sử dụng nước chanh vỏ vàng, thay vì nước chanh vỏ xanh và không phân biệt giữa hai loại pisco khác nhau.[47]

Các kiểu biến thể đáng chú ý vẫn hiện diện, dùng để pha chế cocktail. Theo chuyên gia thực phẩm - rượu vang, Mark Spivak, khác biệt nằm ở cách sản xuất hai loại đồ uống. Trong khi "rượu pisco Chile được sản xuất hàng loạt" thì phiên bản Peru "được sản xuất theo lô nhỏ."[48] Nhà sử học về cocktail, Andrew Bohrer, tập trung so sánh về hương vị, tuyên bố rằng "ở Peru, rượu pisco vẫn được ủ bằng nồi, chưng cất đến nồng độ chuẩn và không để lâu; nó tương tự như rượu grappa. Ở Chile, rượu pisco vẫn được ủ trong ống và để lâu trong gỗ; nó tương tự như rượu cognac nồng độ rất yếu."[49] Nhà nghiên cứu rượu nho người Chile, Patricio Tapia cho biết thêm: trong khi ngành sản xuất rượu pisco tại Chile thường hòa trộn các loại nho vào nhau; thì ngành sản xuất rượu tại Peru có nhiều loại pisco riêng biệt dựa theo chất lượng hương nho như nho Muscat vàngnho Ý. Tapia kết luận đây là lý do tại sao trên chai pisco Peru hiển thị năm hái nho ủ rượu còn phiên bản Chile thì không.[50]

Các biến thể của pisco sour hiện diện ở Peru, Bolivia và Chile. Có nhiều kiểu pha chế cocktail ở Peru sử dụng trái cây như chanh leo, tầm bóp và táo, hoặc nguyên liệu truyền thống như lá coca.[51] Ở Chile, các biến thể gồm có Ají sour (với ớt xanh cay), Mango sour (với nước ép xoài) và Sour de Campo (với gừng và mật ong). Ở Bolivia, kiểu biến thể Yunqueño (tại vùng Yungas) thay thế nước chanh bằng nước cam vắt.[52]

Các món cocktail tương tự như pisco sour gồm có Piscola của Chile và Algarrobina của Peru. Piscola được pha bằng cách hòa trộn rượu pisco với cola.[45] Algarrobina được pha chế bằng rượu pisco, sữa đặc và nhựa cây algarroba của Peru.[53] Tại Hoa Kỳ, một món cocktail tương tự khác là pisco punch ở California, theo nguyên thủy được pha bằng rượu pisco Peru, dứa và chanh.[54]

Phổ biến đại chúng[sửa | sửa mã nguồn]

Photograph
Tổng thống Argentina Cristina Fernández và tổng thống Peru Alan García nâng ly chúc mừng với món pisco sour của Peru tại Cung điện Chính phủ Peru năm 2010.

Duggan McDonnell mô tả pisco sour là "loại cocktail thanh lịch nhất Mỹ Latinh, sủi bọt, cân bằng, tươi sáng nhưng đậm đà". Ông nói thêm rằng "Các chủ quán bar trên khắp Bắc California sẽ chứng thực rằng họ đã lắc nhiều ly pisco sour. Đó là món cocktail lòng trắng trứng chọn lọc và là món được yêu thích tuyệt đối nhất."[55] Nhà báo người Úc, Kate Schneider viết rằng pisco sour "trở nên nổi tiếng đến mức có lễ kỷ niệm Ngày pisco sour Quốc tế vào thứ Bảy đầu tiên của tháng Hai hàng năm, cũng như có cả trang Facebook với hơn 600.000 lượt thích."[56] Theo doanh nhân người Chile, Rolando Hinrichs Oyarce, chủ một nhà hàng-quán bar ở Tây Ban Nha, cho rằng "pisco sour có tính quốc tế cao, giống món ăn ceviche, do đó chúng không quá xa lạ" (tiếng Tây Ban Nha: "El pisco sour es bastante internacional, al igual que el cebiche, por lo tanto no son tan desconocidos").[57] Năm 2003, Peru lập nên "Día Nacional del pisco sour" (Ngày pisco sour Quốc gia), ngày lễ chính thức toàn quốc được tổ chức vào thứ Bảy đầu tiên của tháng Hai.[58][f]

Trong Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC 2008, Peru đã quảng bá món pisco sour với sự đón nhận rộng rãi. Cocktail được xem là thức uống ưa thích của các bên tham dự, chủ yếu là các lãnh đạo, doanh nhân và đại biểu.[61] Đầu bếp sự kiện người Mỹ, Anthony Bourdain cũng thu hút sự chú ý đến món cocktail. Trong một tập của chương trình No Reservations trên kênh Travel Channel, ông đã uống một ly pisco sour ở Valparaíso, Chile và nhận định "thật tuyệt vời, nhưng... lần sau, tôi sẽ uống bia." Phát thanh viên trên đài Radio Programas del Perú đưa tin Jorge López Sotomayor, người Chile, là nhà sản xuất tập phim kiêm đồng hành chuyến đi của Bourdain ở Chile, cho biết "Bourdain cảm nhận pisco sour mà ông uống ở Valparaíso khá tẻ nhạt và vô bổ" (tiếng Tây Ban Nha: "A mí me dijo que el pisco sour lo encontró aburrido y que no valía la pena."). Lopez cho biết thêm Bourdain gần đây đã đến Peru, nơi ông ta uống vài ly pisco sour và cho rằng có vị ngon hơn phiên bản Chile.[62]

Tại Mexico, ca - nhạc sĩ Aleks Syntek hài hước đăng trên Twitter rằng pisco sour thuộc về Chile. Sau khi nhận phải nhiều phản hồi chỉ trích về tuyên bố này, ông đã xin lỗi và bảo rằng mình chỉ nói đùa.[63] MC truyền hình kiêm diễn viên hài người Mexico, Adal Ramones cũng phát ngôn đùa giỡn về món pisco sour, liên quan đến vụ bê bối gián điệp Chile-Peru 2009, ngày 17 tháng 11 năm 2009. Ramones, một người thích uống pisco Peru, khi được hỏi về vụ gián điệp rằng "người Chile đang do thám gì ở Peru?", ông gợi ý "đó có thể là cách thức pha chế một ly pisco sour" (tiếng Tây Ban Nha: "¿Qué quieren espiar los chilenos? ¿Cómo hacer pisco sour?").[64]

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Ghi chú[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Mặc dù pisco sour chủ yếu là đặc trưng tiêu biểu dọc theo vùng ven biển Thái Bình Dương của Peru và Chile, Casey gọi đây là "món đồ uống Nam Mỹ cổ điển" và Bovis bảo rằng đây là "cocktail Nam Mỹ tiêu chuẩn."[3][4]
  2. ^ Peru cho rằng tên "pisco" là biểu thị địa lý độc quyền của loại rượu aguardiente sản xuất tại các vùng được chỉ định trên lãnh thổ của mình.[10] Chile cũng có khu vực sản xuất pisco được chỉ định trên lãnh thổ của mình, nhưng tuyên bố độc quyền về loại rượu này dưới tên "Pisco Chile".[10]
  3. ^ Chile thời thuộc địa, từ ngữ pisco chủ yếu được tầng lớp xã hội thấp sử dụng và hiếm khi xuất hiện trong văn nói của tầng lớp thượng lưu của thời kỳ này.[19]
  4. ^ Hình ảnh có nội dung: "Bạn đã đặt lịch tại Morris' Bar LIMA chưa? Bạn sẽ tìm ra tên và địa chỉ khá nhiều bạn bè của mình trong danh sách đặt lịch này. Tất cả người nói tiếng Anh sống tại đây hoặc người đến Lima được sắp xếp miễn phí. MORRIS 'BAR tại CALLE BOZA, 836, LIMA, Peru, được chú ý qua nhiều năm nhờ món "pisco sour" và nổi tiếng nhờ "Rượu Chính thống." Danh sách đặt lịch Bar trở thành một nguồn dữ liệu "Ai của ai" thực sự trong mắt du khách Bờ Tây và nhiều bạn bè được tìm ra thông qua thông tin trên các trang đặt lịch."
  5. ^ Iquique về sau bị Chile chiếm đóng trong Chiến tranh Thái Bình Dương và bị sáp nhập vào Chile năm 1883.
  6. ^ Ngày lễ "Día Nacional del pisco sour" ban đầu được lập nên để kỷ niệm vào ngày 8 tháng 2.[58] Tuy nhiên, sau khi ngành công nghiệp Pisco của Chile được tổ chức phi chính phủ tài trợ đã lập nên "Día de la Piscola" (Ngày Piscola) cũng vào ngày 8 tháng 2,[59][60] Peru phản ứng bằng cách thay đổi ngày lễ pisco sour thành ngày tháng hiện tại.[58]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c d Kosmas & Zaric 2010, tr. 115.
  2. ^ a b Xem:
  3. ^ Casey 2009, tr. 89.
  4. ^ Bovis 2012, pisco sour.
  5. ^ “Pisco Sour”. Virginia Alcoholic Beverage Control Authority. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2020.
  6. ^ Lúi Chang (ngày 19 tháng 6 năm 2015). “Pisco: The Spirit of Peru”. Smithsonian Institution. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2020.
  7. ^ McCammon, Ross; Wondrich, David biên tập (ngày 7 tháng 6 năm 2016). “David Granger”. Drink Like a Man: The Only Cocktail Guide Anyone Really Needs (Ebook) (bằng tiếng Anh). Chronicle Books LLC. tr. 99. ISBN 9781452143552.
  8. ^ Fodor's (ngày 23 tháng 4 năm 2013). Salwa Jabado (biên tập). Fodor's Peru: With Machu Picchu and the Inca Trail (bằng tiếng Anh). Travel Distribution. ISBN 9780891419464.
  9. ^ “Clemmy Manzo, Mani Ramaswamy”. The Rough Guide to South America On A Budget (Ebook) (bằng tiếng Anh). Rough Guides Limited. ngày 2 tháng 8 năm 2012. tr. 409. ISBN 9781405392112.
  10. ^ a b Acosta González, Martín (ngày 22 tháng 5 năm 2012). “Qué países reconocen el pisco como peruano y cuáles como chileno”. El Comercio (bằng tiếng Tây Ban Nha). Empresa Editora El Comercio. Truy cập ngày 5 tháng 10 năm 2015.
  11. ^ Regan 2003, tr. 159.
  12. ^ Blouet & Blouet 2009, tr. 318.
  13. ^ Real Academia Española. “Pisco”. Diccionario de la Lengua Española (bằng tiếng Tây Ban Nha) . Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2015.
  14. ^ “Pisco”. Concise Oxford Dictionary. WordReference.com. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2015.
  15. ^ Franco 1991, tr. 20.
  16. ^ a b Harrel, Courtney (2009). “Pisco Por La Razón o La Fuerza” (bằng tiếng Tây Ban Nha). School for International Training. tr. 14–15.
  17. ^ a b Lacoste, Pablo (2004). “La vid y el vino en América del Sur: El desplazamiento de los polos vitivinícolas (siglos XVI al XX)” [The vine and wine in South America: The shifting of the winemaking poles (XVI to XX)]. Universum (bằng tiếng Tây Ban Nha). 19 (2): 62–93. doi:10.4067/S0718-23762004000200005.
  18. ^ a b Pozo 2004, tr. 24–34.
  19. ^ a b c Cortés Olivares, Hernán F (2005). “El origen, producción y comercio del pisco chileno, 1546–1931” [The origin, production and trade of Chilean pisco, 1546–1931]. Universum (bằng tiếng Tây Ban Nha). 20 (2): 42–81. doi:10.4067/S0718-23762005000200005.
  20. ^ Huertas Vallejos, Lorenzo (2004). “Historia de la producción de vinos y piscos en el Perú” [History of the production of wine and pisco in Peru]. Universum (bằng tiếng Tây Ban Nha). 19 (2): 44–61. doi:10.4067/S0718-23762004000200004.
  21. ^ Real Academia Española. “Aguardiente”. Diccionario de la Lengua Española (bằng tiếng Tây Ban Nha) . Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2015.
  22. ^ Foley 2011, tr. "Pisco Porton Brandy Recipes".
  23. ^ Pilar Lazo Rivera, Carmen del (2009). “pisco sour del Perú” (PDF) (bằng tiếng Tây Ban Nha). Pediatraperu.org. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2015.
  24. ^ McDonnell 2015, tr. 172.
  25. ^ a b c d e f g Perich, Tatiana (ngày 5 tháng 2 năm 2015). “Les Presentamos a Mario Bruiget, el Peruano Coinventor del pisco sour”. El Comercio (bằng tiếng Tây Ban Nha). Empresa Editora El Comercio. Truy cập ngày 2 tháng 7 năm 2015.
  26. ^ Megy Karydes (ngày 11 tháng 12 năm 2009). “Celebrate The Peruvian Cocktail On World pisco sour Day, Feb 7”. Forbes. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2015.
  27. ^ Vial Correa 1981, tr. 352.
  28. ^ DeGroff 2008, pisco sour.
  29. ^ Xem:
  30. ^ a b “Peruanos Celebran el "Día del pisco sour" con Degustaciones y Fiestas” (bằng tiếng Tây Ban Nha). Emol.com. Agence France-Presse. ngày 5 tháng 2 năm 2011. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2015.
  31. ^ a b c Duecy 2013, pisco sour.
  32. ^ a b c d e f g Guillermo L. Toro-Lira (ngày 11 tháng 12 năm 2009). “Clarifying the Legends from the History of the pisco sour”. Piscopunch.com. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 2 tháng 7 năm 2015. A re-print and modern version of the article here.
  33. ^ Jiménez Morato 2012, Julio Ramon Ribeyro: pisco sour.
  34. ^ a b Coloma Porcari, César (2005). “La Verdadera Historia del pisco sour”. Revista Cultural de Lima (bằng tiếng Tây Ban Nha). tr. 72–73. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2015.
  35. ^ Parsons 2011, tr. 143.
  36. ^ Regan 2003, tr. 317.
  37. ^ a b Jiménez, Beatriz (ngày 6 tháng 2 năm 2011). “La Fiesta del pisco sour”. El Mundo (bằng tiếng Tây Ban Nha). Tây Ban Nha. Truy cập ngày 2 tháng 7 năm 2015.
  38. ^ Slater, Julia (ngày 9 tháng 2 năm 2010). “Peru Toasts Pisco Boom on Annual Cocktail Day”. The Daily Telegraph. Truy cập ngày 2 tháng 7 năm 2015.
  39. ^ Córdova Claure, Ted (1984). “La Calcutización de las Ciudades Latinoamericanas”. Nueva Sociedad (bằng tiếng Tây Ban Nha) (72): 49–56. Truy cập ngày 14 tháng 3 năm 2012.
  40. ^ “El Bolivarcito”. granhotelbolivar.pe. Tập đoàn Khách sạn Gran Hotel Bolívar. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 2 tháng 7 năm 2015.
  41. ^ “English Bar”. HotelCountry.com. 2013. Truy cập ngày 2 tháng 7 năm 2015.
  42. ^ Sandham 2012, tr. 251.
  43. ^ Plath 1981, tr. 106.
  44. ^ Facultad de Filosofía y Letras 1962, tr. 385.
  45. ^ a b Castillo-Feliú 2000, tr. 79.
  46. ^ Joelson, Daniel (Winter 2004). “The Pisco Wars”. Gastronomica: The Journal of Food and Culture. 4 (1): 6–8. doi:10.1525/gfc.2004.4.1.1.
  47. ^ “New Era Drinks”. IBA-World.com. International Bartenders Association. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 28 tháng 10 năm 2015.
  48. ^ Spivak, Mark. “Pour – Pisco Fever”. PalmBeachIllustrated.com. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2015.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  49. ^ Bohrer 2012, Friendship Test.
  50. ^ “Entrevista: Patricio Tapia – Periodista Chileno Especializado en Vinos” (bằng tiếng Tây Ban Nha). PiscoSour.com. 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2015.
  51. ^ “Recetas”. piscosour.com (bằng tiếng Tây Ban Nha). PiscoSour.com. 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2012.
  52. ^ Baez Kijac 2003, tr. 35.
  53. ^ Albala 2011, tr. 266.
  54. ^ Xem:
  55. ^ McDonnell 2015, tr. 170.
  56. ^ Schneider, Kate (ngày 27 tháng 3 năm 2012). “Kate Schneider Appreciates the Bitter Side of Life with South American Drink pisco sour”. News.com.au. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 6 năm 2015. Truy cập ngày 2 tháng 7 năm 2015.
  57. ^ Alías, Marina (ngày 9 tháng 4 năm 2006). “Sours chilenos irrumpen en barrio mítico de Madrid”. El Mercurio, Revista del Domingo (bằng tiếng Tây Ban Nha). Santiago.
  58. ^ a b c “Chile Celebra Hoy el Día de la Piscola”. El Comercio (bằng tiếng Tây Ban Nha). Empresa Editora El Comercio. ngày 8 tháng 2 năm 2011. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2015.
  59. ^ Ruiz, Carlos (ngày 8 tháng 2 năm 2011). “Hoy es el Día de la Piscola: Chilenos Celebran Uno de dus Tragos Típicos” (bằng tiếng Tây Ban Nha). ElObservatodo.cl. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2015.
  60. ^ Daniel Giacaman Z. (ngày 8 tháng 2 năm 2011). “ESTE MIÉRCOLES SE CELEBRA EL DÍA NACIONAL DE LA PISCOLA” (bằng tiếng Tây Ban Nha). LaNacion.cl. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2015.
  61. ^ “APEC visitors enjoyed Peruvian pisco sour”. Andina.com. ngày 24 tháng 11 năm 2008. Truy cập ngày 2 tháng 7 năm 2015.
  62. ^ “Chef Anthony Bourdain: pisco sour Chileno es Aburrido y No Vale la Pena”. Radio Programas del Perú (bằng tiếng Tây Ban Nha). Grupo RPP. ngày 18 tháng 7 năm 2009. Truy cập ngày 2 tháng 7 năm 2015.
  63. ^ “Alex Syntek Dice Que el pisco sour y La Tigresa del Oriente Son Chilenos”. Radio Programas del Perú (bằng tiếng Tây Ban Nha). Grupo RPP. ngày 19 tháng 11 năm 2010. Truy cập ngày 2 tháng 7 năm 2015.
  64. ^ “Adal Ramones: "¿Qué Quieren Espiar los Chilenos? ¿Cómo Hacer pisco sour?". El Comercio (bằng tiếng Tây Ban Nha). Empresa Editora El Comercio. ngày 17 tháng 11 năm 2009. Truy cập ngày 2 tháng 7 năm 2015.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]

Wiki - Keonhacai copa chuyên cung cấp kiến thức thể thao, keonhacai tỷ lệ kèo, bóng đá, khoa học, kiến thức hằng ngày được chúng tôi cập nhật mỗi ngày mà bạn có thể tìm kiếm tại đây có nguồn bài viết: https://vi.wikipedia.org/wiki/Pisco_sour