Wiki - KEONHACAI COPA

Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn

Hồng y
 
Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
Hồng y thứ 5 Việt Nam (2003–nay)
Tổng giám mục Trưởng Giáo tỉnh Sài Gòn
(1998–2014)
Tổng giám mục Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh (1998–2014)
Giáo hộiCông giáo Rôma
Chức vụ chính yếu
Trưởng giáo tỉnh Sài Gòn
Tổng giám mục Tổng giáo phận Tp.HCM
Giáo tỉnhGiáo tỉnh Sài Gòn
TòaThành phố Hồ Chí Minh
Bổ nhiệmNgày 1 tháng 3 năm 1998
Tựu nhiệmNgày 2 tháng 4 năm 1998
Hết nhiệmNgày 22 tháng 3 năm 2014
16 năm, 21 ngày
Tiền nhiệmPhaolô Nguyễn Văn Bình
Kế nhiệmPhaolô Bùi Văn Đọc
Giám mục phó Giáo phận Mỹ Tho
Giáo tỉnhGiáo tỉnh Sài Gòn
Giáo phậnGiáo phận Mỹ Tho
Bổ nhiệmNgày 22 tháng 3 năm 1993
Tựu nhiệmNgày 12 tháng 8 năm 1993
Hết nhiệmNgày 1 tháng 3 năm 1998
Tiền nhiệmAnrê Nguyễn Văn Nam
Kế nhiệmKhuyết vị
Các chức khácHồng y đẳng linh mục Nhà thờ San Giustino (từ 2003)
Truyền chức
Thụ phongNgày 25 tháng 5 năm 1965
bởi Giám mục Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang
Tấn phongNgày 11 tháng 8 năm 1993
bởi Giám mục Emmanuel Lê Phong Thuận (chủ phong) và các giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang SáchGiuse Nguyễn Quang Tuyến (phụ phong)
Thăng hồng yNgày 21 tháng 10 năm 2003
bởi Giáo hoàng Gioan Phaolô II
Thông tin cá nhân
Sinh5 tháng 3, 1934 (90 tuổi)
Hòa Thành, Cà Mau, Nam Kỳ, Liên bang Đông Dương
Cha mẹÔng Phạm Phú Hào
Bà Quới
Khẩu hiệu"Như Thầy yêu thương"
Cách xưng hô với
Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
Danh hiệuĐức Hồng Y
Trang trọngĐức Hồng Y
Thân mậtCha
Khẩu hiệu"Sicut Dilexi"
TòaTổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh

Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn (sinh ngày 5 tháng 3 năm 1934) là một hồng y người Việt Nam của Giáo hội Công giáo Rôma và hiện đảm nhận vai trò Hồng y đẳng Linh Mục nhà thờ San Giustino. Ông từng đảm trách vai trò Tổng giám mục Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam[1] và thành viên Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí tích và Bộ Truyền giáo Tòa Thánh.[2] Ngoài tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt, ông có thể sử dụng tiếng Anh và tiếng Pháp.[3][4]

Phạm Minh Mẫn sinh tại Hòa Thành, Cà Mau, thuộc Hạt Đại diện Tông Tòa Cần Thơ. Từ năm 10 tuổi, cậu bé Mẫn đi theo con đường tu học và việc theo học nhiều chủng viện cho đến năm 1965 thì được thụ phong linh mục. Sau khi được thụ phong, linh mục Mẫn đảm nhiệm vai trò giáo sư cũng như Giám đốc Tiểu chủng viện Cái Răng, Cần Thơ. Năm 1968, ông đi du học Hoa Kỳ và tốt nghiệp văn bằng Phó Tiến sĩ về giáo dục năm 1971. Trở về Việt Nam, linh mục Mẫn tiếp tục làm giáo sư Tiểu chủng viện Cái Răng. Từ năm 1974, ông là Giám đốc Tiểu chủng viện Á Thánh Quý và đến năm 1976 thì ông phụ trách việc đào tạo linh mục của giáo phận Cần Thơ. Năm 1988, ông được bổ nhiệm làm giám đốc Đại chủng viện Thánh Quý sau khi chủng viện này được hoạt động trở lại và nâng cấp từ Tiểu chủng viện thành Đại chủng viện.

Tháng 2 năm 1993, Giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm Phạm Minh Mẫn làm Giám mục phó với quyền kế vị Giáo phận Mỹ Tho. Lễ tấn phong giám mục được cử hành vào tháng 8 cùng năm tại Cần Thơ. Tháng 3 năm 1998, Giáo hoàng bổ nhiệm Giám mục Mẫn làm Tổng giám mục Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 10 năm 2003, Giáo hoàng Gioan Phaolô II cử hành nghi thức trao mũ Hồng y và tước hiệu Hồng y Linh mục Nhà thờ San Giustino cho Tổng giám mục Phạm Minh Mẫn. Tháng 11 cùng năm, ông được bổ nhiệm làm thành viên Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích và Thánh Bộ Truyền giáo Tòa Thánh. Bằng phẩm giá hồng y, ông đi dự hai Mật nghị Hồng y vào năm 2005 và 2013. Ngày 22 tháng 3 năm 2014, Giáo hoàng Phanxicô chấp thuận đơn từ nhiệm chức tổng giám mục tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh của Hồng y Phạm Minh Mẫn vì lý do tuổi tác, Tổng giám mục phó Phaolô Bùi Văn Đọc kế nhiệm chức vụ này.

Thân thế[sửa | sửa mã nguồn]

Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn sinh ngày 5 tháng 3 năm 1934 tại giáo họ Cái Rắn[gc 1]Hòa Thành, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, thuộc Hạt Đại diện Tông Tòa Cần Thơ[6][gc 2] trong một gia đình sống trong tinh thần Kitô giáo và sẵn sàng chia sẻ niềm tin của mình với những người khác.[7] Ông cố của Hồng y Mẫn di cư từ Quảng Đông, Trung Quốc, và bản thân hồng y không quen biết bất kỳ người thân nào tại vùng này.[8] Ông nội Phạm Minh Mẫn là một ông Biện[gc 3] tại họ đạo Chủ Chí, do linh mục Trương Bửu Diệp thiết lập.[gc 4] Thân phụ Phạm Minh Mẫn là ông Phạm Phú Hào[5] (quen gọi là Sáu Hào), có một con kênh do ông đào[gc 5] thường được gọi theo tên ông là Kênh Ba Ngàn (Kênh Sáu Hào),[13] thông ra dòng sông Ông Đốc là quê nội của Phạm Minh Mẫn.[12] Ông Hào chính là người quản lý đất Nhà Chung (nhà xứ của họ đạo) Cái Rắn.[5] Thân mẫu Phạm Minh Mẫn là bà Quới.[13] Phạm Minh Mẫn khẳng định các việc làm của ông nội và thân phụ hỗ trợ cho họ đạo như dựng nhà thờ, và hỗ trợ dân cư trong vùng truyền giáo như tạo công việc việc làm, [cơ hội] giáo dục đã có sức ảnh hưởng lớn đến cá nhân ông.[11]

Năm 1939, linh mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp (bác họ[gc 6], được cậu Mẫn gọi là Bác Hai)[14] khi ấy là linh mục chính xứ Tắc Sậy, đến nhà thăm nhà cha mẹ cậu bé Phạm Minh Mẫn thuộc họ đạo Cái Rắn (Cà Mau). Trong cuộc gặp gỡ này, linh mục Diệp gợi ý khi cậu bé Mẫn được lên 6 tuổi thì nên cho vào nội trú Dòng Lasan và 10 tuổi thì đưa vào Tiểu chủng viện.[15] Linh mục Diệp cũng đề nghị thân mẫu cậu Mẫn cho cậu học kinh tiếng Latinh và trở thành giúp lễ cho mình.[13][gc 7] Cũng từ sau buổi gặp gỡ giữa linh mục Diệp và gia đình Phạm Minh Mẫn, cậu bé Mẫn được chọn làm giúp lễ và nhiều lần giúp đỡ linh mục Diệp cử hành thánh lễ. Cha mẹ cậu cũng quyết định nghe theo và thực hiện theo lời khuyên của linh mục Diệp.[15][16][gc 8] Do hoàn cảnh chiến sụ, sau đó gia đình Phạm Minh Mẫn đã di cư đến sinh sống tại Bạc Liêu.[13]

Quá trình tu học[sửa | sửa mã nguồn]

Cậu Mẫn chỉ sinh sống tại họ đạo Cái Rắn cho đến năm sáu tuổi.[5] Sau đó, cậu đã đến học nội trú tại trường Taberd.[18] Trong cuộc gặp khoảng năm 1944, linh mục Trương Bửu Diệp đề nghị thân mẫu cậu Mẫn cho theo học Tiểu chủng viện Cù Lao Giêng. Nghe theo lời đề nghị này, cậu bé Mẫn được gia đình cho theo học tại Tiểu chủng viện Cù Lao Giêng.[6] Cậu Mẫn đã cùng các linh mục đến Tắc Sậy để thăm linh mục Diệp vào hè năm 1945,[13] cũng như cách riêng, cùng với gia đình thăm linh mục Diệp vào tháng 2 năm 1946.[11] Chỉ một năm sau khi bước vào con đường tu học, việc học bị gián đoạn do hoàn cảnh chiến sự,[16] cụ thể là Tiểu chủng viện Cù Lao Giêng bị thiêu rụi.[11] Từ lúc này, gia đình cậu Mẫn sinh sống lang bạt và chịu cảnh thất nghiệp trong vài năm.[11] Chủng sinh Mẫn trở về sinh sống cùng gia đình, nhận phụ việc rao các loại bánh Nam Bộ: bánh ít, bánh tét, bánh còng, bánh cam. Cậu phụ giúp gia đình trong vòng một năm.[16] Sau khi nhận được tin tức từ các linh mục thừa sai, mời gọi trở về Nam Vang tu học,[16] năm 1946, cậu bé Phạm Minh Mẫn tiếp tục theo học tại Tiểu chủng viện Phnôm Pênh tại Campuchia.[6] Do là một chủng viện mới thành lập, cơ sở vật chất thiếu thốn, cậu Mẫn nhiều lần phải ngủ trên nóc nhà trước khi được cấp giường.[18] Trong thời gian này, cậu Mẫn không thường xuyên (chỉ có một vài lần)[11] về thăm gia đình, do khoảng cách địa lý và do sự nguy hiểm của chiến sự.[16]

Sau tám năm học tại Campuchia, năm 1954,[gc 9] chủng sinh Phạm Minh Mẫn trở về Việt Nam và theo học triết học, thần học tại Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn. [6] Năm 1954, cậu cũng đã bị bệnh trong vòng một năm khiến việc tu học bị gián đoạn.[11] Sau khi hoàn thành hai năm học triết học, năm 1956,[gc 10] vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu kinh phí cho các em học trung học, Phạm Minh Mẫn quyết định tạm dừng việc học, về quê dạy học để kiếm tiền phụ chi trả chi phí học hành cho các em mình.[6][15] Do có khả năng Pháp ngữ, Phạm Minh Mẫn nhận dạy kèm học sinh môn học này, và đông đảo học sinh đã theo học. Sau khi kinh tế gia đình đã ổn định hơn, Phạm Minh Mẫn tiếp tục con đường tu học vào năm 1961.[16] Cá nhân ông xác nhận trong thời gian bốn năm kể trêbn, ông cũng tham gia giảng dạy tại một trường trung học.[11] Song song với việc dạy kèm, chủng sinh Phạm Minh Mẫn kiêm thêm nhiệm vụ thầy giảng tại họ đạo Bạc Liêu. Sau đó trở về Sài Gòn, cậu tiếp tục theo học triết học, thần học tại Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.[6]

Thời kì linh mục[sửa | sửa mã nguồn]

Sau quá trình tu học dài hạn, ngày 25 tháng 5 năm 1965, Phó tế Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn được thụ phong linh mục tại Cần Thơ,[6] bởi Giám mục Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang.[19] Sau khi được truyền chức linh mục, Phạm Minh Mẫn được bổ nhiệm đảm trách vai trò giáo sư Tiểu chủng viện Cái Răng, Cần Thơ. Năm 1968, giám mục Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang cử linh mục Mẫn đi du học tại Đại học Loyola Marymount, Los Angeles, Hoa Kỳ. Ba năm sau, Phạm Minh Mẫn tốt nghiệp với văn bằng phó tiến sĩ về giáo dục và sau đó trở về nước tiếp tục làm giáo sư Tiểu chủng viện Cái Răng, Cần Thơ.[20][4] Trong thời gian tu học tại Hoa Kỳ, linh mục Mẫn đã nhận ra mình ghê tởm chiến tranh. Ông đã được nhìn thấy một cuộc chiến mà ông đánh giá là "vô nhân đạo" đang tàn phá quê hương của mình.[21]

Từ năm 1974, ông đảm trách vai trò Giám đốc Tiểu chủng viện Á Thánh Quý, Cái Răng, Cần Thơ và đến năm 1976 thì ông phụ trách việc đào tạo linh mục của giáo phận Cần Thơ.[6][20] Linh mục Mẫn đã đào tạo chủng sinh, ứng viên linh mục của Cần Thơ từ năm 1976 đến năm 1981, và sau đó, từ năm 1981 cho đến năm 1988, ông gửi các chủng sinh về mục vụ tại các giáo xứ.[21] Sau biến cố năm 1975, Giám đốc Tiểu chủng viện Phạm Minh Mẫn cùng các linh mục giáo sư đã đào tạo phi chính thức các ứng viên linh mục cho giáo phận, với kết quả có 30 tân linh mục cho giáo phận Cần Thơ trong giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1985.[22]

Năm 1988, Nhà nước Việt Nam cho mở lại tám chủng viện trên khắp Việt Nam.[21] Linh mục Phạm Minh Mẫn được bổ nhiệm làm giám đốc tiên khởi của Đại chủng viện Thánh Quý – Cần Thơ,[gc 11] một đại chủng viện liên giáo phận nhằm đào tạo linh mục cho Giáo phận Cần Thơ, Giáo phận Vĩnh LongGiáo phận Long Xuyên.[6][gc 12] Trong thời gian này, linh mục Mẫn giảng dạy cho các chủng sinh sống tinh thần đối thoại trong yêu thương, như Thiên Chúa yêu thương chúng ta.[15][gc 13] Linh mục Mẫn đã bị chỉ trích vì trích dẫn các khái niệm của Chủ nghĩa Cộng sản để hỗ trợ cho lập luận của mình, do sự cởi mở của cá nhân ông đối với chủ nghĩa này.[gc 14] Bác bỏ những chỉ trích, ông[gc 15] cho rằng chính Giáo hoàng đã dạy [giáo sĩ] thực thi nhiệm vụ qua phương pháp đối thoại, gặp gỡ để tìm ra điểm chung.[21] Sau khi Tông huấn Pastores dabo vobis (PDV) về việc đào tạo linh mục được công bố năm 1992, linh mục Giám đốc Chủng viện Phạm Minh Mẫn cùng các linh mục dịch thuật tài liệu đưa vào tài liệu Chỉ Dẫn Cần Thiết để đào tạo linh mục trong chủng viện Thánh Quý.[22]

Giám mục[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 22 tháng 3 năm 1993, Giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm linh mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn làm Giám mục phó với quyền kế vị Giáo phận Mỹ Tho, việc bổ nhiệm này được công bố sau đó vào ngày 15 tháng 5.[25][22][gc 16] Ngày 11 tháng 8, lễ tấn phong Giám mục của ông được tổ chức tại khuôn viên Đại Chủng viện Thánh Quí Cần Thơ.[26][22] Phần nghi thức chính yếu được cử hành bởi Giám mục Chủ phong Emmanuel Lê Phong Thuận, giám mục chính tòa Giáo phận Cần Thơ, hai giám mục Phụ phong là Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách, giám mục chính tòa Giáo phận Đà Nẵng và Giám mục Phó Giáo phận Bắc Ninh Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến.[19] Ngay ngày 12 tháng 8, một ngày sau lễ tấn phong, Tân giám mục Phạm Minh Mẫn chính thức về nhận chức vụ Giám mục phó Giáo phận Mỹ Tho.[26][27] Tân giám mục chọn cho mình câu châm ngôn: Như Thầy yêu thương. Nói về châm ngôn này sau khi đã hồi hưu, Phạm Minh Mẫn cho biết ông luôn nhấn mạnh điều này với các linh mục tại các giáo phận từng cai quản. Ông quan niệm Thiên Chúa dạy chúng ta yêu thương nhau và đối thoại trong yêu thương. Ông cũng cho biết trong khoảng thời gian là Giám mục đã qua, ông luôn cố gắng sống theo châm ngôn giám mục mình đã chọn, yêu thương tất cả mọi người và yêu thương không phân biệt, không loại trừ.[28] Nhân dịp kỷ niệm 27 năm ngày được tấn phong giám mục, Hồng y Phạm Minh Mẫn giải nghĩa khẩu hiệu của mình rằng cá nhân ông phải sống hiếu thảo, lắng nghe và thực hành lời dạy của Thiên Chúa là Cha, qua đó đòi buộc ông sống yêu thương và tương thân tương ái với những người khác là anh em cùng là con chung của Thiên Chúa, chú trọng vào những hoàn cảnh nghéo đói.[29]

Trong dịp đại hội Hội đồng Giám mục Việt Nam lần thứ VI, các giám mục Việt Nam bầu chọn Giám mục Phạm Minh Mẫn giữ chức Phó Tổng thư ký Giáo tỉnh Sài Gòn nhiệm kỳ 1995–1998.[1][30] Giám mục Phạm Minh Mẫn tham dự chuyến thăm Ad Limina năm 1996[gc 17] của các giám mục Việt Nam đến Tòa Thánh. [32]

Tổng giám mục[sửa | sửa mã nguồn]

Giai đoạn 1998–1999[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 1 tháng 3 năm 1998, phòng Báo chí Tòa Thánh chính thức loan báo Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn làm Tổng giám mục của Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.[19] Việc bổ nhiệm là kết quả của các cuộc gặp cấp cao giữ quan chức chính quyền Việt Nam và các giáo sĩ cấp cao từ Tòa Thánh. Ngoài việc bổ nhiệm Tổng giám mục Mẫn, trong đợt này còn có hai bổ nhiệm khác tại Việt Nam.[33] Tòa Thánh ra văn thư bổ nhiệm ông làm Tổng giám mục chính tòa Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, trong văn thư xác nhận rằng quyền bính Tòa Thánh đã được sử dụng để hủy bỏ mọi ràng buộc đối với chức giám mục phó Mỹ Tho và trao cho Tân Tổng giám mục mọi quyền bính cũng như nhiệm vụ [của chức Tổng giám mục Tổng giáo phận Thành phố].[34][35] Bình luận về sự kiện này, linh mục Nguyễn Hữu Lễ[gc 18] đánh giá rằng việc cắt đặt một giám mục phó của một giáo phận nhỏ nhất tại miền Nam Việt Nam làm Tổng giám mục là một quyết định không bình thường. Linh mục này cũng cho rằng đã có sự đồng ý của Linh mục Tổng Đại diện Huỳnh Công Minh để Giám mục Mẫn được bổ nhiệm chức Tổng giám mục.[37]

Tổng Giám mục Phạm Minh Mẫn nhận trả lời phỏng vấn của báo Công giáo và Dân tộc vào tháng 3 năm 1998. Chia sẻ về những cảm xúc đầu tiên sau khi được bổ nhiệm làm Tổng giám mục, Phạm Minh Mẫn cho biết ông lo lắng vì cho rằng nhiệm sở mới to lớn, xa lạ và phức tạp. Nói về đường hướng mục vụ, tân tổng giám mục cho biết ônvg cho rằng cần tham khảo mọi thành phần của Tổng giáo phận, truyền thống giáo phận, đường hướng của vị tiền nhiệm và ý kiến các vị lão thành. Nói về những vấn đề sẽ giải quyết đối với một giáo phận có nhiều xáo trộn, Tổng giám mục Mẫn cho biết ông cần thời gian để hòa nhập, tiến đến xây dựng tình hiệp thông và đoàn kết. Nói về mối quan hệ với chính quyền thành phố Hồ Chí Minh, tân tổng giám mục nhận định nếu các bên tìm được mẫu số chung thì mối quan hệ có khả năng phát triển, đem đến lợi ích dài lâu cho dân tộc. Được đưa ra câu hỏi về đánh giá tờ báo Công giáo và Dân tộc, Tổng Giám mục Phạm Minh Mẫn nhận định đây là tờ báo của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo, góp phần tạo đoàn kết, nhưng ông không có cơ sở để đo lường hiệu quả việc này.[38]

Một tháng sau khi tin bổ nhiệm được công bố cách chính thức, ngày 2 tháng 4, tân Tổng giám mục chính thức nhậm chức Tổng giám mục Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.[20] Cử chỉ đầu tiên trong lễ nhậm chức là ông quỳ trước tượng Đức Mẹ Nữ Vương Hoà Bình (Regina Pacis) và thực hịện nghi thức hôn đất.[39] Phát biểu trong bài giảng của lễ nhậm chức, tân tổng giám mục cho biết ông có cảm giác lạ lẫm và âu lo. Tuy nhiên, lạ lẫm chứ không hoàn toàn xa cách, và âu lo chứ không hoảng sợ.[40] Sau hai tuần chính thức về sinh sống tại Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng giám mục Mẫn cho họp các linh mục, tu sĩ nam nữ và cả các giáo dân. Tại cuộc họp này, giám mục Mẫn kêu gọi sống liên đới với các gia đình gặp khó khăn, những người trẻ tuổi không có phương tiện để đi học ở trường hoặc để học nghề. Tổng giám mục Mẫn nhấn mạnh vấn đề giúp đỡ cho những người vô gia cư. Ông cũng nêu ý tưởng về việc tổ chức một Công nghị Giáo phận, với nội dung chính là đoàn kết hàng ngũ linh mục và giáo dân vốn bị chia rẽ trong 5 năm trống tòa.[41] Trong Thư mục vụ đầu tiên trên cương vị Tổng giám mục ấn ký vào ngày 1 tháng 6, Phạm Minh Mẫn kêu gọi giáo dân cần phải biết quan tâm và hỗ trợ mọi người, kể cả người không theo Kitô giáo. Ông cũng loan báo sẽ đi Rôma để bày tỏ sự liên kết của Tổng giáo phận với Tòa Thánh và trở về vào đầu tháng 7 để cử hành lễ giỗ cố tổng giám mục Nguyễn Văn Bình.[42]

Tân Tổng giám mục Phạm Minh Mẫn cùng 18 vị Tổng giám mục mới đến Rôma tham dự nghi thức lãnh nhận dây pallium từ tay Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào sáng ngày 29 tháng 6 năm 1998 và tham gia đồng tế một thánh lễ với giáo hoàng. Buổi lễ này cũng có sự tham dự của một phái đoàn Giáo hội Chính Thống do Tòa Giáo chủ Constantinopoli gửi đến mừng bổn mạng của Giáo hội Công giáo Rôma. Sau buổi lễ trao dây Pallium, tất cả các tân tổng giám mục tiếp kiến chung với giáo hoàng vào sáng ngày 30 tháng 6.[43]

Tháng 7 năm 1998, báo Fides của Thánh bộ Truyền giáo Tòa Thánh cho xuất bản cuộc phỏng vấn với Tân Tổng giám mục Phạm Minh Mẫn, trong đó đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau. Khi được hỏi về hiện trạng Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, ông cho biết sự thiếu vắng vị Tổng giám mục chính tòa trong vòng 5 năm đã gây thiệt hại to lớn cho Tổng giáo phận. Nói về các hoạt động âm thầm của Tổng giáo phận như trường học, vườn trẻ, khóa dạy nghề và chẩn y viện, Tổng giám mục Mẫn cho biết ông đang thương lượng với chính quyền dân sự. Chia sẻ thêm về việc chính quyền yêu cầu tách rời các sinh hoạt cộng đồng ra khỏi cơ sở tôn giáo, Tổng giám mục Mẫn cho rằng ông mong luật pháp có sự thay đổi và nhận định có lẽ nên có tự do tôn giáo hoàn toàn. Khi được hỏi về Mặt Trận Công giáo Yêu nước, Tổng giám mục Mẫn nhận định nếu Mặt Trận muốn đoàn kết với người Kitô hữu thì đó là điều tốt đẹp, nhưng nếu Mặt Trận mang đến sự chia rẽ thì đó không phải là điều tốt đẹp. Về vấn đề chọn linh mục Tổng Đại diện là linh mục Huỳnh Công Minh, giám mục Mẫn cho hay ông xác nhận linh mục Minh từng là thành viên tích cực của Mặt Trận Công giáo Yêu nước, nhưng đã rời tổ chức này. Tổng giám mục Mẫn khẳng định, sự bổ nhiệm này là việc tái xác nhận bổ nhiệm của hai vị tiền nhiệm là Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn BìnhGiám quản Tông Tòa Nicôla Huỳnh Văn Nghi.[41]

Trong đại hội Hội đồng Giám mục Việt Nam lần VII, Tổng giám mục Phạm Minh Mẫn được các giám mục bầu chọn giữ vai trò Chủ tịch Uỷ ban Phụng tự và giữ nhiệm vụ này trong nhiệm kỳ 1998–2001.[1]

Tháng 7 năm 1999, Tổng giám mục Phạm Minh Mẫn có chuyến thăm mục vụ Hoa Kỳ, theo lời mời của Đức ông Đa Minh Mai Thanh Lương, Văn phòng Mục vụ cho người Công giáo Việt Nam, trực thuộc Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ. Tổng giám mục Mẫn mong muốn ông thu được nhiều kinh nghiệm mục vụ để giúp cho Tổng giáo phận tại quê hương [mà ông đang quản lý].[44] Ông đã có dịp cử hành lễ đồng tế với lượng giáo dân tham dự là 2.000 người (ngày 4 tháng 7), cũng như gặp các linh mục [gốc] Việt Nam tại Trung tâm Công giáo Giáo phận Orange (9 tháng 7), cũng như Ban chấp hành Cộng đồng và 12 cộng đoàn giáo dân.[45] Theo Đức ông Nguyễn Đức Tiến thì chuyến thăm này của Tổng giám mục Mẫn không mang tính chất ngoại giao hoặc chính trị. Bản thân Tổng giám mục Mẫn cũng từ chối các cuộc phỏng vấn do lịch trình bận rộn, cũng theo Đức ông Tiến.[46] Trong chuyến thăm mục vụ này, Hồng y Mẫn đã có dịp tiếp xúc nhiều hồng y và giám mục tại Hoa Kỳ.[47] Trong chuyến viếng thăm này, Tổng giám mục Mẫn cũng đi thăm các thân nhân và địa điểm ông từng sinh sống trong giai đoạn từ năm 1968 đến năm 1971.[44]

Sau khi trở về từ Hoa Kỳ, ngày 14 tháng 8, Tổng giám mục Mẫn cử hành lễ chiều trong khuôn khổ dịp bế mạc Năm Thánh Mẫu La Vang nhằm kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ La Vang.[48] Từ ngày 11 đến ngày 16 tháng 10 năm 1999, Hội đồng Giám mục Việt Nam nhóm họp, chọn ra các giám mục tham dự Thượng Hội Giám mục Thế giới về chức năng Giám mục dự kiến tổ chức vào năm 2000 gồm 5 giám mục trong đó có Tổng Giám mục Phạm Minh Mẫn.[49][gc 19] Thực tế sau đó Thượng hội đồng này bị hoãn đến tháng 10 năm 2001.[50]

Giai đoạn 2000–2003[sửa | sửa mã nguồn]

Trên cương vị Tổng giám mục Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, Phạm Minh Mẫn viết thư đề xuất vào năm 2000 với mục đích đề nghị chính quyền thành phố bàn giao trước hạn cơ sở Tiểu Chủng viện Thánh Giuse cũ, đang được sử dụng làm trường Trung học Tài chính Kế toán IV, với mục đích đào tạo giáo dân Tổng giáo phận. Nhiều năm sau đó, tháng 9 năm 2004, Bộ Tài chính quyết định trao lại trường Trung học Tài chính Kế toán IV cho Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng, và ban đầu được gọi là Trung tâm Văn hóa Công giáo, sau đó trở thành Trung tâm Mục vụ. Phạm Minh Mẫn bổ nhiệm linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm làm Giám đốc Trung tâm này.[15] Trong dịp Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đến thăm Việt Nam, ông đã có cuộc gặp riêng với Tổng giám mục Phạm Minh Mẫn vào ngày 19 tháng 11 năm 2000.[51] Cuộc gặp đột xuất[52] kéo dài 10 phút, được phát ngôn viên An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ là để bày tỏ sự quan tâm của Hoa Kỳ đối với tự do tôn giáo tại Việt Nam.[53] Dịp Giáng sinh năm 2000, Tổng giám mục Mẫn đã đến thăm những người khó khăn, cũng như cử hành [lễ Giáng sinh] ở một nhà thờ nhỏ thuộc Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh.[54]

Tổng giám mục Phạm Minh Mẫn tham dự Thượng Hội đồng Giám mục thế giới năm 2001 (Thượng Hội đồng Thường lệ lần X với chủ đề: Giám mục: người tôi tớ của Phúc Âm Chúa Giêsu Kitô để mang lại hy vọng cho thế giới)[55] và có bài tham luận bằng tiếng Pháp trong khuôn khổ thượng hội đồng vào ngày 3 tháng 10. Một đại diện khác từ Việt Nam là giám mục Phêrô Nguyễn Soạn cũng có bài tham luận trong ngày này.[56] Nội dung Tổng giám mục Mẫn đề cập trong khuôn khổ chương I của tài liệu làm việc: Thừa tác vụ của niềm hy vọng.[57] Dịp Giáng sinh năm 2001, Tổng giám mục Mẫn cử hành lễ riêng cho người tàn tật vào sáng ngày 25 tháng 12.[58]

Năm 2002, Tổng giám mục Phạm Minh Mẫn khởi sự chương trình Ơn gọi Thánh hiến nhằm mục đích truyền giáo tại Nhật Bản, đặt dưới quyền quản lý của Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc.[59] Ngày 25 tháng 12 năm 2002,[60] phản hồi lời mời của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo tham gia đại hội công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ tổ quốc lần thứ IV, Tổng giám mục Phạm Minh Mẫn cho biết ông không thể tham gia đại hội vì bận công tác mục vụ. Đáp từ, Tổng giám mục gửi thư cho linh mục Nguyễn Tấn Khóa, quyền Chủ tịch Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam và nêu 5 điểm góp ý với nội dung chính là xóa bỏ dần những khuyết tật của xã hội Việt Nam. Quan điểm của ông gây tiếng vang lớn tại cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.[61][62] Nội dung lá thư, Tổng giám mục Mẫn chia làm hai phần: Xóa bỏ khuyết tật xã hội và phát huy giá trị nhân bản xã hội. Phần đầu tiên, Tổng giám mục Mẫn cho rằng cần xóa bỏ sự tha hóa con người và cơ chế làm tha hóa con người, lần lượt là đánh mất phẩm giá con người và cơ chế xin - cho. Nội dung thư hai, ông nêu lên các luận điểm: phát huy nhân cách, phẩm giá con người; thăng tiến con người trong chân lý; phát huy tình liên đới các dân tộc; phát huy tính phụ đới của các tổ chức xã hội và phát huy thiện chí và ý thức phục vụ ích lợi xã hội.[60]

Trước khó khăn từ sau 1975 không có một giám mục ngoại quốc nào được trú tại Việt Nam qua đêm, Tổng giám mục Phạm Minh Mẫn đã báo với chính quyền và mời Tổng giám mục Paul Josef Cordes, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Đồng Tâm sang thăm mục vụ tại Việt Nam.[63] Từ khi đảm nhận vai trò Tổng giám mục Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng giám mục Phạm Minh Mẫn có nhiều cải cách quan trọng: nhấn mạnh đến việc giúp đỡ người nghèo, tinh thần phục vụ hàng giáo sĩ, tự do tôn giáo và đào tạo hàng giáo sĩ.[3] Ông đặc biệt nhắc nhở giáo dân quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ những hoàn cảnh nghèo khó trong các lá thư mục vụ của mình.[64]

Trong vòng 5 năm đầu tiên với chức Tổng giám mục Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng giám mục Mẫn đã truyền chức linh mục cho 79 người.[32] Trong Đại hội Hội đồng Giám mục Việt Nam lần thứ VII, các giám mục Việt Nam đã bầu chọn giám mục Phạm Minh Mẫn giữ chức Chủ tịch Ủy ban Phụng tự nhiệm kỳ 1998–2001 và ông tái đắc cử vai trò này trong nhiệm kỳ 2001–2004. Song song với chức vụ trên, Tổng giám mục Phạm Minh Mẫn được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam nhiệm kỳ 2001–2004. Ông tiếp tục tái đắc cử chức vụ này trong đại hội IX và giữ vai trò Phó Chủ tịch đến hết nhiệm kỳ 2004–2007.[1][gc 20]

Vào dịp Tết Nguyên Đán 2003, Giám mục Giáo phận Orange Tod D.Brown đã có cuộc gặp với Tổng giám mục Phạm Minh Mẫn và loan báo về việc giáo phận Orange sắp xây dựng một nhà thờ mang tên Đức Mẹ La Vang. Chia sẻ với Giám mục Brown, Tổng giám mục Mẫn cho biết ông đang đề nghị nhà nước cho thành lập một bệnh viện điều hành bởi các bác sĩ Công giáo, với sự tài trợ từ Giáo hội Công giáo và giáo dân; ông cũng nói về việc yêu cầu nhà nước trả lại Tiểu chủng viện Sài Gòn để làm nơi đào tạo giáo dân[gc 21] Từ hải ngoại, nhiều đơn hôn phối đã gửi về Tổng giáo phận và Tổng giám mục Mẫn đã giải quyết các trường hợp này hằng ngày. Tổng giám mục Phạm Minh Mẫn đã cử hành lễ và gặp gỡ giáo dân tại Quận Cam, California vào ngày 22 tháng 3 năm 2003 tại nhà thờ Tam Biên (St.Callistus). Đồng tế có các linh mục gốc Việt tại Quận Cam, tham dự có nhiều đại diện từ các tổ chức Cộng đoàn Công giáo Việt Nam và hơn 1.000 giáo dân. Giáo dân, các cơ quan truyền thông chào đón Tổng giám mục Mẫn cách nồng nhiệt vì họ đánh giá cao bức thư của Tổng giám mục Mẫn gửi linh mục Khóa vào tháng 12 năm 2002. Các giáo dân cũng ủng hộ về mặt kinh tế cho các hoạch định của Tổng giám mục Mẫn trong cuộc gặp này.[66]

Hồng y[sửa | sửa mã nguồn]

Hồng y GB Phạm Minh Mẫn trước cửa Nhà thờ Lớn Hà Nội

Bổ nhiệm, phản ứng từ chính quyền và các cuộc phỏng vấn[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 28 tháng 9 năm 2003, Giáo hoàng Gioan Phaolô II công bố ông ban tước vị hồng y cho 31 giáo sĩ, trong đó có một tân hồng y được giữ kín danh tính. Danh sách 30 tân hồng y của Giáo hội Công giáo Rôma trong đợi ban tước vị này gồm 7 người hoạt động tại Giáo triều Rôma, 19 giáo sĩ từ các Tổng giáo phận trên thế giới và 4 tân hồng y có xuất thân là linh mục trên 80 tuổi.[67] Tổng giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng giám mục Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, được nêu tên trong danh sách tân hồng y tại vị trí thứ 22.[68][69] Với việc bổ nhiệm này, Hồng y Gioan Baotixita là Hồng y thứ năm là người Việt Nam,[70][71] là hồng y đầu tiên xuất thân từ miền Nam Việt Nam cũng như Hồng y đầu tiên của Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh – Sài Gòn.[72][73] Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam có cùng lúc hai Hồng y.[74][75]

Ngày 30 tháng 9 năm 2003, chính quyền Việt Nam chính thức lên tiếng phản đối vụ việc vinh thăng tước Hồng y cho Tổng giám mục Phạm Minh Mẫn.[76][77] Nguồn tin từ hãng thông tấn AP truyền đi từ Hà Nội tái xác nhận thông tin trên.[78] Ban Tôn giáo cho biết, Tòa Thánh không xin phép trước khi bổ nhiệm Tổng giám mục Mẫn làm Hồng y. Nhận định về việc này, AP nhận định thế giới sẽ phải ngạc nhiên khi còn những chính phủ yêu cầu Giáo hoàng phải xin phép khi lựa chọn Hồng y.[78][79] Linh mục Gioan Trần Công Nghị, Giám đốc hãng truyền thanh Công giáo Viet Catholic có cuộc phỏng vấn với Đài Chân lý Á Châu nhân sự kiện này. Nói về việc chính quyền Hà Nội bác bỏ việc "bổ nhiệm" tước vị hồng y cho Tổng giám mục Phạm Minh Mẫn, linh mục Nghị cho rằng có thỏa thuận giữa chính quyền Việt Nam với Tòa Thánh về bổ nhiệm giám mục, tổng giám mục và hồng y nhưng thông tin từ nhân viên ngoại giao Vatican bác bỏ thỏa thuận này với tước vị hồng y. Ông cho rằng việc vinh thăng tước Hồng y với Tổng giám mục Mẫn là do Tòa Thánh không sắp xếp được nhân sự để nhận tước vị hồng y ở Tòa Tổng giám mục Hà Nội. Ông cho rằng, thông qua quyết định này, vị thế của Tòa Tổng Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh tăng cao vì là một Tòa Hồng y, thể hiện được sức sống đạo Công giáo ở miền Nam Việt Nam. Linh mục Nghị cho rằng nghi lễ nhận tước vị chỉ là hình thức, trong khi thực tế vị thế của tân Hồng y đã rất lớn. Ông đánh giá việc chính quyền Việt Nam từ chối cho Tổng giám mục Mẫn tham gia lễ nhận tước vị thể hiện cho thế giới nhận thấy đường lối ngoại giao chưa tế nhị. Linh mục Trần Công Nghị cho rằng Hồng y Mẫn thăng tiến rất nhanh, chỉ trong mười năm, được tấn phong giám mục, tiếp quản chức tổng giám mục và được thăng hồng y.[3]

Nhận được tin hành lang về việc bổ nhiệm làm Hồng y từ các linh mục cũng như giám mục Việt Nam, Tổng giám mục Phạm Minh Mẫn tiến hành đến gặp gỡ các quan chức chính quyền. Tại đây, Tân hồng y giải thích cho các viên chức biết hồng y chỉ là tước hiệu và mọi việc sẽ như cũ, không có gì thay đổi ngoài màu sắc của phẩm phục. Phạm Minh Mẫn khẳng định với viên chức chính quyền rằng ông phải nhận tước vị đó và viên chức này khuyên Tân hồng y nên viết thư xin thủ tướng công nhận Tổng giám mục Phạm Minh Mẫn là Hồng y.[63] Trở về Tổng giáo phận ngày 1 tháng 10, hồng y tân cử sắp xếp cuộc gặp với chính quyền ngay ngày hôm sau. Tại buổi gặp này, các viên chức hỏi về việc thuyên chuyển Hồng y Mẫn ra Hà Nội và nhắc nhở ông tuân theo sự sắp xếp của bề trên.[63] Nói về chi tiết này trong một cuộc phỏng vấn, Hồng y Mẫn cho rằng các viên chức đã nhầm lẫn rằng việc trở thành hồng y buộc ông phải thuyên chuyển ra Hà Nội.[63] Hồng y Mẫn xác nhận về cuộc gặp với Ban Tôn giáo Chính phủ tại Hà Nội và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trước khi đến Rôma nhận tước vị. Hồng y Mẫn cho biết các quan chức chính quyền Thành phố chúc mừng ông về sự bổ nhiệm này.[80] Ngày 2 tháng 10, thông cáo từ Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố việc Tổng giám mục Phạm Minh Mẫn được phong hồng y là tin vui cho giáo dân Việt Nam. Thông cáo cũng nhắc đến sự kiện đây là lần đầu tiên Việt Nam có (cùng lúc) 2 hồng y.[81]

Một tuần sau khi có cuộc gặp gỡ với chính quyền, Hồng y Tân cử Phạm Minh Mẫn sang Rôma và có cuộc nói chuyện với Hồng y Tổng trưởng Bộ Truyền giáo Crescenzio Sepe. Hồng y Sepe khẳng định Giáo hoàng Gioan Phaolô II rất vui mừng khi thiết lập nên tòa hồng y thứ hai ở Việt Nam.[63] Trả lời phỏng vấn của nhiều hãng truyền thông trong và ngoài nước, Hồng y Phạm Minh Mẫn chia sẻ về cảm nhận của mình trong tước vị mới. Ông cho rằng việc được bổ nhiệm làm Hồng y là một bất ngờ và nằm ngoài ước mơ của ông. Ông cho rằng việc bổ nhiệm này vượt quá khả năng và hoàn cảnh của mình, cảm thấy như có một gánh nặng rơi ầm xuống trên tôi, làm tôi choáng váng.[82] Trang tin La Croix cho rằng việc phong tước vị hồng y cho Tổng giám mục Mẫn thể hiện sự ủng hộ [của giáo hoàng] dành cho Giáo hội Công giáo Việt Nam nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ của một chính quyền theo chủ nghĩa Cộng sản.[83]

Lễ nhận tước vị, các chuyến viếng thăm[sửa | sửa mã nguồn]

Lễ trao mũ Hồng y và tước hiệu Hồng y Linh mục Nhà thờ San Giustino cho tân hồng y Phạm Minh Mẫn được cử hành vào ngày 21 tháng 10 năm 2003, với sự tham gia của 30.000 giáo dân, hàng trăm hồng y, giám mục. Phái đoàn hộ tống Tân hồng y người Việt có khoảng 300 người, gồm các giám mục: Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam Phaolô Nguyễn Văn Hòa, các giám mục Giuse Vũ Duy ThốngAntôn Vũ Huy Chương. Về các linh mục giáo phận có linh mục Huỳnh Công Minh, Tổng đại diện và 2 linh mục phụ trách dòng tu và giáo dân là Đinh Châu Trân và Võ Văn Ánh, chính xứ Tân Định.[72] Ngày 24 tháng 11 năm 2003, ông trở thành thành viên Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích và Thánh Bộ Truyền giáo Tòa Thánh Vatican.[2][84] Ông đồng thời cũng là thành viên Uỷ ban Giáo hoàng Chăm sóc Mục vụ cho Nhân viên Y Tế.[32] Linh mục Nguyễn Công Danh (1935–2016) kể lại khi Tổng Giám mục Phạm Minh Mẫn đến Vatican nhận mũ Hồng y, một phóng viên nước ngoài đã có câu hỏi với tân hồng y rằng họ cho rằng có vài linh mục quốc doanh theo chân Hồng y đến Vatican, đồng thời hỏi về mục đích hộ tống của linh mục này và cho rằng các linh mục này là gián điệp của chế độ cộng sản. Đáp lại câu hỏi từ các phóng viên, Tân hồng y Mẫn nhận định rằng một số linh mục vì mục đích chia vui với tân hồng y, với Tổng giáo phận và với Giáo hội Việt Nam, không có linh mục nào là linh mục quốc doanh. Hồng y Mẫn nhấn mạnh: Linh mục là linh mục của Giáo hội, do các giám mục tấn phong và khẳng định các linh mục này vẫn đang thi hành công tác mục vụ trong Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Để kết thúc câu trả lời, Hồng y Mẫn đúc kết: Linh mục là tài sản của Giáo hội, là sở hữu của Đức cha giáo phận".[85] Trong lễ Tạ ơn Tân Hồng y vào cuối năm 2003, Hồng y Mẫn đã mời nhiều Hồng y đến từ các quốc gia châu Á tham gia đồng tế trong lễ này. Hồng y Mẫn cho rằng đó là sự hiệp thông của Giáo hội Á châu.[63]

Sau khi dự lễ phong Hồng y, Hồng y Mẫn thăm cộng đồng giáo dân gốc Việt tại Orange County (Hoa Kỳ) vào ngày 24 tháng 10 và tại Pháp ngày 27 tháng 10.[86][87] Đầu tháng 12[gc 22] năm 2003, Hồng y Mẫn chính thức tổ chức lễ tạ ơn tước vị Hồng y tại Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Khoảng 1500 giáo dân đã tham dự lễ tạ ơn dài hai giờ đồng hồ này. Cùng dự lễ tạ ơn của tân Hồng y Mẫn còn có Hồng y Bernard Law.[89][gc 23]

Sau khi chào thăm giáo dân tại nhiều nơi, tham dự Đại hội Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, Phạm Minh Mẫn trở về Việt Nam, đến chào thăm Văn phòng Thủ tướng. Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã đón tiếp Hồng y Mẫn vào ngày 22 tháng 12.[91][92] Tại cuộc gặp mặt, Phạm Minh Mẫn loan báo cho ông Phó Thủ tướng rằng Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ và Tổng thống Bill Clinton đang có chủ trương hòa giải giữa hai nước cựu thù và Hồng y Mẫn cũng cho biết thêm, ông đã có buổi làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ và góp ý rằng chủ trương hoà giải cần phải được thực thi bằng con đường đối thoại trong sự tôn trọng sự thật và tôn trọng lẫn nhau, hợp tác lành mạnh và xây dựng.[93] Ngày 24 tháng 12, Bí thư Thành Uỷ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Triết đã đến thăm tân Hồng y và chúc mừng Giáng sinh. Trong khuôn khổ cuộc gặp, việc [Tổng giám mục] Phạm Minh Mẫn được phong tước Hồng y được đánh giá là một vinh dự lớn, thể hiện vị thế của Việt Nam trên thế giới.[94]

Cuối tháng 12 năm 2003, bài phỏng vấn Hồng y Phạm Minh Mẫn trả lời phỏng vấn The Boston Globe được chính thức xuất bản. Trong khuôn khổ cuộc phỏng vấn, Hồng y Mẫn cho biết ông đã từng phát biểu với lãnh đạo Việt Nam rằng tự do mà người dân cần có lớn như cái bàn, nhưng cái mà người dân được hưởng thì chỉ nhỏ bằng cái đĩa.[95] Trước đó, vào ngày 20 tháng 10 năm 2003, BBC Tiếng Việt cũng có cuộc phỏng vấn với Hồng y Tân cử, đề cập đến câu nói này. Nói với BBC, Hồng y Mẫn nhận định mối quan hệ giữa chính quyền Việt Nam và Giáo hội đang ở cao điểm tốt.[80][96]

Giai đoạn 2004–2005[sửa | sửa mã nguồn]

Trong khuôn khổ cuộc họp tại Băng Cốc tháng 8 năm 2004, phóng viên UCA News đã gặp gỡ và thực hiện cuộc phỏng vấn với Hồng y Phạm Minh Mẫn đến những vấn đề khác nhau. Khi được hỏi trở thành Hồng y, ông có thẳng thắn nêu lên quan điểm của mình hay không, Phạm Minh Mẫn khẳng định dù trước đây chưa là hồng y, ông cũng đã cất lên tiếng nói kêu gọi người Công giáo xây dựng đất nước trên tinh thần công bằng và bác ái. Nhận định về pháp lệnh Tôn giáo năm 2004, Hồng y Mẫn khẳng định pháp lệnh này vẫn đi theo lối mòn của cơ chế xin cho. Hồng y Mẫn thường nói với các viên chức chính quyền rằng mỗi khi ông trả lời báo chí nước ngoài về tự do ở Việt Nam, ông đều nói:Việt Nam không có "quyền" tự do, nhưng có tự do "trong sự cho phép". Nói về việc sống đức tin Công giáo trong xã hội, vị hồng y cho hay việc này khá khó khăn vì chính quyền không công nhận Công giáo là một tổ chức. Để hỗ trợ giáo dân, Hồng y Mẫn cho nhóm các giáo dân theo công việc: bác sĩ, nghệ sĩ, giáo viên, doanh nhân và cả viên chức chính quyền là người Công giáo. Ngoài ra, trong công tác xây dựng xã hội, Tổng giáo phận qua các dòng tu đã thành lập các hội truyền giáo tại các vùng không có người Công giáo, các trường dành cho người tàn tật, trường dạy nghề, trường mẫu giáo. Một số dòng tu còn tập hợp các phụ nữ làm nghề mại dâm để hỗ trợ về chăm sóc con cái, gia đình và việc làm mới.[63] Nguyễn Quốc Khải viết trên tờ Việt Báo cho biết Hồng y Mẫn đánh giá Pháp lệnh Tôn giáo là hủ lậu, phản văn minh, và phản tiến bộ.[97]

Cũng trong cuộc phỏng vấn với UCA News, Hồng y Phạm Minh Mẫn cũng chia sẻ về hoàn cảnh tại Việt Nam, giai đoạn sau Mở cửa Kinh tế, các tệ nạn tràn vào Việt Nam, gây nên nạn nghiện ma túy dẫn đến HIV/AIDS. Để hỗ trợ, Hồng y Mẫn thiết lập Uỷ ban Mục vụ HIV/AIDS để vận động ngăn ngừa bệnh này cũng như chăm sóc các bệnh nhân mắc bệnh. Các trại cai nghiện ma túy cũng là nguyên nhân lây lan dịch bệnh, Hồng y Mẫn đã phái các nữ tu đến chăm sóc. Năm 2004, Tổng giáo phận dự kiến làm đĩa CD nói về bệnh HIV/AIDS cũng như cách phòng tránh và chăm sóc bệnh nhân, gửi đến khoảng 500 linh mục thuộc Tổng giáo phận.[63] Hồng y Mẫn đã mời dòng Camillo vể hỗ trợ các bệnh nhân HIV/AIDS tại Việt Nam,[98] cũng như đã gửi 2 thầy dòng và 8 nữ tu theo lời hưởng ứng của Sở Lao Động và Thương Binh xã hội Thành phố Hồ Chí Minh để tình nguyện hỗ trợ các bệnh nhân HIV/AIDS vào tháng 5 năm 2004.[99] Ngoài các bệnh nhân Hồng y Mẫn quan tâm đến khả năng tái hoài nhập xã hội của các trẻ nghiện ma túy, qua các khía cạnh ngăn chặn tình trạng tái nghiện và có công việc làm ổn định.[100] Chương trình hỗ trợ này được giúp sức bởi các linh mục, nữ tu và giáo dân, ban đầu từ Thành phố Hồ Chí Minh và về sau lan rộng ra các tỉnh thành lân cận. Các bệnh nhân được giúp đỡ không phân biệt tôn giáo.[101]

Từ ngày 17 đến ngày 24 tháng 8 năm 2004, Hồng y Phạm Minh Mẫn tham gia Hội nghị Toàn thể lần thứ VIII của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu với chủ đề "Gia Đình Á Châu Hướng Đến Một Nền Văn Hóa Sự Sống" tổ chức tại Daejeon, Hàn Quốc. Bài bình luận của ông tại hội nghị lần này là về vấn đề gia đình. Phát biểu tại hội nghị, Phạm Minh Mẫn nhận định, đối thoại chính là chìa khóa để giải quyết vấn đề về gia đình và nhận định có những đường hướng mục vụ làm gia đình chia rẽ. Phạm Minh Mẫn cũng đề nghị cần thay đổi ngay lập tức, để việc mục vụ góp phần gắn kết các gia đình.[102] Hồng y cũng cho rằng do ảnh hưởng của toàn cầu hóa, nhiều lối sống mới khác biệt các các lối sống truyền thống châu Á như vật chất, thực dụng và khoái lạc [đến châu Á].[103] Sau năm 1975, giáo dân không được đào tạo về Đức Tin Công giáo và thiếu hiểu biết về mục vụ Công giáo. Nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo giáo dân, Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận đã chính thức được thành lập.[104]

Sau khi Giáo hoàng Gioan Phaolô II qua đời, tại Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, Hồng y Phạm Minh Mẫn đã chủ sự lễ phát tang và cầu nguyện cho cố giáo hoàng. Đồng tế với Hồng y Mẫn có giám mục phụ tá Giuse Vũ Duy Thống, linh mục Tổng Đại diện Huỳnh Công Minh và 300 linh mục thuộc Tổng giáo phận.[105] Chiều tối ngày 5 tháng 4 năm 2005, Hồng y Phạm Minh Mẫn và Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt[106] cùng Giám mục Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam – Phaolô Nguyễn Văn Hòa lên đường sang Roma (Italy) dự tang lễ của Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Cùng đi với đoàn có linh mục Bùi Thái Sơn (Tòa Giám mục Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh), linh mục Giuse Đặng Đức Ngân (Tòa Giám mục Tổng giáo phận Hà Nội) và Giám mục chính tòa Giáo phận Phát Diệm Giuse Nguyễn Văn Yến.[107][108] Đài tiếng nói Hoa Kỳ VOA Tiếng Việt cho rằng phái đoàn theo Hồng y Mẫn từ Việt Nam, ngoài ông và Tổng giám mục Kiệt, còn có 5 người khác.[109] Chính quyền Hà Nội hỗ trợ nhanh chóng các thủ tục cho đoàn giáo sĩ đi Rôma dự tang lễ. Ban Tôn giáo chính phủ Việt Nam cho biết họ sẽ tạo mọi điều kiện để giáo dân và giáo sĩ có thể đến viếng giáo hoàng.[110] Sau đó, Hồng y Mẫn ở lại Vatican tham dự Mật nghị Hồng y để bầu Giáo hoàng mới sau khi Giáo hoàng Gioan Phaolô II qua đời,[6][111] và là một trong số 10 hồng y từ châu Á, cũng như trên tổng số 115 hồng y tham dự mật nghị kỳ này.[112][gc 24]

Nhân dịp kỷ niệm 125 năm Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn và 40 năm linh mục Hồng y Mẫn, một số cá nhân từ hải ngoại đã đóng góp để thay thế cây đàn đại phong cầm cho Nhà thờ Đức Bà. Cây đàn đã về Việt Nam vào tháng 3 và được lắp đặt xong vào tháng 6 năm 2005.[114] Hồng y Phạm Minh Mẫn có chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vào năm 2005. Chuyến thăm này không những được quan tâm từ các cộng đồng gốc Việt, nhưng cũng được các báo chí Hoa Kỳ đưa tin. Cá nhân Hồng y Mẫn cũng được các giáo sĩ và giáo dân Hoa Kỳ chào đón. Cá nhân Hồng y Mẫn cho biết chuyến thăm này của ông có ba mục đích chính: cảm tạ các hội đồng giám mục [tại Hoa Kỳ] đã chăm sóc cho cộng đồng giáo dân gốc Việt; thăm viếng và cùng các cộng đoàn gốc Việt tạ ơn Thiên Chúa; và chuẩn bị cho các công việc mục vụ về nhân sự và về cơ sở vật chất, hỗ trợ các bệnh nhân AIDS và nhất là hỗ trợ cho các linh mục hưu dưỡng.[115] Ngày 24 tháng 7 năm 2005, Hồng y Mẫn được thông báo sẽ chủ tế tại Đại Hội Thánh Thể Cộng Đồng, tổ chức tại Anaheim Convention Center, theo thông báo ngày 14 tháng 7 cùng năm. Hồng y Mẫn nhân dịp này, theo lịch trình vào ngày 14, sẽ tổ chức xin gây quỹ hỗ trợ các nhà hưu dưỡng linh mục trong Tổng giáo phận.[116] Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Hồng y Phạm Minh Mẫn đã có cuộc gặp với giáo dân và giới trẻ Công giáo tại Trung tâm Công giáo Giáo phận Orange vào ngày 22 tháng 7 năm 2005.[117]

Giai đoạn 2006–2007[sửa | sửa mã nguồn]

Hồng y Phạm Minh Mẫn đã có buổi chia sẻ với Liên Tu sĩ Sài Gòn vào cuối tháng 4 năm 2006. Trong khuôn khổ cuộc gặp, Hồng y Mẫn thông tin về tình trạng thiếu nơi giảng dạy và sinh hoạt cho các chủng sinh, do số lượng chủng sinh không còn bị khống chế, tình trạng xây dựng nhà thờ và dư luận lên án việc này, về số giáo dân. Riêng về số giáo dân, không kể đến các di dân, dưới thời Hồng y Mẫn quản lý, năm 1998 có 520.000 giáo dân, nhưng đến năm 2005 đã tăng lên mức 630.000.[118] Thông tin đăng trên Asia News vào tháng 5 năm 2006 cho biết Hồng y Phạm Minh Mẫn đã mời các hồng y từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Ấn Độ đến thăm Việt Nam vào đầu tháng 12 năm 2006. Cũng trong khoảng thời gian này, Hồng y Mẫn kêu gọi các thành viên Dòng Tên sưu tập các tài liệu và tổ chức một hội thảo với chủ đề sứ mạng của Dòng Tên tại Việt Nam.[119] Các hồng y được mời đã đến Thành phố Hồ Chí Minh gồm Hồng y-Giám mục chính tòa Giáo phận Hồng Kông Giuse Trần Nhật Quân, Hồng y Tổng giám mục Tổng giáo phận Manila Gaudencio Borbon Rosales và Hồng y Tổng giám mục Tổng giáo phận Ranchi Telesphore Toppo. Cuộc viếng thăm kéo dài từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 12, và các hồng y đã cùng đồng tế lễ kỷ niệm 500 năm ngày sinh Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng truyền giáo.[120] Một số quan chức đã tham dự lễ đồng tế này, cùng với hơn 1.200 giáo dân. Chủ tịch nước Việt Nam có nhã ý gặp các hồng y, nhưng theo hồng y Toppo, họ không có đủ thời gian [để tổ chức cuộc gặp].[121]

Tháng 11 năm 2006, Hồng y Phạm Minh Mẫn và một số giám mục đã gặp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Hồng y Mẫn cho biết ông đã thảo luận với ông Chủ tịch về các vấn đề như các quyền tư hữu tài sàn, tự do tôn giáo. Nói về trách nhiệm của Giáo hội Công giáo trong công cuộc phát triển Việt Nam, hồng y lưu ý về hai lĩnh vực giáo dục và y tế. Hồng y Mẫn cho biết Chủ tịch Triết hứa sẽ dần dần đáp ứng các nguyện vọng mà chính phủ xem là chính đáng.[122] Thư Mục vụ Giáng sinh năm 2006, Hồng y Mẫn kêu gọi mọi người rũ bỏ các tính toán ích kỷ, ham muốn bất chính" và quan tâm chia sẻ hỗ trợ cho nạn nhân cơn bão Durian.[123]

Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp mặt với Giáo hoàng Biển Đức XVI vào ngày 25 tháng 1 năm 2007. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo Việt Nam theo chủ nghĩa Cộng sản có cuộc gặp mặt với giáo hoàng. Bình luận về sự kiện này, linh mục Huỳnh Công Minh đại diện Hồng y Phạm Minh Mẫn đánh giá rằng đây là một tin vui mừng và bày tỏ niềm hy vọng rằng cuộc gặp mở đường cho việc phát triển ngoại giao bình thường giữa Tòa Thánh và Việt Nam.[124] Ngày 30 tháng 3 năm 2007, Tòa án Nhân dân Thừa Thiên-Huế xét xử và ra phán quyết 8 năm tù với linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý vì tội "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".[125] Hội đồng Giám mục Việt Nam im lặng trước biến cố này, do đó Đài Á Châu Tự Do (RFA) đã có cuộc phỏng vấn với Hồng y Phạm Minh Mẫn về vấn đề này. Hồng y thông tin Hội đồng Giám mục sẽ họp vào tháng 10, và do linh mục Lý thuộc Tổng giáo phận Huế nên chỉ có Đức Cha (Tổng giám mục Huế) mới có quyền đề xuất việc này vào chương trình nghị sự. Cá nhân Hồng y Mẫn cho biết ông không rõ nguyên nhân cũng như các khía cạnh trong cuộc sống của linh mục Lý.[126]

Ngày 7 tháng 7 năm 2007, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam Phaolô Nguyễn Văn Hòa viết thư gửi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Trong thư này, giám mục cho rằng báo Tuổi trẻ ngày 6 tháng 7 năm 2007 có nội dung không đúng sự thật về việc Chủ tịch nước nói rằng Vatican và Hội đồng Giám mục cũng đồng tình với Nhà nước Việt Nam trong việc xét xử linh mục Nguyễn Văn Lý.[127] Ngày 10 tháng 7 năm 2007, Hồng y Phạm Minh Mẫn cho xuất bản lá thư gửi đến báo Công giáo và Dân tộc cũng như truyền thông tại Việt Nam. Trong thư, vị tổng giám mục Thành phố chỉ trích sự đưa tin với chiều hướng một chiều, sự thật bị cắt xén và bóp méo. Hồng y Mẫn cũng đưa ra một số dẫn chứng về việc thông tin bị bóp méo, với sự kiện gần nhất là việc đưa tin CNN phỏng vấn Chủ tịch nước Việt Nam với nội dung bị cắt xén và thêm thắt, gây ảnh hưởng xấu đến Hội đồng Giám mục Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng này phải có tin đính chính. Cũng trong thư này, Hồng y Mẫn cho rằng tất cả sự việc này gây ra sự nghi kị, dần biến mọi người thành Tào Tháo, đồng thời kêu gọi truyền thông Công giáo không biến tín hữu trở thành những kẻ đa nghi với Chúa và Giáo hội.[93] Ngày 22 tháng 7 cùng năm, Hồng y Mẫn gửi thư cho linh mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch câu lạc bộ Nguyễn Văn Bình, nhờ câu lạc bộ này nghiên cứu về đề tài Thái độ hợp tác cũng như bất hợp tác của Giáo hội Công giáo trong 50 năm qua.[128] Trong thư, Hồng y Mẫn lên án xã hội băng hoại: [...] Thay vì biến giai cấp vô sản thành người đầy tớ phục vụ nhân dân theo như lời Bác dạy, thì thực tế cho thấy là giai cấp vô sản biến nhân dân thành vô sản, và tự biến mình thành một giai cấp mới mà tôi nghe nhiều người gọi là tư sản đỏ. [...] Lâu lâu rồi, tôi thấy báo chí tường thuật lời ông Tổng Bí thư tuyên bố tham nhũng là quốc nạn. Có lẽ là quốc nạn cho người dân, chớ còn đối với nhiều đày tớ của nhân dân, đó là cơ hội tốt để trở thành đại gia đỏ.[129][130]

Tại Đại hội Hội đồng Giám mục Việt Nam lần X, Hồng y Phạm Minh Mẫn được các giám mục bầu chọn giữ vai trò Chủ tịch Uỷ ban Mục vụ Di dân nhiệm kỳ 2007–2010 và tái đắc cử chức vụ này ở nhiệm kỳ 2010–2013.[1] Tên chính thức của Uỷ ban vào thời điểm được thiết lập là Ủy Ban Giám Mục lo cho người Di Dân. Hồng y Mẫn hính là Chủ tịch Tiên khởi của Uỷ ban này, kể từ khi nó được chính thức được thiết lập dựa trên "Tiểu ban lo cho người Di Dân" trực thuộc "Uỷ ban Giáo dân".[131][132]

Ngày 24 đến ngày 28 tháng 9 năm 2007, Hồng y Phạm Minh Mẫn tham dự phái đoàn Công giáo Việt Nam có chuyến thăm đến Trung Quốc, nhận lời mời từ Cục Tôn giáo Trung Quốc. Phái đoàn đã có cuộc gặp chính thức với các quan chức Trung Quốc: Cục Trưởng Cục Tôn giáo, Trưởng ban Mặt Trận Thống Nhất, Vụ phó Vụ Châu Âu, Bộ Ngoại giao và Vụ trưởng Vụ 2 Cục Tôn giáo Trung Quốc. Phái đoàn do vị Hồng y Tổng giáo phận Thành phố dẫn đầu đã đến thăm Bắc KinhThượng Hải. Tại đây, ông cũng có dịp tiếp xúc với Tổng giám mục Tổng giáo phận Bắc Kinh Giuse Lý Sơn, vị giám mục vừa được bổ nhiệm vào ngày 21 tháng 9 và chào xã giao giám mục giáo phận Thượng Hải Alôsiô Kim Lỗ Hiền. Phái đoàn từ Việt Nam, ngoài hồng y Mẫn còn có Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt và giám mục phó Giáo phận Nha Trang Giuse Võ Đức Minh.[133] Trả lời phỏng vấn của Asia News với nội dung được đăng vào tháng 11 năm 2007, Hồng y Phạm Minh Mẫn cho biết đôi khi ông cảm thấy khó khăn để thực thi nhiệm vụ của mình tại thành phố [mà ông đang quản lý mục vụ Công giáo]. Cũng theo Hồng y Mẫn cho biết ông quan tâm đến đồng hành cùng những người nghèo khó, bệnh nhân AIDS, cũng như bác ái Công giáo. Ông bày tỏ mong muốn tham gia vào các vấn đề xã hội để hỗ trợ cho người nghèo và các nạn nhân của [bất công] xã hội.[134]

Sau chuyến viếng thăm Trung Quốc, Hồng y Phạm Minh Mẫn đã trả lời phỏng vấn UCA. Trong khuôn khổ cuộc phỏng vấn, Hồng y Mẫn đã chia sẻ về tình trạng Giáo hội Việt Nam: sau năm 1975, giáo hội tại miền Nam bị tịch thu nhiều tài sản, và đến thập niên 1980, với quá trình Đổi Mới, các giáo hội ngoại quốc đã hỗ trợ về kinh tế những như đào tạo nhân sự, và chính quyền đã trả lại tài sản bị tịch thu, cũng như cộng tác với Giáo hội, điển hình là về công tác phòng chống HIV/AIDS. Hồng y Mẫn cho biết ban đầu Ban tổ chức Hội đồng Giám mục Á Châu dự định chọn Việt Nam làm nơi tổ chức đại hội vào năm 2008, nhưng Hồng y Mẫn đã bác bỏ đề xuất này vì lý do thiếu cơ sở vật chất để tổ chức đại hội. Trong cuộc phỏng vấn, Hồng y Mẫn cũng nhắc đến tình trạng "linh mục chui" tại miền Bắc, và nhận định rằng Giáo hội Công giáo Việt Nam vốn chia rẽ sau chiến thắng của chính quyền theo chủ nghĩa Cộng sản trong thập niên 1950, cho đến khi thành lập Hội đồng Giám mục 25 năm sau đó.[8]

Giai đoạn năm 2008[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 25 tháng 1 năm 2008, Hồng y Mẫn chủ sự lễ mừng thọ 90 tuổi và kỷ niệm 60 năm linh mục, 40 năm giám mục cho Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng. Sau cuộc lễ này, giáo dân tràn vào khu vực Tòa Khâm sứ cũ đang tranh chấp.[135][136] Cũng trong năm này, một bộ phim về cuộc đời Hồng y Phạm Minh Mẫn (Life story of Cardinal: Pham Minh Man) do đạo diễn Diamond Bích Ngọc được phát hành trên trang web cá nhân của đạo diễn này.[137]

Tháng 6 năm 2008, nhân dịp Đại hội Giới trẻ Thế giới tổ chức tại Sydney (Úc), Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn có gửi một lá thư cho ba giám mục Việt Nam dẫn đầu phái đoàn Công giáo nước này sang tham dự sự kiện này.[138] Các giám mục được đề cập đến là Chủ tịch Uỷ ban Mục vụ Giới trẻ Giuse Vũ Văn Thiên, Chủ tịch Uỷ ban Giáo lý Đức Tin Phaolô Bùi Văn Đọc và giám mục chính tòa Giáo phận Lạng Sơn và Cao Bằng Giuse Đặng Đức Ngân. Trong lá thư[gc 25] của vị hồng y với mục đích chia sẻ rộng rãi, Phạm Minh Mẫn cho rằng các kỳ đại hội trước ở Pháp, Đức, Canada đều có một sự cố "làm tắc nghẽn con đường hiệp thông" của các bạn trẻ đến từ Việt Nam, đó là lá cờ vàng ba sọc đỏ đã được giương lên ở những nơi có người trẻ gốc Việt quy tụ để cử hành phụng vụ hoặc sinh hoạt chung. Hồng y đưa ra bình luận: Một lá cờ biểu tượng cho điều gì? Có lúc lá cờ được coi là biểu tượng cho một đất nước, lúc khác được coi là biểu trưng một chủ nghĩa: chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa quốc gia... Có lúc chỉ biểu trưng một thói đời mang tính đối kháng. Lá thư này chịu sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng người Việt hải ngoại.[140] Hồng y Mẫn cho rằng tinh thần hiệp thông chưa bao giờ xây dựng trên nền tảng của chủ nghĩa trần thế.[141] Nội dung thư của Hồng y Mẫn cũng ẩn chứa thông điệp hòa giải: Người mẹ Việt Nam, lúc mặc áo vàng, lúc mặc áo đỏ... vẫn là người mẹ đã dày công sinh thành dưỡng dục con dân Việt Nam.[138] Tiến sĩ Phạm Huy Thông[gc 26] cho rằng ý kiến của Hồng y Mẫn về lá cờ đã có tác dụng hơn nhiều việc tuyên truyền khác.[143]

Hồng y Mẫn sau đó cáo bệnh và hủy các lịch trình tại Nam California. Tuy vẫn lưu lại Hoa Kỳ, ông đến thăm các địa điểm khác như Washington.[138] Ngày 21 tháng 6, cộng đồng Công giáo Việt Nam quy tụ và tham dự lễ do Hồng y Mẫn chủ tế tại nguyện đường Đức Mẹ La Vang thuộc Vương Cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội tại Washington D.C.[144] Ngày 1 tháng 7, Hồng y Mẫn cùng với Hồng y Tổng giám mục Tổng giáo phận Los Angeles Roger Mahony để chính thức ký văn kiện kết nghĩa Tổng giáo phận Los Angeles và Tổng giáo phận Sài Gòn. Hai nhân chứng là Giáo sư Michael Downey và Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm. Đây là văn kiện kết nghĩa đầu tiên của cả hai tổng giáo phận.[145] Với văn thư đề ngày 4 tháng 6 năm 2008, Hồng y Mẫn đã bị tẩy chay trong dịp Đại hội này tại Úc.[146][gc 27] Đầu tháng 8 năm 2011, tại Văn phòng riêng, Hồng y Mẫn đã có cuộc phỏng vấn với cáo thỉnh viên vụ án phong thánh cho linh mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp. Trong bối cảnh cuộc phỏng vấn, cá nhân Hồng y Mẫn nhận định các người dân không tôn giáo và thuộc tôn giáo khác từ rất lâu đã "phong thánh" cho cố linh mục.[13] Hồng y Mẫn có chuyến hành hương Đức Mẹ Lộ Đức vào tháng 8 cùng năm.[148]

Trong bối cảnh tình hình căng thẳng giữa giáo xứ Thái Hà, Hà Nội và chính quyền sở tại, Hồng y Phạm Minh Mẫn công bố "Lá thư Mục Tử" đề ngày 1 tháng 9 năm 2008 gửi tu sĩ và giáo dân. Nội dung thư, hồng y kêu gọi đối thoại với các bên để giải quyết với ý thức tôn trọng chân lý, công lý và bác ái.[149] Trong vụ việc này, linh mục Trần Công Nghị, giám đốc VietCatholic News đánh giá cá nhân Hồng y Mẫn đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Giáo xứ Thái Hà.[150] Cũng trong nội dung bức thư, Hồng y Mẫn cho rằng cách truyền thông Nhà nước đưa tin vụ việc chỉ phục vụ lợi ích phe nhóm và cá thể trong khi không phục vụ cho lợi ích của người dân. Hồng y Mẫn xác quyết rằng Dòng Chúa Cứu Thế có đủ nhân chứng và vật chứng chứng minh quyền sở hữu khu đất đang trong tình trạng tranh chấp.[151] Cũng trong những ngày đầu tháng 9, Hồng y Mẫn được ghi nhận đã gửi thư chúc mừng Đại hội Những người công giáo Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc do Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Thành phố tổ chức.[152]

Trong cuộc họp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ngày 20 tháng 9 năm 2008, Tổng giám mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt đã có câu nói trong bài phát biểu dẫn đến việc các cơ quan truyền thông tại Việt Nam đặt câu hỏi về lòng yêu nước.[153] Cụ thể, Tổng giám mục đã phát biểu: "Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ !" Nhiều báo chí Việt Nam và đài truyền hình Việt Nam đăng tải câu nói Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam là viết nhiều bài báo chỉ trích ông Ngô Quang Kiệt.[154][155][156][157] Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn với cương vị Tổng giám mục Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh chỉ trích các cơ quan truyền thông được Nhà nước Việt Nam kiểm soát vì bóp méo lời tuyên bố của Tổng Giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt. Hồng y Mẫn cũng cáo buộc các bản tin truyền thông sử dụng một vài cụm từ biệt lập trong phát biểu của Tổng giám mục Kiệt và tách nó ra khỏi bối cảnh để đánh giá lòng yêu nước của ông này.[158][159]

Ngày 1 tháng 10 năm 2008, phái đoàn giám mục đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đến gặp thủ tướng Việt Nam là ông Nguyễn Tấn Dũng để trao đổi các vấn đề tranh chấp đất đai tại Hà Nội.[gc 28] Đoàn giám mục đại diện gồm Chủ tịch Hội đồng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Đại diện Giáo tỉnh Hà Nội là Giám mục Antôn Vũ Huy Chương, giám mục chính tòa Giáo phận Hưng Hóa, đại diện Giáo tỉnh Huế là Tổng giám mục Tổng giáo phận Huế Stêphanô Nguyễn Như Thể và đại diện Giáo tỉnh Sài Gòn là Hồng y – Tổng giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn.[161] Một ngày sau đó, ngày 2 tháng 10, Hồng y Phạm Minh Mẫn gọi linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm để thông báo về việc Tòa Thánh đã chọn linh mục Khảm làm Giám mục phụ tá (thứ hai) của Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.[162] Việc bổ nhiệm chính thức được thông báo vào ngày 15 tháng 10, và Hồng y Mẫn đã chủ sự lễ truyền chức giám mục cho tân giám mục phụ tá vào ngày 15 tháng 11 cùng năm.[163]

Giai đoạn 2009–2010[sửa | sửa mã nguồn]

Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh dưới thời Hồng y Mẫn. Hồng y Mẫn đã cung cấp một số số liệu về Tổng giáo phận do mình cai quản, từ năm 1998 đến năm 2009 như sau: số giáo dân tăng từ 524.281 người lên mức 662.148 người, số linh mục tăng lên con số 318 từ mốc 244 năm 1998. Số tu sĩ cũng có biến động: 327 nam tu sĩ và 4.754 nữ tu sĩ vào năm 2009, so với tương ứng 169 nam tu sĩ và 2655 nữ tu sĩ vào năm 1998.[104]

Tháng 2 năm 2009, Hồng y Phạm Đình Tụng, nguyên Tổng giám mục Hà Nội qua đời. Lễ an táng đã được Hồng y Mẫn, đại diện Tòa Thánh chủ sự vào ngày 26 tháng 2 năm 2009 tại Nhà thờ Lớn Hà Nội.[164][165] Về vấn đề tranh cãi khai thác bô xít ở Tây Nguyên, ngày 31 tháng 5 năm 2009, Hồng y Phạm Minh Mẫn ra thư gửi các tu sĩ và giáo dân về vấn đề bảo vệ môi trường, qua đó chỉ trích các nhà đầu tư dự án chỉ quan tâm tính toán đến lợi ích mà bỏ qua tác động đến đời sống con người.[166][167] Trong vụ việc này, Hồng y Mẫn được La Croix đánh giá là đã kiềm chế để tránh sử dụng các lập luận thiên về chủ nghĩa dân tộc, vốn đã dẫn đến việc chỉ trích các linh mục tại Hà Nội là ngu xuẩn và thiếu hiểu biết,[gc 29] cũng như bắt giữ một số cá nhân có liên quan đến việc chống lại dự án này.[169] RFA đánh giá nội dung thư của Hồng y Mẫn là "gay gắt".[170] Wikileaks công khai một bức điện tín gửi từ Hà Nội đến nhiều địa điểm và tổ chức như CIA, ASEAN,... đánh giá rằng tiếng nói của Hồng y là một tiếng nói có sức ảnh hưởng lớn.[171] Bức thư được công bố sau khi Quốc hội Việt Nam đã thông qua dự án khai thác này. Ngày 24 tháng 7 cùng năm, Hồng y Mẫn dự kiến tham gia dự thảo về chủ đề Biên giới Việt-Trung tại Hội trường Tòa Tổng giám mục. Dưới áp lực của chính quyền, cuộc hội thảo phải bị dời đến nơi khác, trong khi Hồng y Mẫn rút lui không tham gia hội thảo vì lý do mục vụ.[172]

Trong cuộc phỏng vấn với Union of Catholic Asian News (UCAN) vào tháng 7 năm 2009, Hồng y Mẫn cho rằng về việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và nhà nước Việt Nam, Tòa Thánh đã có mong ước này từ lâu, nhưng quyết định thuộc về chính quyền Việt Nam.[173] Tháng 12 cùng năm, nói về chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến Vatican, Hồng y Mẫn cũng nêu quan điểm rằng cả hai bên đều có mong muốn xây dựng mối quan hệ. Cá nhân hồng y hy vọng rằng bối cảnh là thích hợp để các bên thực hiện hóa mong ước này.[174]

Cuối tháng 11 năm 2009 đến đầu tháng 1 năm 2011, Giáo hội Công giáo Việt Nam cử hành Năm Thánh để đánh dấu 350 năm thiết lập hai Địa phận Tông Tòa đầu tiên ở Việt Nam.[175] Tại giáo xứ Sở Kiện, Tổng giáo phận Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2009, Hồng y Phạm Minh Mẫn, với tư cách Trưởng Ban Tổ chức Năm Thánh (còn gọi là Chủ tịch)[176] đã chủ sự lễ khai mạc Năm Thánh. Cùng đồng tế có 28 giám mục, 950 linh mục từ 26 giáo phận. Giáo dân Công giáo từ ba miền, tham dự lễ này ước đạt 100.000 người, theo BBC.[177] Báo Nhân Dân ghi nhận con số là 30 giám mục, gần 500 linh mục và hàng nghìn tu sĩ đã tham dự lễ khai mạc,[178] trong khi Catholic News Agency dẫn lời linh mục JB An Dang đánh giá con số là 120.000 người, với sự tham dự của 4 hồng y, 30 giám mục, 1200 linh mục và nhiều giáo sĩ ngoại quốc.[179] Báo Người Lao Động ước tính con số tham dự là vào khoảng 60.000 người. Trong tuyên bố khai mạc Năm Thánh, Hồng y Mẫn kêu gọi cộng đồng Công giáo sống tinh thần yêu thương vì sự phát triển của xã hội và quốc gia.[180] Ngày 5 tháng 12 năm 2009, Hồng y Mẫn cho thành lập Uỷ ban Mục vụ Đối thoại liên tôn của Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc gặp giữa các đại diện các tôn giáo[gc 30] lần đầu đã được tổ chức vào ngày 19 cùng tháng, theo sáng kiến của Hồng y Mẫn.[182] Cũng trong tháng 12 năm 2009, hồng y Mẫn và số ít giám mục và linh mục được Giám mục Giáo phận Chanthaburi mời tham gia lễ kỷ niệm 300 năm thành lập địa phận đầu tiên.[183]

Hồng y Phạm Minh Mẫn đã trả lời phỏng vấn báo La Croix. Trong cuộc phỏng vấn này, Hồng y đã được trích dẫn cho biết ông có chủ trương "đối thoại và hợp tác trên cơ sở sự thật và công ích". Hồng y bày tỏ thái độ không đồng tình với quyết định xóa bỏ tư hữu đất đai, và tin rằng nguyên nhân này làm cho có nhiều lạm dụng, bất công và bất ổn trong xã hội.[184] Trong cuộc phỏng vấn với Agenzia Fides, Hồng y Mẫn cho biết riêng Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh bị mất 400 cơ sở sau biến cố năm 1975.[185] Sau ba năm xây dựng, Mái ấm Mai Tâm được Hồng y Mẫn khánh thành vào tháng 2 năm 2010, tiếp nối những hoạt động của ông để hỗ trợ các người bệnh HIV/AIDS từ năm 2004.[186]

Ngày 11 tháng 3 năm 2010, tại trụ sở Nguyệt San Diễn Đàn Giáo Dân tại thành phố Westminter, Quận Cam, California đã diễn ra một cuộc họp của đại diện tổ chức "Phong trào Giáo dân" và "Diễn đàn Giáo dân" và đại diện một số tổ chức và cá nhân khác nhằm mục đích phản đối việc Hồng y Phạm Minh Mẫn được mời chủ lễ Lòng Thương Xót Chúa trong khuôn viên Đại học Cal State Long Beach. Trước đó, một cá nhân đã gửi thông tin đến Văn phòng Tòa Tổng giám mục để thông báo rằng sự hiện diện của Hồng y sẽ bị phản kháng. Ông Trần Văn Cảo, đại diện Diễn đàn Giáo dân cho biết sau sự việc bị tẩy chay trong Đại hội Giới Trẻ Thế giới (năm 2008), hồng y Mẩn đã vì các nhà thờ vùng [California] không chấp nhận đến cử hành lễ cũng như bị dòng Đồng Công hủy bỏ lời mời chủ sự Đại Hội Thánh Mẫu Missouri. Cuộc họp này cũng chính thức thiết lập Ủy Ban Phản Kháng Sự Hiện Diện của Hồng Y Phạm Minh Mẩn Trong Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản. Nội dung cuộc họp, các thành viên đồng ý liên lạc trước với Tổng giáo phận Los Angeles và sẽ tổ chức họp lần thứ hai vào ngày 18 tháng 3 cùng năm.[187] Một thông báo được công bố bởi ban tổ chức "Đại Hội Lòng Chúa Thương Xót" được công bố trong hai ngày 22 và 23 tháng 3 trên nhiều phương tiện truyền thông, vị trí chủ sự thuộc về giám mục Solis A. Osca, Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Los Angeles. Thông báo của "Ủy ban Phản kháng" đề ngày 27 tháng 3 loan tin trên và cho rằng sự xuất hiện của Hồng y Mẫn đã được hủy bỏ, do đó cũng thông báo hủy cuộc biểu tình dự kiến được tổ chức.[188]

Trên Internet xuất hiện lời kêu gọi biểu tình chống đối khi Hồng y Phạm Minh Mẫn đến California trong buổi sáng ngày 11 tháng 4 tại Đại học Cal State Long Beach.[189] Ngày 9 tháng 4 cùng năm, một lá thư được gửi đến Hồng y Mẫn, Tổng giáo phận Los Angeles, và một số tổ chức nhằm mục đích phản đối việc Hồng y Phạm Minh Mẫn đến tham dự Đại hội Lòng Thương Xót Chúa tại Đại học Cal State Long Beach. Nội dung thư nhắc đến lá thư tháng 6 của Hồng y Mẫn, cũng như cuộc trả lời phỏng vấn với Catholic Agency cũng vào tháng 6 năm 2008 của Hồng y. Theo Uỷ Ban Phản Kháng Sự Hiện Diện của Hồng Y Phạm Minh Mẫn Trong Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn Cộng Sản, lá thư công khai này là kết quả của những cuộc tiếp xúc riêng không thành công với cá nhân vị hồng y để vận động ông không đến Hoa Kỳ.[146] Hồng y Phạm Minh Mẫn "làm lễ" tại Đại hội, và phía ngoài, theo tờ Việt Báo, "nhiều người" gốc Việt đã cầm lá cờ vàng [Việt Nam Cộng hòa] để biểu tình, trong khi phía trong không có lá cờ nào.[190] Theo trang "Sai Gon Echo", có rất ít người tham gia biểu tình: thư kêu gọi không được truyền thông rộng rãi, không có thông tin chính xác rằng Hồng y vẫn thực hiện chuyến thăm, và có những người tuy không đồng ý việc Hồng y đến thăm nhưng cũng không phản đối.[191]

Ngày 13 tháng 5 năm 2010, Tòa Thánh chấp thuận đơn từ nhiệm Tổng giám mục Hà Nội của Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt.[192] Sáng ngày 22 tháng 5 năm 2010, phái đoàn Tòa tổng Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh do Phạm Minh Mẫn dẫn đầu đến thăm và chúc mừng Đại lễ Phật đản 2554. Đón tiếp đoàn có Hoà Thượng Thích Trí Quảng – Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh cùng các chư tôn. Nhân dịp này, Hồng y Mẫn trao thư chung của Tòa Thánh Vatican gửi các tôn giáo trên thế giới nói lên vấn đề đang được quan tâm, đó là sự biến đổi khí hậu và môi trường sống.[193] Hồng y Mẫn đến Rôma vào ngày 31 tháng 5 để gặp Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh Dominique Mamberti và Bộ trưởng Bộ Truyền giáo Ivan Dias.[194] Các cuộc gặp này có chủ đề chính là tình hình giáo hội tại Việt Nam sau sự việc thay Tổng giám mục Hà Nội. Hồng y Mẫn cho biết Bộ Ngoại giao Vatican đã xác nhận với Nhà nước Việt Nam rằng Tòa Thánh nhận đơn từ nhiệm của Tổng giám mục Kiệt vì tôn trọng ý nguyện của ông.[195]

Cuối tháng 6 năm 2010, Tòa Thánh công bố bổ nhiệm một Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam. Trả lời báo BBC Tiếng Việt, linh mục Huỳnh Công Minh, trợ tá Hồng y Phạm Minh Mẫn khẳng định rằng cho đến sáng ngày 29 tháng 6, Hồng y Mẫn hoàn toàn không biết về quyết định này từ Tòa Thánh.[196] Trả lời trang Catholic Culture, linh mục Minh tiếp tục khẳng định rằng Hồng y Mẫn vẫn không biết gì về vụ việc, trong buổi gặp mặt linh mục Minh vào sáng ngày 2 tháng 7.[197] Hồng y Mẫn đã tham gia và có phát biểu tại hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình.[198]

Giai đoạn 2011–2012[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2011, Liên Hội đồng Giám mục Á Châu trao quyền tổ chức Phiên họp Khoáng Đại lần thứ 10 cho Việt Nam. Hồng y Phạm Minh Mẫn công bố tin này cho trang tin tức Union of Catholic Asian News (UCAN). Ông cũng cho biết ban tổ chức cần đệ trình danh sách tham dự viên để xin chiếu khán cho các thành viên này. Cũng theo thông tin trên, phiên họp này dự kiến tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 11 năm 2012.[199][gc 31] Hồng y Ivan Dias, Đặc sứ Lễ bế mạc Năm Thánh đã chủ tế, và Hồng y Mẫn đồng tế lễ Bế mạc Năm Thánh 350 năm thành lập hai địa phận Tông Tòa đầu tiên vào ngày 4 đến ngày 6 tháng 1 năm 2011 tại Thánh địa La Vang, Quảng Trị.[201][202] Giữa tháng 1 năm 2011, Hồng y Phạm Minh Mẫn đã tham dự lễ cung nghinh xương thánh Gioan Bosco tại nhà thờ Xuân Hiệp, Thủ Đức. Tham dự còn có hai giám mục Giuse Hoàng Văn TiệmPhêrô Nguyễn Văn Đệ.[203][204] Tháng 3 năm 2011, Hồng y Mẫn kêu gọi giáo dân đóng góp sửa chữa Trung tâm Công giáo sau khi kỳ họp Hội đồng Giám mục vào năm 2010 đã thống nhất dùng địa điểm này làm Trụ sở Hội đồng Giám mục Việt Nam.[205]

Nhân dịp Việt Nam lần đầu được chọn là nơi tổ chức Đại hội Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, Hồng y Mẫn đã trả lời phỏng vấn trang tin Fides của Bộ Truyền giáo Tòa Thánh. Ngoài việc nói về những chuẩn bị của Giáo hội cho sự kiện trên, Hồng y Mẫn cũng chia sẻ về việc bổ nhiệm Đại diện Tòa Thánh, Hồng y Mẫn bày tỏ hy vọng của cá nhân ông rằng Tòa Thánh sẻ tỏ hiện được chân lý và tình yêu của Chúa Kitô, qua cộng tác và đối thoại các kiên trì đối với mọi tầng lớp người dân trong xã hội, nhằm vượt thắng các hạn chế, xung đột để tiến đây xây dựng đất nước.[206] Hồng y Mẫn bị công luận quốc tế và quốc nội chỉ trích vì không làm theo Giáo luật Công giáo về trường hợp linh mục, Đại biểu Quốc hội Phan Khắc Từ. Sau khi linh mục Từ tiếp tục được giới thiệu tranh cử Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIII, Hồng y Mẫn cho ông chính thức nghỉ làm linh mục chính xứ Giáo xứ Vườn Xoài vào cuối tháng 4 năm 2011.[207] Đầu tháng 5, Hồng y Mẫn thực hiện chuyến đi Rôma và châu Âu, với hai mục đích: viếng thăm mộ phần Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II và gặp gỡ và cảm ơn những cá nhân đã hỗ trợ mở rộng con đường hiệp thông cho Giáo hội tại Việt Nam. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Hồng y Mẫn đã gặp bốn hồng y Etchegaray, Law, Sepe, và Diaz để cảm ơn [về bước tiến có Đại diện không thường trú Tòa Thánh tại Việt Nam].[208] Cuối tháng 5 năm 2011, Hồng y gửi thư đến Thủ tướng Việt Nam, góp ý về dự thảo sửa đổi lần thứ 5 Nghị định số 22/2005/NĐ-CP của Chính phủ. Cá nhân hồng y cho rằng đây là bước thụt lùi rất lớn so với dự thảo ban đầu, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Bức thư được Hồng y Mẫn công bố vào ngày 20 tháng 5 sau khi đã họp đại diện các giáo phận thuộc Giáo tỉnh Sài Gòn vào ngày 13 tháng 5.[209][208]

Ngày 27 tháng 10 năm 2011, Hồng y Phạm Minh Mẫn ký thông báo về việc tổ chức Công nghị Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Ông đóng vai trò Trưởng ban Tổ chức trong Công nghị này, theo thông báo.[210] Lễ khai mạc Công nghị diễn ra vào chiều ngày 20 tháng 11,[211][212] và bế mạc vào ngày 26 tháng 11 cùng năm.[213] Sau Công nghị, Hồng y Mẫn đã nhận lời phỏng vấn với Alessandro Speciale, là phóng viên thuộc về Religion News ServiceUcan Agency. Nói về tình trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam, Hồng y Phạm Minh Mẫn cho biết hệ thống quy định kiểm soát chặt chẽ, nhưng so với thời gian 1975, tự do tôn giáo có đổi mới và mở rộng hơn, tuy cũng phụ thuộc vào từng địa phương. Một trong những hạn chế mà hồng y nêu ra là các tổ chức tôn giáo không được phép xây dựng bệnh viện và trường học. Trả lời câu hỏi về việc một số người lên án các giám mục ứng phó quá mềm dẻo với chính quyền, Hồng y Mẫn cho rằng nguyên nhân là do họ không nhận thấy các giám mục không lên tiếng các vấn đề trong xã hội và nhận định đa số người Công giáo [Việt Nam] không chia sẻ quan điểm này.[214]

Ngày 1 tháng 1 năm 2012, cùng với việc loan tin phái đoàn đến thu thập chứng cứ cho quá trình tôn phong cho cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận sẽ đến Việt Nam, và kêu gọi giáo dân Công giáo tham gia làm nhân chứng cho quá trình này.[215] Cuối tháng 3 năm 2012, một phái đoàn từ Rôma đến Việt Nam nhằm thu thập chứng cứ đã bị hủy visa. Hồng y Peter Turkson, trưởng đoàn đã gửi thông tin chi tiết đến cho Hồng y Mẫn qua một thư đề ngày 17 tháng 3 năm 2012. Chính phủ Việt Nam bác bỏ nhận được thông tin về một phái đoàn từ Vatican đến Việt Nam. Một nguồn tin chia sẻ với AP rằng phái đoàn ban đầu dự định nhập cảnh Việt Nam bằng visa du lịch.[216] Hồng y Phạm Minh Mẫn đã nhận lời chụp ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á và trở thành một trong số 300 nhân vật được nhiếp ảnh gia này đưa vào triển lãm Tâm và tài: Họ là ai? vào tháng 5 năm 2012 tại Nhà Văn hóa Thanh Niên, Thành phố Hồ Chí Minh.[217][218]

Phái đoàn chức sắc, chức việc và tín đồ thuộc Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh chính thống do Thừa Sử Lê Quang Tấn dẫn đầu đến Tòa Tổng giám mục Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh để viếng an và chúc mừng ngày Lễ bổn mạng của Hồng y Phạm Minh Mẫn vào ngày 23 tháng 6 năm 2012.[gc 32][219][gc 33]

Đại hội Hội đồng Giám mục Á Châu đã diễn ra vào tháng 12 năm 2012[gc 34] với nhiều ý kiến đánh giá là thành công và suôn sẻ. Trong cuộc phỏng vấn với Union of Catholic Asian News (UCAN), Hồng y Mẫn cho biết công tác chuẩn bị bị nhà nước can thiệp và gặp nhiều khó khăn, ví dụ thư mời từ các giám mục Việt Nam cũng như danh sách các tham dự viên trước khi cấp thị thực.[222] Tháng 12 năm 2012, Hồng y Mẫn từ chối lời mời tham dự lễ ban hanh Pháp lệnh Tôn giáo mới, vì ông bận rộn với nhiều lễ trong đêm Giáng sinh (24 tháng 12) và vì sự xuất hiện của giáo sĩ trong buổi lễ là không cần thiết.[223]

Giai đoạn 2013–2014[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 13 tháng 1 năm 2011, Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Tân Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam đã gửi thư đến Hồng y Mẫn.[224] Cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm 2013, đại diện tổ chức Ân xá Quốc tế có chuyến thăm chính thức ở Việt Nam lần đầu tiên sau năm 1975. Ông Frank Jannuzi, lãnh đạo văn phòng của tổ chức này tại Washington D.C cũng đã có cuộc gặp với Hồng y Phạm Minh Mẫn.[225][226] Sau khi Giáo hoàng Biển Đức XVI từ chức, Hồng y Phạm Minh Mẫn viết thư vào cuối tháng 2 năm 2013 để kêu gọi các giáo phận và các giáo xứ tại Việt Nam cầu nguyện cho nguyên giáo hoàng và cho giáo hoàng tương lai.[227]

Hồng y Phạm Minh Mẫn tham dự Mật nghị Hồng y 2013 của Giáo hội Công giáo Rôma để bầu Giáo hoàng mới vào tháng 3 năm 2013, sau khi Giáo hoàng Biển Đức XVI từ chức. Nguồn tin từ Tòa Tổng giám mục Tổng giáo phận cho biết Hồng y đến tham dự Mật nghị vào ngày 6 và sẽ lưu lại Rôma đến ngày 21 tháng 3 cùng năm, tuy chỉ tham dự mật nghị mà không tham gia bất kỳ hoạt động nào khác.[228] Trong lần tổ chức mật nghị này, ông là vị Hồng y đến tham dự cuối cùng.[229][230] Theo Hồng y Mẫn và New York Times, Hồng y người Việt Nam không phải là hồng y đến cuối cùng, nhưng là vị dưới 80 tuổi (hồng y cử tri) đến cuối cùng.[231][232] Ông cũng là một trong hai hồng y cuối cùng tuyên thệ giữ bí mật Mật nghị.[231] Sau khi Hồng y Mẫn đến Rôma (khoảng trưa ngày 7 tháng 3),[233] các hồng y tiến hành bỏ phiếu chọn ngày khai mạc Mật nghị một ngày sau đó.[234] Nhận xét về việc từ chức của Giáo hoàng, Phạm Minh Mẫn nhận định: "Việc từ chức của Đức giáo hoàng gây chấn động cả thế giới, và tôi cảm thấy dư chấn kéo dài liên tục trong hơn 10 ngày qua khắp các nơi mà tôi đến thăm Tết, trong Thành phố cũng như khắp đồng bằng sông Cửu Long. Chấn động và những dư chấn đó đánh thức đời sống đức tin, làm cho ánh sáng của hồng ân đức tin lan tỏa trong xã hội hôm nay".[235] Tại Hội nghị trước Mật nghị Hồng y, Hồng y Phạm Minh Mẫn được mời phát biểu ba lần.[236] Hồng y Phạm Minh Mẫn là vị Hồng y thứ hai của Việt Nam được tham dự Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng hai lần (vào các năm 2005 và 2013), sau Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê.[237][238] Mật nghị đã bầu chọn tân Giáo hoàng Phanxicô. Cá nhân Hồng y Mẫn đã có hai cuộc gặp với tân giáo hoàng.[239] Trong cuộc gặp thứ hai, giáo hoàng đã hôn lại nhẫn hồng y Mẫn.[231]

Hồng y Mẫn đã trả lời phỏng vấn với Union of Catholic Asian News (UCAN) vào tháng 6 năm 2013, và qua đó cho biết rằng chính sách tôn giáo của Chính phủ khiến "người dân bị đe dọa, nghi ngờ và bất mãn". Ông cũng nêu quan điểm cá nhân rằng chính phủ tuy công bố các chính sách nhằm đảm bảo trị an xã hội, nhưng ông đánh giá rằng họ chỉ đang "cai trị đất nước bằng bản năng tự vệ".[222] Vào ngày 23 tháng 6 năm 2013, Phạm Minh Mẫn cảm thấy hai chân không còn lực để đi đứng nên quyết định nhập viện để tiến hành kiểm tra tìm nguyên nhân. Nghĩ rằng hồng y có thể bị tai biến mạch não, các bác sĩ đã cho chụp hình não, siêu âm tim mạch và một số bộ phận khác, nhưng không tìm ra được nguyên do bệnh tình. Chính vì vậy, tháng 8 cùng năm, hồng y Phạm Minh Mẫn được chuyển đến Singapore khám bệnh và tại đây, ông đã phát hiện mình mắc bệnh thoát vị đĩa đệm giữa hai đốt xương sống L4 và L5. Hồng y Tổng giám mục Thành phố đã được phẫu thuật nội soi trong vòng ba giờ đồng hồ để sắp lại các đĩa đệm vào ngày 13 tháng 8. Mười ngày sau cuộc phẫu thuật, Hồng y Mẫn trở về Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.[240]

Ngày 9 tháng 9, phái đoàn lãnh sự Mỹ ở Thành phố Hồ Chí Minh – gồm bà Tân lãnh sự Rena Bitter, bà Trợ tá lãnh sự Nguyễn Thị Tường Nhi và nhân viên đặc trách Việt Nam vụ Eric A. Jordan – đã đến thăm Hồng y Phạm Minh Mẫn tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận. Tiếp đón phái đoàn lãnh sự Mỹ, ngoài hồng y Mẫn còn có linh mục chánh văn phòng tòa giám mục Hồ Văn Xuân, linh mục Louis Nguyễn Anh Tuấn và linh mục Nguyễn Duy. Bà Tân lãnh sự Mỹ thăm hỏi sức khỏe hồng y Mẫn và tìm hiểu những đóng góp của hồng y đối với giáo hội cũng như đất nước Việt Nam.[241]

Ngày 28 tháng 9 năm 2013, Tòa thánh tuyên bố bổ nhiệm Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám mục chính tòa Giáo phận Mỹ Tho, làm Tổng giám mục phó Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, có quyền kế vị Hồng y Phạm Minh Mẫn tại Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.[242][243] Hồng y Mẫn nhân dịp này ra thông báo về việc sẽ cử phái đoàn đến thăm Tân Tổng giám mục Phó.[244] Ngày 19 tháng 10, Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh đã cử hành lễ Bế mạc Năm Đức Tin, do tân tổng giám mục phó chủ tế. Tổng giám mục Đại diện không thường trú của Tòa Thánh Leopoldo Girelli đồng tế cùng với 3 giám mục Việt Nam khác. Buổi lễ này nhằm chính thức giới thiệu tân tổng giám mục phó, cũng là dịp kỷ niệm 10 năm nhận tước vị hồng y của Hồng y Phạm Minh Mẫn, còn là một buổi lễ chính thức nhằm giới thiệu tân tổng giám mục phó Bùi Văn Đọc đến giáo dân tổng giáo phận.[245][246] Tham gia vào triển lãm Con người và tôn giáo tổ chức tại Nhà truyền thống Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, Hồng y Phạm Minh Mẫn đã cho trưng bày các bức tượng Mẹ Maria đến từ các quốc gia và khu vực trên thế giới. Các bức tượng này ngoài lý do sưu tập, cũng là kỷ vật của cá nhân ông.[247]

Vào ngày 11 tháng 12 năm 2013, một phái đoàn ngoại giao Canada gồm Đại sứ David Devine, Tổng lãnh sự Canada tại Thành phố Hồ Chí Minh Wayne Robson và tùy viên thư ký đã đến thăm Hồng y Phạm Minh Mẫn tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận. Cùng tiếp phái đoàn với hồng y Mẫn có linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân. Hai bên chúc nhau những lời chúc tốt đẹp cho ngày lễ Giáng Sinh và năm mới.[248]

Trong vụ việc tranh chấp đất đai thuộc Giáo xứ Thủ Thiêm và một tòa nhà được sử dụng bởi một nhóm các nữ tu Dòng Thánh Tâm vào đầu năm 2014, chính quyền địa phương được cho rằng đã lợi dụng tình trạng bệnh tật của Hồng y Phạm Minh Mẫn để yêu cầu thương lượng mua lại khu đất với giá rẻ, đi kèm với việc chấp thuận cho giáo xứ hoạt động.[249] Ngày 5 tháng 3 năm 2014, Phạm Minh Mẫn tròn 80 tuổi, mất quyền tham dự Mật nghị Hồng y.[6]

Hưu dưỡng[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 22 tháng 3 năm 2014, Tòa Thánh loan báo Giáo hoàng Phanxicô đã chấp thuận đơn từ nhiệm chức Tổng giám mục Tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh của Hồng y Phạm Minh Mẫn theo Giáo luật 401.[250] Tổng giám mục phó Phaolô Bùi Văn Đọc đương nhiên lên kế nhiệm.[251][252] Hồng y Mẫn đã gửi thư từ nhiệm từ lâu, nhưng đến thời điểm này, Giáo hoàng mới chấp thuận cho ông hồi hưu.[253] Hồng y Mẫn chính thức nghỉ hưu kể từ thời điểm này.[254] Sáng ngày 24 tháng 4 năm 2014, Tân Tổng giám mục Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh Phaolô Bùi Văn Đọc chủ sự lễ nhận chức vụ, trong lễ có các nghi thức chuyển giao ngai tòa, chức vị Tổng giám mục cho tân Tổng giám mục chính tòa Phaolô Đọc từ người tiền nhiệm là Hồng y Phạm Minh Mẫn; cùng đồng tế có các giám mục từ 26 giáo phận tại Việt Nam và đông đảo các linh mục.[255][256]

Sau khi hồi hưu, hồng y Phạm Minh Mẫn quay về thăm các vùng ông đã từng quản nhiệm, không những ở Thành phố Hồ Chí Minh mà còn ở các xứ đạo nhỏ ở Giáo phận Cần Thơ, nơi bản thân ông nảy sinh ý định tu trì. Ông cũng dành thời gian đến thăm các dòng tu, những người bạn cũ, học trò cũ, những giáo hữu,... Tại Tổng giáo phận, Hồng y Mẫn nhiều lần đến thăm các giáo xứ vùng ven mà không báo trước, cũng như tham gia các buổi lễ quan trọng của các cộng đoàn. Việc nghỉ ngơi của ông tại Trung tâm mục vụ Sài Gòn được hỗ trợ bởi các nam tu sĩ dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc.[257]

Trong thời gian nghỉ hưu, một ngày của Hồng y Phạm Minh Mẫn bắt đầu bằng giờ kinh và 5 giờ 30 hằng ngày cử hành lễ với tham dự viên chỉ hai người, ông với tu sĩ Romualdo Maria Trần Xuân Điệp. Tuy vậy, hồng y Mẫn vẫn tiến hành giảng lễ. Sau khi ăn trưa, hồng y Mẫn dành thời gian đọc sách đến 2 giờ chiều. Nhằm mục đích giữ gìn sức khỏe, Phạm Minh Mẫn dành thời gian chiều đi dạo quanh sân Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận. Trong một số ít buổi tối, hồng y Mẫn quyết định ghé thăm mục vụ các giáo xứ thuộc Tổng giáo phận. Về vấn đề ăn uống, ông dùng bữa cùng các linh mục giáo sư nội trú ở Trung tâm Mục Vụ. Nói về vấn đề kỉ luật, về việc đúng giờ, phụ tá Hồng y Mẫn cho rằng vị hồng y chưa bao giờ trễ giờ khi có việc. Ngày Chúa nhật, Hồng y Phạm Minh Mẫn cử hành lễ cho một số giáo dân, trong đó có nhóm doanh nhân Công giáo được ông thiết lập thời làm Tổng giám mục.[63][257]

Tuy đã hồi hưu, Hồng y Phạm Minh Mẫn vẫn nhiều dịp được các quan chức lãnh đạo trung ương và địa phương dẫn đoàn đến thăm nhân các dịp lễ Tết: phái đoàn dẫn đầu bởi ông Trương Hòa Bình (Phó Thủ tướng; Giáng sinh 2016),[258] ông Tất Thành Cang (Phó Bí thư Thường trực; Giáng sinh 2016),[259]Nguyễn Thị Kim Ngân (chủ tịch Quốc hội; Giáng sinh 2018),[260][261] Nguyễn Thành Phong (Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố; Giáng sinh 2018),[262]Trương Thị Mai (Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Giáng sinh 2020),[263][264] ông Trần Thanh Mẫn (Phó Chủ tịch Quốc hội; Giáng sinh 2021),[265][266] ông Trần Lưu Quang (Phó Thủ tướng; Giáng sinh 2023),[267] ông Phan Văn Mãi (Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Giáng sinh 2023),[268]...


Mục vụ giai đoạn hưu dưỡng

Lễ mừng Kim khánh Linh mục cho Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn diễn ra tại Nhà thờ chính tòa Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 25 tháng 5 năm 2015 do chính ông chủ tế, đồng tế với ông có 12 giám mục và đông đảo linh mục thuộc nhiều giáo phận.[269] Hồng y Mẫn đã chủ sự lễ giỗ đầu tiên cho chồng ca sĩ Khánh Ly vào ngày 7 tháng 1 năm 2016 tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận. Đây chính là mong ước của người quá cố.[270]

Ông đã tham dự Tuần Cầu Nguyện cho các Kitô hữu hợp nhất vào cuối tháng 1 năm 2017. Bối cảnh tuần cầu nguyện tổ chức tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận là dịp kỷ niệm 500 năm phong trào Kháng Cách. Sáu giáo phái [Kitô giáo] đã tham dự sự kiện này.[271] Tháng 6 năm 2017, Phủ Quốc vụ khanh đã gửi thư mừng ngày bổn mạng của Hồng y Phạm Minh Mẫn nhân ngày lễ thánh Bổn mạng Gioan Baotixita. Bức thư từ Phủ này nhằm chuyển các lời chúc mừng từ Giáo hoàng Phanxicô, Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin và Trợ tá Phủ Quốc vụ khanh Angelo Becciu.[272] Ngày 11 tháng 8 năm 2018, Hồng y Phạm Minh Mẫn cử hành lễ kỷ niệm 25 năm giám mục của mình tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn, với đông đảo các giám mục phía Nam và các linh mục, cùng đông đảo giáo dân tham dự.[26] Hồng y Mẫn đã có bài phát biểu sau lễ Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội lần 53 vào tháng 6 năm 2019.[273]

Tháng 11 năm 2020, Hồng y Mẫn tham dự buổi gây quỹ hỗ trợ người nghèo của giới Doanh Nhân Công giáo.[274] Hồng y Mẫn cũng đã có bài phát biểu huấn từ trong khuôn khổ Khóa học Phục vụ VII của tổ chức Huynh trưởng Nghĩa sinh tổ chức tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận vào đầu tháng 1 năm 2020.[275]Cùng với tên các Tổng giám mục từng quản lý Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh (trước đây là Tổng giáo phận Sài Gòn), tên của Hồng y Phạm Minh Mẫn đã được khắc lên một quả chuông trong bộ chuông mới của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Bộ chuông mới được khánh thành vào cuối tháng 12 năm 2022.[276] Tháng 9 năm 2023, nhân dịp đến thăm và chức mừng Hội nghị Thường niên lần II năm 2023 tổ chức tại Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, ông Vũ Hoài Bắc, ông Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ đã đến thăm và chức mừng Hồng y Mẫn nhân dịp kỷ niệm 20 năm hồng y và 30 năm chức giám mục.[277]

Đóng góp và ghi nhận[sửa | sửa mã nguồn]

Hồng y Phạm Minh Mẫn từng giữ chức Giám đốc Đại chủng viện Cần Thơ từ 1970 đến 1993, góp phần đào tạo 117 linh mục thuộc ba giáo phận: Cần Thơ, Long Xuyên và Vĩnh Long. Trong thời kỳ đảm nhận chức vị Tổng giám mục Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, ông yêu cầu các linh mục liên kết với hội đồng giáo xứ, hỗ trợ các gia đình tăng tình liên kết, hỗ trợ lẫn nhau; ông tạo sự liên kết giữa 100 doanh nhân (Công giáo) nhằm tạo các học bổng cho các sinh viên khó khăn.[29] Tổng cộng, trong suốt thời gian làm giám mục, Phạm Minh Mẫn đã truyền chức cho 300 linh mục. Trong thời gian làm Tổng giám mục, ông là giám mục tái thiết các hoạt động các đoàn hội giáo dân tại Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.[26] Theo số liệu do chính ông công bố vào năm 2016, số linh mục được ông truyền chức vào khoảng 350 người.[278] Ông được ghi nhận là người khai sinh Ban Truyền thông của Tổng giáo phận Thành phố.[279] Ông cũng đã dịch thuật ba quyển sách và lưu ý chúng có ảnh hưởng đối với cá nhân ông: Tự thuật của thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu (Autobiography of St Teresa of Enfant Jesus; dịch vào thập niên 1960), Sau 2000 năm (After 2000 Years; tác giả Claude Robert; dịch năm 1976), và Học thuyết siêu vời (The supreme doctrine; tác giả Tiến sĩ Hubert Benoit, dịch năm 1986).[11]

Trong giai đoạn làm Tổng giám mục Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, Hồng y Phạm Minh Mẫn cho biết ông chủ yếu tổ chức giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân thành các đoàn thể Công giáo. Tổng cộng, nhiều ban mục vụ cũng như một số tổ chức đã được thiết lập: 11 ban mục vụ (5 ban đối nhân và 6 ban đối việc) , 6 đoàn thể Tông đồ Giáo dân, 4 Hiệp hội Tông đồ Giáo dân và 4 giới Công giáo. Về phía các linh mục thì có Hội đồng Linh mục, Hội đồng Mục vụ Giáo phận,...[280] Ông là tác giả của Kinh Truyền giáo,[281] cũng như cũng có một bản dịch kinh kính mừng thánh Giuse.[282]

Về tình hình lây lan HIV/AIDS tại Việt Nam, Hồng y Phạm Minh Mẫn đã quan tâm và cử 10 tu sĩ để hưởng ứng lời kêu gọi của Thành phố Hồ Chí Minh đến hỗ trợ cho các bệnh nhân HIV/AIDS. Tòa Tổng giám mục tổ chức văn phòng Mục vụ HIV/AIDS, trong khi cá nhân Hồng y Mẫn kêu gọi các giáo xứ kiểm kê số lượng bệnh nhân HIV (nhưng không thành công), cũng như kêu gọi tránh kỳ thị bệnh nhân HIV/AIDS và cung cấp kiến thức cho các linh mục về bệnh này. Hồng y Mẫn cũng đã mời linh mục Robert J Vitillo thuyết trình về đề tài dịch bệnh này tại Trung tâm Công giáo vào trung tuần tháng 11 năm 2006, cũng như có ý định tổ chức một trung tâm chăm sóc các bệnh nhân HIV/AIDS.[283]

Một hội trường có sức chứa 1.000 người được đặt theo tên Hồng y Phạm Minh Mẫn tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.[284][285]

Nhận định[sửa | sửa mã nguồn]

Mừng lễ Kim khánh Linh mục của ông, Giáo hoàng Phanxicô nhận xét về Hồng y Tổng giám mục Phạm Minh Mẫn:

Trong bài giảng lễ kỷ niệm 25 năm Giám mục của Hồng y Mẫn, Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm có đề cập:[26]

Linh mục Carôlô Hồ Bặc Xái, Tổng Đại diện Giáo phận Cần Thơ, từng là học trò của Hồng y Phạm Minh Mẫn nhận định:[257]

Tông truyền[sửa | sửa mã nguồn]

Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn được tấn phong năm 1993, thời Giáo hoàng Gioan Phaolô II, bởi:[19]

Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn là giám mục chủ phong cho các giám mục:[19]

Trong thời gian làm giám mục, ông đã truyền chức cho cả thảy ba giám mục, đều với tư cách chủ phong. Sau đây là sơ đồ tính tông truyền có liên quan đến Hồng y Mẫn:[19]

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tóm tắt chức vụ[sửa | sửa mã nguồn]

Danh hiệu Công giáo
Tiền nhiệm:
Tiên khởi
Giám đốc
Đại chủng viện Thánh Quý

1988–1993[286]
Kế nhiệm:
Đa Minh Nguyễn Thành Tính
Tiền nhiệm:
Anrê Nguyễn Văn Nam
Giám mục phó Giáo phận Mỹ Tho
1993–1998[287]
Kế nhiệm:
khuyết vị
Tiền nhiệm:
Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng
Giáo tỉnh Hà Nội
Phêrô Trần Thanh Chung
Giáo tỉnh Huế
Emmanuel Lê Phong Thuận
Giáo tỉnh Sài Gòn
Phó Tổng Thư ký
Hội đồng Giám mục Việt Nam
Phaolô Lê Đắc Trọng
Giáo tỉnh Hà Nội
Phêrô Trần Thanh Chung
Giáo tỉnh Huế
Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
Giáo tỉnh Sài Gòn

1995–1998
Kế nhiệm:
Phaolô Lê Đắc Trọng
Giáo tỉnh Hà Nội
Phêrô Nguyễn Văn Nho
Giáo tỉnh Huế
Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
Giáo tỉnh Sài Gòn
Tiền nhiệm:
Phaolô Nguyễn Văn Bình
Tổng giám mục đô thành
Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh

1998–2014
Kế nhiệm:
Phaolô Bùi Văn Đọc
Tiền nhiệm:
Emmanuel Lê Phong Thuận
Chủ tịch Ủy ban Phụng tự
Hội đồng Giám mục Việt Nam

1998–2004
Kế nhiệm:
Phêrô Trần Đình Tứ
Tiền nhiệm:
Nicôla Huỳnh Văn Nghi
Phaolô Nguyễn Văn Hòa
Phó chủ tịch
Hội đồng Giám mục Việt Nam

2001–2007
Kế nhiệm:
Giuse Nguyễn Chí Linh
Tiền nhiệm:
Tiên khởi[288]
Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Di dân
Hội đồng Giám mục Việt Nam

2007–2013
Kế nhiệm:
Giuse Nguyễn Chí Linh
Tiền nhiệm:
Tiên khởi
Hồng y Hiệu tòa Nhà thờ San Giustino
2003–nay
Kế nhiệm:
Đương nhiệm

Ghi chú[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Từ năm 2019 là Giáo xứ.[5]
  2. ^ Nguồn ghi chú là "Giáo phận" Cần Thơ, trong khi thực tế việc nâng cấp thành giáo phận chỉ diễn ra vào năm 1960. Nguồn này đã có thể dựa theo cách gọi cũ là "Giáo phận Tông Tòa", mà nay đồng nghĩa với Địa phận hoặc tên chính thức là Hạt Đại diện Tông Tòa.
  3. ^ Một chức danh trong Hội đồng mục vụ giáo xứ (Ban Quới chức), là người đứng đầu một địa sở, một sở biện.[9][10]
  4. ^ Ông nội Phạm Minh Mẫn đã là người hỗ trợ linh mục Diệp xây dựng nhà thờ mới.[11]
  5. ^ Theo Kỷ yếu Giáo phận Cần Thơ, ông Sáu Hào là người cho tiến hành đào con kênh này.[12]
  6. ^ Con của anh bà nội Hồng y Phạm Minh Mẫn.[14]
  7. ^ Trên thực tế, cậu bé Mẫn đã được thân mẫu đánh thức từ lúc 4 giờ sáng ngày hôm sau và đi một mình trên cung đường tối để đến giúp lễ cho linh mục Diệp, chỉ một ngày sau khi linh mục này ngỏ ý mong cậu nhận làm giúp lễ cho mình.[11]
  8. ^ Theo linh mục Trần Thế Tuyên, cáo thỉnh viên phong thánh cho linh mục Trương Bửu Diệp thì Phạm Minh Mẫn đã gặp linh mục Diệp ba lần.[17]
  9. ^ Theo thông tin Hồng y Mẫn cung cấp năm 2017, ông bắt đầu học chủng viện tại Sài Gòn vào năm 1955.[18]
  10. ^ Nguồn phỏng vấn năm 2009, Hồng y Mẫn cho rằng sự việc này xảy ra năm 1957.[11]
  11. ^ Vẫn thường được gọi với tên khác là Đại chủng viện Cái Răng.
    Chủng viện thời gian này gặp rất nhiều khó khăn do thiếu Giáo sư tham gia giảng dạy.[23] Có hai linh mục Phó Giám đốc đại diện cho Long Xuyên (linh mục Phêrô Lê Văn Kim) và Vĩnh Long (linh mục Phêrô Dương Văn Thạnh, sau là Giám quản Vĩnh Long, 2013-2015).[22][24]
  12. ^ Tiền thân của chủng viện này là Tiểu chủng viện Á Thánh Quý, và việc nâng cấp thành Đại chủng viện Liên giáo phận đã được hội ý cùng với hai giáo phận Long Xuyên và Vĩnh Long. Chủng viện đã khai giảng vào ngày 27 tháng 12 năm 1988.[22]
  13. ^ Trong khoảng thời gian cử đi giúp các xứ đạo khoảng một năm, các chủng sinh được khuyến khích tham gia hoặc có thể chủ động khai mở, vận động tổ chức các chương trình hỗ trợ người nghèo, đặc biệt là trẻ em của các gia đình khó khăn và người lớn tuổi không nơi nương tựa.[15]
  14. ^ Phạm Minh Mẫn cũng đề xuất cải tổ dự luật đất đai theo các quy định của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1956.
  15. ^ Vào lúc này, đã là Hồng y.
  16. ^ Nguồn Truyền giáo Việt Nam tại Á Châu có lỗi typo từ 15 tháng 5 thành 15 tháng 3, dựa trên nguồn Giáo phận Cần Thơ.
  17. ^ Trong chuyến đi Ad Limina năm 1996, có 14 giám mục Việt Nam đã đến Rôma.[31]
  18. ^ Ông là một linh mục có ảnh hưởng trong cộng đồng Công giáo Việt Nam tại hải ngoại, và có những bài viết chỉ trích chính quyền Việt Nam[36] cũng như các thực trạng trong Giáo hội Công giáo Việt Nam.
  19. ^ Danh sách gồm có thêm 4 vị khác là Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt (Giáo phận Lạng Sơn và Cao Bằng, Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc (Giáo phận Mỹ Tho), Giám mục Phêrô Nguyễn Soạn (Giáo phận Quy Nhơn) và Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa (Giáo phận Nha Trang).[49]
  20. ^ Cả hai nhiệm kỳ, Tổng giám mục (Hồng y) Phạm Minh Mẫn đều là Phó Chủ tịch dưới thời Chủ tịch Hội đồng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa.[65]
  21. ^ Tiểu chủng viện này, vào năm 2004 đã được bàn giao lại cho Tổng giáo phận để làm Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn.
  22. ^ Theo văn cảnh của nguồn tin, ngày "Thứ ba" trước ngày phát hành bản tin là ngày 9 tháng 12. Nguồn gián tiếp, ảnh từ Reuters xác minh buổi lễ diễn ra ngày 9 tháng 12 năm 2003.[88]
  23. ^ Hồng y Law đang trong chuyến thăm Việt Nam theo lời mời của tân Hồng y Phạm Minh Mẫn.[90]
  24. ^ Cuộc Mật nghị này sau đó bầu chọn Giáo hoàng Biển Đức XVI.[113]
  25. ^ Nguyên văn bức thư được đăng tải lại trên Việt Báo.[139]
  26. ^ Năm 2016 là Phó Chủ tịch Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Thành phố Hà Nội.[142]
  27. ^ Tờ Việt Báo cho rằng Hồng y Phạm Minh Mẫn, dù có chức và uy tín lớn nhưng đã phải lẩn tránh [trong dịp Đại hội này].[147]
  28. ^ Theo Catholic News Agency, phái đoàn đến gặp ông Thủ tướng để nhắc ông về lời hứa sẽ trả Tòa Khâm Sứ cũ lại cho Tổng giáo phận Hà Nội.[160]
  29. ^ Hai linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội bị chỉ trích là Phêrô Nguyễn Văn Khải và Giuse Lê Quang Uy. Hai linh mục này cũng bị cáo buộc gây hại đến khối Đại đoàn kết Dân tộc và âm mưu lật đổ chính quyền.[168]
  30. ^ Sau gọi là Hội ngộ Liên tôn.[181]
  31. ^ Đây là lần đầu tiên phiên họp được tổ chức tại Việt Nam kể từ khi thành lập Liên Hội đồng Giám mục Á Châu vào năm 1970.[200]
  32. ^ Phái đoàn đến từ các địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Tiền Giang tổng cộng trên 100 người.
  33. ^ Trước đó, nhân dịp Lễ Giáng sinh, ngày 24 tháng 12 năm 2011, ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tới thăm và chúc mừng ông.[220]
  34. ^ Đại hội này, ban đầu được lên kế hoạch vào tháng 11, bị bất ngờ gặp khủng hoảng khi Vatican yêu cầu các hồng y tham dự công nghị thăng các tân hồng y mới vào ngày 24 tháng 11. Việc này làm cuộc họp phải đình hoãn và đã có nguy cơ bị hủy bỏ. Các giám mục tham dự phải thay thế toàn bộ lịch trình, trong khi ban tổ chức FABC và các giám mục Việt Nam tìm các ngày thay thế.[221]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c d e “Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của Hội đồng Giám mục Việt Nam qua 13 kỳ đại hội”. Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 2 năm 2019. Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2019.
  2. ^ a b “ĐTC Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức Tân Hồng y Jean Louis Tauran làm Tổng Quản trị Văn Khố và Thư Viện của Tòa Thánh”. Truyền giáo Việt Nam tại Á Châu. Bản gốc lưu trữ Ngày 26 tháng 2 năm 2019. Truy cập Ngày 26 tháng 2 năm 2019.
  3. ^ a b c “Việt Nam bác bỏ việc Tổng giám mục Phạm Minh Mẫn được bổ nhiệm làm Hồng Y”. Đài Á Châu Tự Do (RFA). Bản gốc lưu trữ Ngày 26 tháng 3 năm 2020. Truy cập Ngày 4 tháng 4 năm 2020.
  4. ^ a b “Cardinal Archbishop Jean Baptiste Minh Man Pham” [Hồng y Tổng giám mục Gioan Baotixita Minh Mẫn Phạm]. Union of Catholic Asian News (UCAN) (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2024.
  5. ^ a b c d “Lễ Khánh Thành Và Làm Phép Nhà Thờ Rau Dừa”. Giáo phận Cần Thơ. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2024.
  6. ^ a b c d e f g h i j k “Tiểu sử Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn”. Tổng giáo phận Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh. Bản gốc lưu trữ Ngày 26 tháng 2 năm 2019. Truy cập 26 tháng 2 năm 2019.
  7. ^ Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn - Tp.HCM 2013, tr. 49
  8. ^ a b “Vietnamese church aims to foster China, Vatican understanding” [Giáo hội Việt Nam nhằm mục đích thúc đẩy sự hiểu biết về Trung Quốc và Vatican] (bằng tiếng Anh). National Catholic Reporter, theo Union of Catholic Asian News (UCAN). 2 tháng 11 năm 2007. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 4 năm 2024. Truy cập Ngày 10 tháng 4 năm 2024.
  9. ^ “Điều Lệ Quới Chức Gp Vĩnh Long”. Giáo phận Vĩnh Long. Bản gốc lưu trữ Ngày 28 tháng 7 năm 2019. Truy cập Ngày 28 tháng 7 năm 2019.
  10. ^ “TU CHỈNH HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ THEO GIÁO LUẬT - JB. Lê Ngọc Dũng”. Giáo luật Công giáo. Bản gốc lưu trữ Ngày 28 tháng 7 năm 2019. Truy cập Ngày 28 tháng 7 năm 2019.
  11. ^ a b c d e f g h i j k “Tập san Hahk Yoon phỏng vấn ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn”. Tổng giáo phận Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh. ngày 11 tháng 9 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2024.
  12. ^ a b “Họ Đạo Cái Rắn” (PDF). 2020. tr. 364. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 31 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2024.
  13. ^ a b c d e f “ĐỨC HỒNG Y GIOAN BAOTIXITA PHẠM MINH MẪN – TỔNG GIÁM MỤC SÀI GÒN”. Truong Buu Diep Foundation. ngày 4 tháng 8 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2024.
  14. ^ a b Bút Cùn 67 (ngày 23 tháng 7 năm 2018). “ĐHY GB Phạm Minh Mẫn chia sẻ về Bác Hai Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp”. VietCatholic News. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2024.
  15. ^ a b c d e f “Đức Hồng y G.B Phạm Minh Mẫn: "25 năm giám mục, sống để yêu thương". Công giáo và Dân tộc. Bản gốc lưu trữ Ngày 26 tháng 2 năm 2019. Truy cập Ngày 26 tháng 2 năm 2019.
  16. ^ a b c d e f “Hãy cứ sống với lý tưởng đã chọn và lắng nghe tiếng Chúa mời gọi...”. Công giáo và Dân tộc. Bản gốc lưu trữ Ngày 26 tháng 3 năm 2020. Truy cập Ngày 4 tháng 4 năm 2020.
  17. ^ Ngọc Lan (Ngày 7 tháng 2 năm 2016). “LM Trần Thế Tuyên nói về tuyên thánh LM Trương Bửu Diệp”. Người Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 4 năm 2024. Truy cập Ngày 1 tháng 4 năm 2024.
  18. ^ a b c Hy. Phạm Minh Mẫn (ngày 25 tháng 5 năm 2017). “52 năm linh mục của ĐHY Gioan Baotixita (25.5.1965 – 25.5.2017)”. Tổng giáo phận Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2024.
  19. ^ a b c d e f “Jean-Baptiste Cardinal Pham Minh Mân”. Catholic-Hierarchy. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2017.
  20. ^ a b c “Tiểu sử Đức Tân Tổng Giám mục Saigon Archbishop J.B. Phạm Minh Mẫn”. Truyền giáo Việt Nam tại Á Châu. Bản gốc lưu trữ Ngày 26 tháng 2 năm 2019. Truy cập Ngày 26 tháng 2 năm 2019.
  21. ^ a b c d “Phan Minh Man, talking to the Communists”. Asia News. Ngày 14 tháng 4 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  22. ^ a b c d e f Lm Gs Nguyễn Bá Long. “Mừng Ngân Khánh Đại Chủng Viện Thánh Quý”. Giáo phận Cần Thơ. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2024.
  23. ^ “Pham Minh Mân, Jean-Baptiste*” [Phạm Minh Mẫn, Gioan Baotixita*] (bằng tiếng Anh). Catholic News Agency. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2024.
  24. ^ “Ban Tư Vấn Bầu Giám Quản Giáo Phận”. Giáo phận Vĩnh Long. ngày 2 tháng 9 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 9 năm 2019. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2024.
  25. ^ “Tường Thuật nghi lễ tấn phong tân Hồng Y John Baptist Phạm Minh Mẫn”. Truyền giáo Việt Nam tại Á Châu. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2024.
  26. ^ a b c d e “Trực tuyến: Thánh lễ tạ ơn 25 năm Giám mục của ĐHY GB Phạm Minh Mẫn”. YouTube Tổng giáo phận Sài Gòn. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 9 năm 2021. Truy cập Ngày 25 tháng 2 năm 2019.
  27. ^ “GIÁO PHẬN MỸ THO (1): LỊCH SỬ KHAI SINH GIÁO PHẬN”. Giáo phận Mỹ Tho. ngày 15 tháng 7 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 6 năm 2019. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2024.
  28. ^ “Nhìn lại khẩu hiệu Giám mục”. Công giáo và Dân tộc. Bản gốc lưu trữ Ngày 27 tháng 2 năm 2019. Truy cập Ngày 27 tháng 2 năm 2019.
  29. ^ a b “Tự sự của ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn nhân kỷ niệm 27 năm Giám mục”. Tổng giáo phận Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh. Bản gốc lưu trữ Ngày 30 tháng 8 năm 2020. Truy cập Ngày 30 tháng 8 năm 2020.
  30. ^ Phương Liên (ngày 24 tháng 10 năm 2013). “Hội đồng Giám mục Việt Nam qua 12 kỳ Đại hội”. Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2024.
  31. ^ “CÁC GIÁM MỤC VIỆT NAM "AD LIMINA" 2009 và Các Ad Limina Đã Qua”. Simon Hòa Đà Lạt (Giáo phận Đà Lạt), theo Xuân Bích Việt Nam. Ngày 24 tháng 6 năm 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  32. ^ a b c “Card Phạm Minh Mẫn: the blood of martyrs, the future of the Church of Vietnam (profile)” [Hồng y. Phạm Minh Mẫn: Máu các vị tử đạo, tương lai của Giáo hội Việt Nam (hồ sơ)] (bằng tiếng Anh). Asia News. ngày 12 tháng 3 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2024.
  33. ^ “NEWS SUMMARY” [Tóm tắt Tin Tức]. The New York Times (bằng tiếng Anh). ngày 10 tháng 3 năm 1998. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 1 năm 2018. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2024.
  34. ^ “ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn - Thánh lễ nhậm nhiệm vụ Tổng Giám mục TGP Sài Gòn”. Conggiao.info. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 6 năm 2016. Truy cập Ngày 24 tháng 5 năm 2016.
  35. ^ Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn - Tp.HCM 2013, tr. 5,6
  36. ^ PV - ANTG 891 (ngày 13 tháng 9 năm 2009). “Ông "linh mục" Nguyễn Hữu Lễ và đĩa DVD xuyên tạc lịch sử, sự thật”. Báo Công an Nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2024.
  37. ^ Lm. Nguyễn Hữu Lễ (ngày 6 tháng 4 năm 2007). “Cảm Nghĩ Sau Khi Xem Tấm Hình Bịt Miệng”. Việt Báo. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2024.
  38. ^ Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn - Tp.HCM 2013, tr. 14-16
  39. ^ Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn - Tp.HCM 2013, tr. 21
  40. ^ Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn - Tp.HCM 2013, tr. 17
  41. ^ a b “Bài phỏng vấn Đức Tân TGM Saigon dành cho hãng thông tấn quốc tế Fides của Bộ Truyền giáo”. Truyền giáo Việt Nam tại Á Châu. Bản gốc lưu trữ Ngày 26 tháng 2 năm 2019. Truy cập Ngày 26 tháng 2 năm 2019.
  42. ^ “Lá thư Mục Tử”. Truyền giáo Việt Nam tại Á Châu. Bản gốc lưu trữ Ngày 26 tháng 2 năm 2019. Truy cập Ngày 26 tháng 2 năm 2019.
  43. ^ “ĐTC cử hành thánh lễ kính hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô và trao dây Pallium cho 19 vị Tổng Giám mục”. Truyền giáo Việt Nam tại Á Châu. Bản gốc lưu trữ Ngày 2 tháng 3 năm 2019. Truy cập Ngày 2 tháng 3 năm 2019.
  44. ^ a b “Lời Chào Mừng Đức Tgm Phạm Minh Mẫn Của Đức Oâng Nguyễn Đức Tiến”. Việt Báo. ngày 14 tháng 7 năm 1999. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2024.
  45. ^ “Công Giáo Vn Giáo Phận Orange Mừng Đức Tổng Giám Mục Saigon”. Việt Báo. ngày 14 tháng 7 năm 1999. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2024.
  46. ^ “Cộng Đồn St. Columban Đĩn Tiếp Đức Cha Mẫn”. Việt Báo. ngày 10 tháng 7 năm 1999. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2024.
  47. ^ “Phái Đoàn Giám Mục Mỹ Đi Thăm Việt Nam”. Việt Báo. ngày 25 tháng 8 năm 1999. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 9 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2024.
  48. ^ “Đại Hội 200 Năm Đức Mẹ La Vang: 300,000 Giáo Dân Về Dự”. Việt Báo. ngày 17 tháng 8 năm 1999. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2024.
  49. ^ a b “Hội đồng Giám mục Họp Xong: Trở Ngại Nhân Sự, Phương Tiện”. Việt Báo. Bản gốc lưu trữ Ngày 2 tháng 3 năm 2019. Truy cập Ngày 2 tháng 3 năm 2019.
  50. ^ “20. X Ordinary General Assembly - "The Bishop: Servant of the Gospel of Jesus Christ for the Hope of the World". Thánh bộ Truyền Thông Tòa Thánh. Bản gốc lưu trữ Ngày 2 tháng 3 năm 2019. Truy cập Ngày 2 tháng 3 năm 2019.
  51. ^ “Clinton Urges Vietnam to Open Its Markets” [Clinton kêu gọi Việt Nam mở cửa thị trường] (bằng tiếng Anh). New York Times. ngày 19 tháng 11 năm 2000. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2024.
  52. ^ Seth Mydans (ngày 20 tháng 11 năm 2000). “CLINTON IN VIETNAM: THE OVERVIEW; Clinton Basks in the Adulation Of a City Once Called Saigon” [CLINTON TẠI VIỆT NAM: TỔNG QUAN; Clinton đắm chìm trong lời khen ngợi của một thành phố từng được gọi là Sài Gòn]. The New York Times (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2024.
  53. ^ “Tt Clinton Gặp Tổng Giám Mục Phạm Minh Mẫn”. Việt Báo. ngày 20 tháng 11 năm 2000. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2024.
  54. ^ “Vui Giáng Sinh cuối cùng của thiên niên kỷ”. VnExpress, theo Thanh Niên, Lao Động. Ngày 25 tháng 12 năm 2000. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.
  55. ^ “Lược Qua Các Khóa Họp Thượng Hội Đồng Giám Mục”. Simon Hòa Đà Lạt-Giáo phận Đà Lạt. Bản gốc lưu trữ Ngày 4 tháng 4 năm 2020. Truy cập Ngày 4 tháng 4 năm 2020.
  56. ^ “SYNODUS EPISCOPORUM BULLETIN of the Commission for information of the X Ordinary General Assembly Of The Synod Of Bishop (08 - 03.10.2001)” (bằng tiếng Anh). Thánh bộ Truyền Thông Tòa Thánh. 3 tháng 10 năm 2001. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 11 năm 2021. Truy cập Ngày 8 tháng 5 năm 2023.
  57. ^ Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn - Tp.HCM 2013, tr. 66
  58. ^ Đ.Hy (ngày 25 tháng 12 năm 2001). “Đồng bào Công giáo, Tin Lành mừng đón Giáng sinh 2001”. Người lao động, theo Thông tấn xã Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.
  59. ^ Thanh Thuy (Ngày 6 tháng 10 năm 2017). “The Churches of Vietnam and Japan together for the pastoral care of migrants” [Giáo hội Việt Nam và Nhật Bản cùng nhau chăm sóc mục vụ cho người di cư] (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  60. ^ a b “Giáo hội Công Giáo và Công Giáo yêu nước (Bài 1)”. Đài Á Châu Tự Do (RFA). Bản gốc lưu trữ Ngày 4 tháng 4 năm 2020. Truy cập Ngày 4 tháng 4 năm 2020.
  61. ^ “Tại sao Đức ông Đào Đức Điềm bị sát hại?”. Đài Á Châu Tự Do (RFA). Bản gốc lưu trữ Ngày 4 tháng 4 năm 2020. Truy cập Ngày 4 tháng 4 năm 2020.
  62. ^ “Đức Tgm Nói Với Đại Hội Cgđk: Cần Xóa Độc Tài, Bỏ Xin-cho”. Việt Báo. ngày 15 tháng 1 năm 2003. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2024.
  63. ^ a b c d e f g h i “Phỏng vấn ĐHY Gioan B. Phạm Minh Mẫn Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Saigon về Tương Lai mối tương quan giữa Giáo hội và Nhà Cầm Quyền Cộng sản tại Việt Nam”. Truyền giáo Việt Nam tại Á Châu. Bản gốc lưu trữ Ngày 27 tháng 2 năm 2019. Truy cập Ngày 27 tháng 2 năm 2019.
  64. ^ Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn - Tp.HCM 2013, tr. 48
  65. ^ Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP (ngày 18 tháng 3 năm 2021). “TỎA SÁNG NGỌC QUÝ NƯỚC TRỜI – NHỮNG BƯỚC THĂNG TRẦM GIÁO HỘI VIỆT NAM 60 NĂM”. Hội đồng Giám mục Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2024.
  66. ^ “Đức Tgm Phạm Minh Mẫn Tới Quận Cam, Tiếp Xúc Giáo Dân”. Việt Báo. ngày 25 tháng 3 năm 2003. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 9 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2024.
  67. ^ “Le Parole Del Papa Alla Recita Dell'angelus: Annuncio Di Concistoro Per La Creazione Di Nuovi Cardinali, 28.09.2003” [Diễn từ của Đức Thánh Cha sau Kinh Truyền Tin: Phong các Tân Hồng y, 28/09/2003] (bằng tiếng Ý). Bộ Truyền thông Tòa Thánh. Ngày 28 tháng 9 năm 2003. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 10 năm 2023. Truy cập Ngày 31 tháng 3 năm 2024.Quản lý CS1: ngôn ngữ không rõ (liên kết)
  68. ^ “Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm ĐTGM Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn làm Hồng y trong số 31 Vị Tân Hồng Y”. Truyền giáo Việt Nam tại Á Châu. Bản gốc lưu trữ Ngày 27 tháng 2 năm 2019. Truy cập Ngày 27 tháng 2 năm 2019.
  69. ^ “List of the 31 New Cardinals” [Danh sách 31 tân Hồng]. The New York Times (bằng tiếng Anh). ngày 28 tháng 9 năm 2003. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2024.
  70. ^ Đ.D. (Ngày 4 tháng 1 năm 2015). “TGM Nguyễn Văn Nhơn được Vatican tấn phong hồng y”. Người Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 4 năm 2024. Truy cập Ngày 1 tháng 4 năm 2024.
  71. ^ Huỳnh Thiềm (ngày 5 tháng 1 năm 2015). “Việt Nam đã có 6 vị được phong Hồng y”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.
  72. ^ a b “Tường Thuật nghi lễ tấn phong tân Hồng y John Baptist Phạm Minh Mẫn”. Truyền giáo Việt Nam tại Á Châu. Bản gốc lưu trữ Ngày 27 tháng 2 năm 2019. Truy cập Ngày 27 tháng 2 năm 2019.
  73. ^ Kenneth L. Woodward (ngày 4 tháng 4 năm 2004). “A Churchman in Vietnam”. Newsweek (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 3 năm 2019. Truy cập ngày 3 tháng 3 năm 2019.
  74. ^ Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn - Tp.HCM 2013, tr. 36
  75. ^ Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn - Tp.HCM 2013, tr. 43
  76. ^ “Hòa thượng Thích Quảng Độ gửi kháng thư đến Thủ tướng Phan Văn Khải”. Đài Á Châu Tự Do (RFA). Bản gốc lưu trữ Ngày 4 tháng 4 năm 2020. Truy cập Ngày 4 tháng 4 năm 2020.
  77. ^ “Hà Nội từ chối việc Vatican phong Hồng Y cho Đức giám mục Phạm Minh Mẫn”. Đài Á Châu Tự Do (RFA). Bản gốc lưu trữ Ngày 4 tháng 4 năm 2020. Truy cập Ngày 4 tháng 4 năm 2020.
  78. ^ a b “Nhà nước cọng sản Việt Nam không nhìn nhận việc Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nâng Đức Cha Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn lên bậc hồng y”. Truyền giáo Việt Nam tại Á Châu. Bản gốc lưu trữ Ngày 27 tháng 2 năm 2019. Truy cập Ngày 27 tháng 2 năm 2019.
  79. ^ N.H.K (23 tháng 12 năm 2020). “Giới chức CSVN liên tiếp thăm Hồng Y Phạm Minh Mẫn”. Người Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 4 năm 2024. Truy cập Ngày 1 tháng 4 năm 2024.
  80. ^ a b “Phỏng vấn Hồng Y Phạm Minh Mẫn”. BBC Tiếng Việt. Ngày 21 tháng 10 năm 2003. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 4 năm 2024. Truy cập Ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  81. ^ “Hà Nội: Đức Cha Phạm Minh Mẫn được phong Hồng Y là tin vui cho giáo dân Việt Nam”. Đài Á Châu Tự Do (RFA). Bản gốc lưu trữ Ngày 4 tháng 4 năm 2020. Truy cập Ngày 4 tháng 4 năm 2020.
  82. ^ Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn - Tp.HCM 2013, tr. 47
  83. ^ “Jean-Baptiste Pham Minh Mân Archevêque émérite de Hô Chí Minh, Vietnam” [Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Nguyên Tổng giám mục [Tổng giáo phận] Hồ Chí Minh, Việt Nam]. La Croix (bằng tiếng Pháp). tháng 6 năm 2017. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 9 năm 2023. Truy cập Ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  84. ^ “Important appointments, changes at the Vatican curia” [Các bổ nhiệm quan trọng, thay đổi tại Giáo triều] (bằng tiếng Anh). Catholic News Agency. ngày 23 tháng 11 năm 2003. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2024.
  85. ^ “Họ nên tự sửa mình theo gương của người đi trước!”. Thời nay (Nhân Dân). Bản gốc lưu trữ Ngày 27 tháng 2 năm 2019. Truy cập Ngày 27 tháng 2 năm 2019.
  86. ^ “Lễ đón tiếp tân Hồng Y Phạm Minh Mẫn tại quận Cam, Nam California”. Đài Á Châu Tự Do (RFA). Bản gốc lưu trữ Ngày 4 tháng 4 năm 2020. Truy cập Ngày 4 tháng 4 năm 2020.
  87. ^ “Ls Lê Đình Thông bày tỏ niềm hãnh diện của người Việt tại Pháp về Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn”. Đài Á Châu Tự Do (RFA). Bản gốc lưu trữ Ngày 4 tháng 4 năm 2020. Truy cập Ngày 4 tháng 4 năm 2020.
  88. ^ Stringer (ngày 9 tháng 12 năm 2003). “New Vietnamese Cardinal Jean-Baptiste Pham Minh Man stands near a cathedral in Ho Chi Minh city December 9, 2003” [Tân Hồng y Phạm Minh Mẫn đứng cạnh Nhà thờ chính tòa tại Thành phố Hồ Chí Minh [ngày] 9 tháng 12 năm 2003] (bằng tiếng Anh). Reuters. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2003.
  89. ^ “Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn Làm Thánh Lễ Tạ Ơn Ở Sàigòn”. Việt Báo. ngày 10 tháng 12 năm 2003. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2024.
  90. ^ Kevin J. Jones (ngày 23 tháng 9 năm 2011). “WikiLeaks exposes Cardinal Law's work in Vatican-Vietnam relations” [WikiLeaks vạch trần công việc của Đức Hồng Y Law trong quan hệ Vatican-Việt Nam] (bằng tiếng Anh). Catholic News Agency. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2024.
  91. ^ “Phó thủ tướng Vũ Khoan tiếp Đức Tân Hồng Y Phạm Minh Mẫn”. Đài Á Châu Tự Do (RFA). Bản gốc lưu trữ Ngày 4 tháng 4 năm 2020. Truy cập Ngày 4 tháng 4 năm 2020.
  92. ^ “Phó thủ tướng Vũ Khoan tiếp Hồng y Phạm Minh Mẫn”. Tuổi trẻ, theo Thông tấn xã Việt Nam. Ngày 23 tháng 12 năm 2003. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.
  93. ^ a b “Thư của ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn gởi Báo Công giáo và Dân tộc và các cơ quan truyền thông công giáo Việt Nam”. Truyền giáo Việt Nam tại Á Châu. Bản gốc lưu trữ Ngày 27 tháng 2 năm 2019. Truy cập Ngày 27 tháng 2 năm 2019.
  94. ^ N. Dương (Ngày 25 tháng 12 năm 2003). “Lãnh đạo TPHCM chúc mừng Giáng sinh”. Người lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.
  95. ^ Thanh Trúc (Ngày 1 tháng 1 năm 2004). “Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 1-1-2004)”. Đài Á Châu Tự Do (RFA). Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 3 năm 2021. Truy cập Ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  96. ^ Hà Mi (Ngày 18 tháng 3 năm 2011). “Lịch sử phát thanh BBC Tiếng Việt - phần 3”. BBC Tiếng Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  97. ^ Nguyễn Quốc Khải (ngày 28 tháng 9 năm 2004). “Bộ Ngoại Giao Mỹ: Vn Đáng Bị Đưa Vào Danh Sách Cpc”. Việt Báo. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2004.
  98. ^ Thanh Trúc. “Mái Ấm Mai Tâm: Nơi nương tựa của mẹ và con bị HIV/AIDS”. Đài Á Châu Tự Do (RFA). Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  99. ^ T.Minh (ngày 13 tháng 5 năm 2004). “10 tu sĩ Công giáo tình nguyện chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS”. Người lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.
  100. ^ “Phỏng vấn linh mục Phương Đình Toại về hoạt động của giáo phận TPHCM trong việc ngăn ngừa HIV/AIDS và giúp đỡ người bị lây nhiễm”. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA Tiếng Việt). Ngày 15 tháng 1 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  101. ^ Nguyen Hung. “Saigon: discriminated by family and society, people with HIV/AIDS helped by Catholics” [Sài Gòn: bị gia đình và xã hội kỳ thị, người nhiễm HIV/AIDS được người Công giáo giúp đỡ] (bằng tiếng Anh). Asia News. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  102. ^ “Vài góp ý của Đức Hồng y Gioan Baotixita Pham Minh Mẫn cho Hội nghị Toàn Thể lần thứ VIII của Các Hội Đồng Giám mục Á Châu đang diễn ra tại Nam Hàn”. Truyền giáo Việt Nam tại Á Châu. Bản gốc lưu trữ Ngày 27 tháng 2 năm 2019. Truy cập Ngày 27 tháng 2 năm 2019.
  103. ^ “Asian bishop's conference tackles issues of globalization and acculturation of Gospel” [Hội đồng Giám mục Châu Á giải quyết các vấn đề toàn cầu hóa và tiếp biến Tin Mừng] (bằng tiếng Anh). Catholic News Agency. ngày 18 tháng 8 năm 2004. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2024.
  104. ^ a b “Cardinal Pham Minh Mân: Vietnamese Church is growing and wants society to grow” [ĐHY Phạm Minh Mân: Giáo hội Việt Nam đang phát triển và mong muốn xã hội phát triển] (bằng tiếng Anh). Asia News. Ngày 23 tháng 2 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  105. ^ “Nhiều nhà thờ dâng lễ an táng Giáo hoàng”. Người lao động, theo VNN. ngày 8 tháng 4 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 6 năm 2020. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.
  106. ^ “Đại sứ VN sẽ đến viếng ở Vatican”. BBC Tiếng Việt. Ngày 8 tháng 4 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 4 năm 2024. Truy cập Ngày 2 tháng 4 năm 2023.
  107. ^ “Hồng y Phạm Minh Mẫn và Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt dự lễ tang Giáo hoàng John Paul II”. Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 20 tháng 6 năm 2016.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  108. ^ “Hồng y Phạm Minh Mẫn và Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt dự lễ tang Giáo hoàng John Paul II”. Nhân Dân. ngày 6 tháng 4 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2024.
  109. ^ “Các nhà lãnh đạo giáo hội Công giáo Việt Nam lên đường đến Vatican dự tang lễ Đức Giáo Hoàng”. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA Tiếng Việt). Ngày 14 tháng 1 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  110. ^ “Điểm báo trong nước trên mạng internet (ngày 9-4-2005)”. Đài Á Châu Tự Do (RFA). Bản gốc lưu trữ Ngày 4 tháng 4 năm 2020. Truy cập Ngày 4 tháng 4 năm 2020.
  111. ^ “Một số điểm đáng chú ý trong cuộc bầu chọn Tân Giáo Hoàng”. Đài Á Châu Tự Do (RFA). Bản gốc lưu trữ Ngày 4 tháng 4 năm 2020. Truy cập Ngày 4 tháng 4 năm 2020.
  112. ^ “Cách thức bầu giáo hoàng ở mật viện Conclave”. Người lao động, theo An ninh Thế giới (ANTG). ngày 21 tháng 4 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.
  113. ^ “BIOGRAPHY OF HIS HOLINESS, POPE BENEDICT XVI” [Tiểu sử của Đức Thánh Cha, Giáo hoàng Biển Đức XVI] (bằng tiếng Anh). Bộ Truyền thông Tòa Thánh. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.
  114. ^ “Nhà Thờ Chính Tòa Đức Bà Sg Mừng 125 Tuổi: Nhiều Đại Lễ, Khánh Thành Đại Phong Cầm Rodgers 967 Từ Hải Ngọai Hiến Tặng”. Việt Báo. ngày 4 tháng 6 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2024.
  115. ^ “Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn Và Chuyến Du Hành Ý Nghĩa”. Việt Báo. 23 tháng 7 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2024.
  116. ^ Lm. Linh Ngọc Quế (ngày 14 tháng 7 năm 2005). “Quận Cam: Mời Tiệc Đón Tiếp Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn”. Việt Báo. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2024.
  117. ^ “Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn Gặp Giới Trẻ”. Việt Báo. ngày 25 tháng 7 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2024.
  118. ^ “Đức Hồng Y Mẫn: Giáo Dân Vn Tăng Vọt, Đi Lễ Tràn Ra Phố”. Việt Báo, theo Bản Tin Công Giáo. ngày 9 tháng 5 năm 2006. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2024.
  119. ^ Thanh Thao (Ngày 13 tháng 5 năm 2006). “Card. Pham Minh Man invites Asian cardinals to Vietnam” [Hồng y Phạm Minh Mẫn mời các Hồng Y Á Châu đến Việt Nam] (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2006.
  120. ^ “Card. Zen: "Beijing should learn from Vietnam and be open to religious freedom" [Hồng y Trần: “Bắc Kinh nên học Việt Nam và cởi mở với tự do tôn giáo”] (bằng tiếng Anh). Ngày 6 tháng 12 năm 2006. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.
  121. ^ “Meeting of Asian cardinals, a turning point in the Church's mission, says Cardinal Toppo” [Cuộc gặp gỡ của các Hồng y Châu Á, một bước ngoặt trong sứ mệnh của Giáo hội, Đức Hồng Y Toppo nói] (bằng tiếng Anh). Asia News. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  122. ^ “Hồng y Phạm Minh Mẫn lạc quan về quan hệ Vatican-Hà Nội”. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA Tiếng Việt). Ngày 24 tháng 1 năm 2007. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  123. ^ H.K. (Ngày 24 tháng 12 năm 2006). “Đón nhận, sẻ chia bình an”. Tuổi trẻ, theo Thông tấn xã Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.
  124. ^ “Phát ngôn viên TGM Sài Gòn”. BBC Tiếng Việt. Ngày 25 tháng 1 năm 2007. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  125. ^ “Tuyên phạt Nguyễn Văn Lý 8 năm tù về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Tuổi trẻ, theo Thông tấn xã Việt Nam. Ngày 1 tháng 4 năm 2007. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  126. ^ Mặc Lâm (Ngày 20 tháng 4 năm 2007). “Phỏng vấn Hồng Y Phạm Minh Mẫn về phiên toà xử Linh mục Nguyễn Văn Lý”. Đài Á Châu Tự Do (RFA). Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  127. ^ Gia Minh (Ngày 12 tháng 7 năm 2007). “Hội đồng Giám mục Việt Nam phủ nhận lời tuyên bố của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết”. Đài Á Châu Tự Do (RFA). Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  128. ^ “Thư của ĐHY Gioan Baotixita Phạm minh Mẫn nói về vấn đề Giáo dục tại Việt Nam”. Truyền giáo Việt Nam tại Á Châu. Bản gốc lưu trữ Ngày 27 tháng 2 năm 2019. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2019.
  129. ^ Hy. Phạm Minh Mẫn (ngày 23 tháng 7 năm 2007). “Giáo đức và Giáo dục”. VietCatholic. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2024.
  130. ^ Đỗ Lực, OP (ngày 30 tháng 7 năm 2022). “Các bài suy niệm Chúa Nhật 18 thường niên – Năm C”. Tổng giáo phận Huế. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2024.
  131. ^ Ủy ban Mục vụ Di dân (4 tháng 10 năm 2019). “Giới thiệu Uỷ ban Mục vụ Di Dân Trực Thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam”. Hội đồng Giám mục Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2024.
  132. ^ Đào Thị Đượm (ngày 16 tháng 5 năm 2022). “Mối quan hệ giữa Công giáo Việt Nam và cộng đồng Công giáo Việt Nam ở nước ngoài, một số nội dung trong việc xây dựng khối đoàn kết dân tộc”. Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2024.
  133. ^ “Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn với cuộc thăm viếng chính thức Trung Quốc”. VietCatholic News. Bản gốc lưu trữ Ngày 7 tháng 3 năm 2020. Truy cập Ngày 7 tháng 3 năm 2020.
  134. ^ JB. Vu (ngày 6 tháng 11 năm 2007). “Communion as a factor in human promotion and development, says Cardinal Pham Minh Man” [Sự hiệp thông như một yếu tố thúc đẩy và phát triển con người, Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn nói] (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  135. ^ “Giáo Hoàng chia buồn vì Hồng y qua đời”. BBC Tiếng Việt. Ngày 22 tháng 2 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 4 năm 2024. Truy cập Ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  136. ^ “Xô xát ở Tòa Khâm Sứ cũ”. BBC Tiếng Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  137. ^ “Phim Về Đời Của Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn Lên Internet”. Việt Báo. ngày 25 tháng 4 năm 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2024.
  138. ^ a b c “Lá thư gây tranh cãi của đức Hồng y”. BBC Tiếng Việt. Ngày 7 tháng 7 năm 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 4 năm 2024. Truy cập Ngày 1 tháng 4 năm 2024.
  139. ^ Hy. Phạm Minh Mẫn (ngày 7 tháng 6 năm 2008). “Đức Hồng Y Mẫn Gửi Bản Văn Về 'Cờ Vàng'. Việt Báo. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2024.
  140. ^ “Chuyện Hồng y Phạm Minh Mẫn và Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ”. Sai Gon Echo. Bản gốc lưu trữ Ngày 27 tháng 2 năm 2019. Truy cập Ngày 1 tháng 6 năm 2016.
  141. ^ “VN dự Đại hội Giới trẻ Công giáo TG”. BBC Tiếng Việt. Ngày 14 tháng 7 năm 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 4 năm 2024. Truy cập Ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  142. ^ Liên Phương (ngày 21 tháng 6 năm 2014). “Cầu nối đạo và đời”. Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2024.
  143. ^ Phạm Huy Thông (ngày 30 tháng 10 năm 2018). “Công giáo Việt Nam - một nguồn lực xây dựng xã hội hiện nay”. Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2024.
  144. ^ Gia Minh (Ngày 22 tháng 6 năm 2008). “Cộng đồng Công giáo VN hành hương hướng về Đức Mẹ La Vang”. Đài Á Châu Tự Do (RFA). Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  145. ^ “2 Vị Hồng Y Mẫn, Mahony Ký: Kết Nghĩa 2 Giáo Phận VN-Mỹ”. Việt Báo, theo VietCatholic News. ngày 3 tháng 7 năm 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2024.
  146. ^ a b “Thư Phản Kháng Sự Hiện Diện Của Hồng Y Phạm Minh Mẫn Trong Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn Cộng Sản”. Việt Báo. 9 tháng 4 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 1 năm 2021. Truy cập Ngày 1 tháng 4 năm 2024.
  147. ^ “Những Điều Trông Thấy: Chính Nghĩa Thắng Gian Tà - SGT”. Việt Báo. ngày 5 tháng 8 năm 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2024.
  148. ^ “Un pèlerinage national aux couleurs universelles” [Cuộc hành hương [của các] dân tộc mang hơi hướng hoàn vũ]. La Croix (bằng tiếng Pháp). Ngày 15 tháng 8 năm 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 4 năm 2024. Truy cập Ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  149. ^ “Xịt hơi cay tại giáo xứ Thái Hà?”. BBC Tiếng Việt. Ngày 1 tháng 9 năm 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 4 năm 2024. Truy cập Ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  150. ^ Nhã Trân (Ngày 5 tháng 9 năm 2008). “Cộng đồng Công giáo VN ở California yểm trợ Giáo xứ Thái Hà”. Đài Á Châu Tự Do (RFA). Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  151. ^ “Hà Nội: Giáo dân Thái Hà bị xịt hơi cay, 20 người phải nhập viện”. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA Tiếng Việt). Ngày 15 tháng 1 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  152. ^ ANHTHU (ngày 5 tháng 9 năm 2008). “Quốc pháp là tối thượng”. Hànộimới. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2024.
  153. ^ “VN dọa thi hành luật pháp với Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt”. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA Tiếng Việt). Ngày 22 tháng 9 năm 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 9 năm 2008. Truy cập Ngày 2 tháng 3 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  154. ^ “Phát biểu của TGM. Ngô Quang Kiệt trong cuộc họp với chính quyền thành phố Hà Nội”. Đài Á Châu Tự Do (RFA). ngày 22 tháng 9 năm 2008. Bản gốc lưu trữ Ngày 2 tháng 3 năm 2019. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2019.
  155. ^ “Lời cảnh báo nghiêm khắc”. Hànộimới. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 3 năm 2009. Truy cập Ngày 2 tháng 3 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  156. ^ “Không ai được phép phỉ báng dân tộc mình”. Tuổi Trẻ. Ngày 21 tháng 9 năm 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 2 năm 2009. Truy cập Ngày 2 tháng 3 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  157. ^ “Lộ rõ tâm đen”. Quân đội nhân dân. Ngày 21 tháng 9 năm 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 2 năm 2009. Truy cập Ngày 2 tháng 3 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  158. ^ “Viet cardinal scolds media for twisting prelate's words”. Catholic Culture. Bản gốc lưu trữ Ngày 2 tháng 3 năm 2019. Truy cập Ngày 2 tháng 3 năm 2019.
  159. ^ J.B. An Dang (Ngày 23 tháng 9 năm 2008). “Cardinal Pham Minh Man slams manipulation by state media” [Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn lên án sự thao túng của truyền thông nhà nước] (bằng tiếng Anh). Asia News. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  160. ^ “Vietnamese prime minister's remarks a 'slap in the face' to Archbishop of Hanoi” [Phát biểu của Thủ tướng Việt Nam là 'cái tát vào mặt' Tổng Giám mục Hà Nội] (bằng tiếng Anh). Catholic News Agency. ngày 3 tháng 10 năm 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2024.
  161. ^ “Thư của Hội Đồng Giám mục Việt Nam gởi Cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam”. Truyền giáo Việt Nam tại Á Châu. Bản gốc lưu trữ Ngày 2 tháng 3 năm 2019. Truy cập Ngày 2 tháng 3 năm 2019.
  162. ^ Lê Hữu Tuấn. “Đức tân Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm: 'Phải can đảm loan báo tình yêu và tự do đích thực của Tin Mừng'. Dân Chúa USA, theo báo Công giáo và Dân tộc. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.
  163. ^ Trung Tin (Ngày 16 tháng 9 năm 2014). “Evangelization in the family and communion with the Church: aims of Mỹ Tho Diocese” [Truyền giáo trong gia đình và hiệp thông với Giáo hội: mục tiêu của Giáo phận Mỹ Tho]. Asia News. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 10 năm 2014. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  164. ^ “Lễ an táng Hồng y Phạm Đình Tụng”. BBC Tiếng Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 6 năm 2023. Truy cập Ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  165. ^ “Vĩnh Biệt Đức Cố Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng”. Truyền giáo Việt Nam tại Á Châu, theo Hội đồng Giám mục Việt Nam. Ngày 26 tháng 2 năm 2009. Bản gốc lưu trữ Ngày 4 tháng 9 năm 2019. Truy cập ngày 23 tháng 8 năm 2015.
  166. ^ Hồng y Phạm Minh Mẫn (Ngày 11 tháng 6 năm 2009). “Thư Mục Tử về Bảo Vệ Môi Trường”. Tổng giáo phận Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  167. ^ “Thông tin gì cho vụ bauxite?”. BBC Tiếng Việt. Ngày 5 tháng 6 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 2 năm 2021. Truy cập Ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  168. ^ JB An Dang (Ngày 30 tháng 5 năm 2009). “Archbishop of Ho Chi Minh City: Protecting environment is a Christian's duty” [Đức Tổng Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh: Bảo vệ môi trường là nghĩa vụ của người Kitô hữu] (bằng tiếng Anh). Asia News. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  169. ^ “Au Vietnam, une mine de bauxite draine toutes les colères” [Ở Việt Nam, mỏ bauxite [là nơi] trút bỏ mọi căm phẫn]. La Croix (bằng tiếng Pháp). Ngày 23 tháng 7 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 4 năm 2024. Truy cập Ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  170. ^ “Catholic Official Joins Protest” [Giới chức Công giáo tham gia phản đối]. Đài Á Châu Tự Do (RFA) (bằng tiếng Anh). Ngày 2 tháng 6 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 12 năm 2023. Truy cập Ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  171. ^ “BAUXITE CONTROVERSY PRODUCES LEADERSHIP DIVISIONS, VIBRANT NATIONAL ASSEMBLY DEBATE”. Wikileaks. ngày 11 tháng 6 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2024.
  172. ^ JB An Dang (Ngày 5 tháng 8 năm 2009). “Anti-Catholic violence designed to hide crisis and graft in Vietnam's Communist Party” [Bạo lực chống Công giáo nhằm che giấu khủng hoảng và hối lộ trong Đảng Cộng sản Việt Nam] (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 9 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  173. ^ Hà Mi (Ngày 18 tháng 10 năm 2014). “Quan hệ Việt Nam - Vatican đi về đâu?”. BBC Tiếng Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 8 năm 2016. Truy cập Ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  174. ^ “VN tìm kiếm quan hệ ngoại giao với Vatican”. BBC Tiếng Việt. 9 tháng 12 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 3 năm 2021. Truy cập Ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  175. ^ Văn Phòng Thư Ký HĐGMVN (Ngày 10 tháng 10 năm 2009). “Thư chung năm 2010: Công bố Năm Thánh”. Hội đồng Giám mục Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 12 năm 2023. Truy cập Ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  176. ^ N.H.H.M. (ngày 24 tháng 11 năm 2009). “Đêm diễn nguyện mừng Năm Thánh 2010 tại Sở Kiện – Đêm kể lại câu chuyện 350 năm Hội Thánh tại Việt Nam”. Tổng giáo phận Sài Gòn, theo Hội đồng Giám mục Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2024.
  177. ^ “Khai mạc Năm Thánh ở Việt Nam”. BBC Tiếng Việt. Ngày 25 tháng 11 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 4 năm 2024. Truy cập Ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  178. ^ “Khai mạc Năm Thánh 2010 của Giáo hội Công giáo Việt Nam”. Nhân Dân. ngày 24 tháng 11 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2024.
  179. ^ “Over 120,000 Catholics attend opening of Vietnam's Holy Jubilee Year” [Hơn 120.000 người Công giáo tham dự khai mạc Năm Thánh Việt Nam] (bằng tiếng Anh). Catholic News Agency. ngày 25 tháng 11 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2024.
  180. ^ Ng. Tống (Ngày 24 tháng 11 năm 2009). “Đóng góp vào sự phát triển toàn diện”. Người lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.
  181. ^ Hoa Vàng, Vĩnh Thân (ngày 31 tháng 10 năm 2019). “Hội ngộ Liên tôn lần thứ IX”. Tổng giáo phận Sài Gòn. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2024.
  182. ^ “Đối thoại liên tôn nhằm hướng đến hợp tác liên tôn”. Tổng giáo phận Sài Gòn. ngày 11 tháng 1 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2024.
  183. ^ Thanh Trúc (Ngày 7 tháng 12 năm 2009). “Chanthaburi, Thái Lan mừng 300 năm ngày lập giáo phận đầu tiên”. Đài Á Châu Tự Do (RFA). Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  184. ^ “Chính sách đất đai 'tạo bất công'. BBC Tiếng Việt. Ngày 26 tháng 1 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 5 năm 2021. Truy cập Ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  185. ^ Phạm Kiêm (Ngày 11 tháng 12 năm 2009). “Quan hệ Việt Nam - Vatican ấm dần”. BBC Tiếng Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 8 năm 2021. Truy cập Ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  186. ^ Thanh Thuy (Ngày 10 tháng 2 năm 2010). “Ho Chi Minh City, the Vietnamese Church opens a center for HIV-positive children” [TP.HCM, Giáo hội Việt Nam mở trung tâm dành cho trẻ em nhiễm HIV] (bằng tiếng Anh). Asia News. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  187. ^ “Họp Về Phản Kháng Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn Đến Hoa Kỳ”. Việt Báo. ngày 13 tháng 3 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2024.
  188. ^ “Long Beach: Biểu Tình Hủy Vì Hồng Y Mẫn Không Tới”. Việt Báo. ngày 27 tháng 3 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2024.
  189. ^ “Kêu gọi biểu tình và biểu dương Lá Cờ Vàng Chính nghĩa vào ngày 11-4-2010 khi Hồng y Phạm Minh Mẫn xuất hiện tại nhà hát Pyramid, trong khuôn viên Đại học Cal State Long Beach, Nam California”. Tin Paris. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 9 năm 2017. Truy cập 27 tháng 2 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  190. ^ “Đức Hồng Y Mẫn Dự Thánh Lễ Ơ Long Beach”. Việt Báo. ngày 12 tháng 4 năm 2010. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2024.
  191. ^ Nguyên Huy (14 tháng 4 năm 2010). “Dư luận quanh vụ biểu tình Hồng Y Mẫn: Vắng người vì 'nhiễu thông tin'?”. Sai Gon Echo, theo Người Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 4 năm 2024. Truy cập Ngày 1 tháng 4 năm 2024.
  192. ^ “RINUNCE E NOMINE, 13.05.2010 ● RINUNCIA E SUCCESSIONE DELL'ARCIVESCOVO DI HÀ NÔI (VIETNAM)” [Từ nhiệm và Bổ nhiệm, 13.05.2010 ● Từ nhiệm về Kế vị Tổng giám mục Hà Nội (Việt Nam)] (bằng tiếng Ý). Vatican. Ngày 13 tháng 5 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 3 năm 2020. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.Quản lý CS1: ngôn ngữ không rõ (liên kết)
  193. ^ “Ngài Tổng Giám mục viếng thăm chúc mừng đại lễ Phật đản”. Chùa Huê Nghiêm. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 3 năm 2017. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2017.
  194. ^ J.B. Vu (Ngày 9 tháng 6 năm 2010). “Card. Pham Minh Man returns home at the end of Vatican meetings” [Hồng y Phạm Minh Mẫn trở về nước sau khi kết thúc các cuộc họp ở Vatican] (bằng tiếng Anh). Asia News. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  195. ^ G. Trần Đức Anh OP (Ngày 3 tháng 6 năm 2010). “Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn viếng thăm Roma”. Đài Vatican. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2018. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  196. ^ “Về ngoại giao Vatican và Hà Nội”. BBC Tiếng Việt. Ngày 29 tháng 6 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 2 năm 2021. Truy cập Ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  197. ^ “Các giám mục Việt Nam ngạc nhiên về loan báo của Vatican”. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA Tiếng Việt). Ngày 5 tháng 7 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  198. ^ “Hội thảo kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình”. Nhân Dân, theo Thông tấn xã Việt Nam. ngày 1 tháng 9 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2010.
  199. ^ “Việt Nam chủ trì hội nghị giám mục châu Á”. BBC Tiếng Việt. Ngày 2 tháng 2 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 4 năm 2024. Truy cập Ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  200. ^ “Vietnam to host Asian bishops assembly” [Việt Nam đăng cai hội đồng giám mục châu Á]. Union of Catholic Asian News (UCAN) (bằng tiếng Anh). ngày 27 tháng 1 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 5 năm 2016. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2024.
  201. ^ “Đức Hồng y Ivan Dias: Đặc sứ của Đức Giáo Hoàng tham dự lễ bế mạc Năm Thánh của Giáo Hội tại Việt Nam”. Tổng giáo phận Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, theo Catholica.va. ngày 19 tháng 12 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2024.
  202. ^ “Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange Tổ Chức: 2 Ngày Đại Lễ Bế Mạc Năm Thánh Mừng 350 Năm CGVN”. Việt Báo. ngày 22 tháng 1 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2024.
  203. ^ Công Tâm (Ngày 23 tháng 1 năm 2011). “Hàng nghìn người nghinh đón di cốt Thánh Don Bosco”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.
  204. ^ Công Tâm (ngày 22 tháng 1 năm 2011). “Cung nghinh di cốt Thánh Don Bosco tại VN”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.
  205. ^ “Catholics urged to give to build” [Người Công giáo được kêu gọi đóng góp để xây dựng]. Union of Catholic Asian News (UCAN). ngày 14 tháng 3 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2024.
  206. ^ “ASIA/VIETNAM - From the meeting of Asian Bishops hopes for peace and unity” [CHÂU Á/VIỆT NAM - Từ cuộc gặp gỡ các Giám mục Á Châu hy vọng hòa bình và hiệp nhất] (bằng tiếng Anh). Fides. ngày 19 tháng 2 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2024.
  207. ^ “LM/DB Phan Khắc Từ Rời Chức Chánh Xứ”. Việt Báo. ngày 2 tháng 5 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2011.
  208. ^ a b “ĐHY: Cầu nguyện cho Công lý & Hoà bình trong chuyến đi Rôma tháng 5/2011”. Tổng giáo phận Sài Gòn. ngày 26 tháng 5 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2024.
  209. ^ “Vietnam: government proposes further legal restrictions on religion” [Việt Nam: Chính phủ đề xuất thêm hạn chế pháp lý đối với tôn giáo] (bằng tiếng Anh). Independent Catholic News. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2024.
  210. ^ Hy. Phạm Minh Mẫn (ngày 8 tháng 11 năm 2011). “Tổ chức Công nghị giáo phận TGP.TPHCM”. Tổng giáo phận Sài Gòn. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2024.
  211. ^ “Thay đổi Giờ lễ khai mạc Công nghị Giáo phận TP.HCM”. Tổng giáo phận Sài Gòn. ngày 15 tháng 11 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2024.
  212. ^ “Thánh lễ khai mạc Công nghị Giáo phận TP.HCM 2011 (Bản tin 1)”. Tổng giáo phận Sài Gòn. ngày 21 tháng 11 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 9 năm 2022. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2024.
  213. ^ “TỔNG GIÁO PHẬN TP.HCM BẾ MẠC CÔNG NGHỊ 2011: THƯ NGỎ CỦA CÔNG NGHỊ”. Hội đồng Giám mục Việt Nam. ngày 27 tháng 11 năm 2011. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2024.
  214. ^ “Phóng viên Alessandro Speciale phỏng vấn ĐHY Gioan B. Phạm Minh Mẫn”. Tổng giáo phận Sài Gòn. ngày 25 tháng 12 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 10 năm 2022. Truy cập Ngày 18 tháng 4 năm 2024.
  215. ^ ucanews.com Reporter, Ho Chi Minh City (ngày 4 tháng 1 năm 2012). “Vatican to hear beatification evidence” [Vatican nghe bằng chứng phong chân phước]. Union of Catholic Asian News (UCAN) (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2024.
  216. ^ 'Diplomatic Hitch' Thwarts Church Visit” ['Vấn đề ngoại giao' cản trở chuyến viếng thăm nhà thờ]. Đài Á Châu Tự Do (RFA) (bằng tiếng Anh). Ngày 29 tháng 3 năm 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  217. ^ Quocthang (ngày 26 tháng 5 năm 2012). “Khoảnh khắc tâm và tài”. Người lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.
  218. ^ Lâm Hạnh (ngày 31 tháng 5 năm 2012). “Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á: Say nghề và mang ơn nghiệp”. Doanh Nhân Sài Gòn Online. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.
  219. ^ “Phái đoàn Cao Đài viếng an Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn”. Hội Thánh Phục Quyền. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 27 tháng 9 năm 2015.
  220. ^ “Thăm, chúc mừng đức Hồng y Phạm Minh Mẫn”. Người Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 3 năm 2019. Truy cập ngày 27 tháng 9 năm 2015.
  221. ^ Thomas C. Fox (ngày 1 tháng 11 năm 2012). “Vatican consistory scuppers Asian bishops' meeting” [Công nghị Vatican ngăn cản cuộc họp của các giám mục châu Á]. Union of Catholic Asian News (UCAN) (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2024.
  222. ^ a b “Don't be fooled by official promises, says cardinal” [Đừng để bị lừa bởi những lời hứa chính thức, Đức Hồng Y nói]. Union of Catholic Asian News (UCAN) (bằng tiếng Anh). ngày 24 tháng 6 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2024.
  223. ^ “For Vietnamese Catholics, govt using the Vatican to cover up religious repression” [Đối với người Công giáo Việt Nam, chính phủ dùng Vatican để che đậy việc đàn áp tôn giáo] (bằng tiếng Anh). Asia News. Ngày 24 tháng 1 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 6 năm 2015. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  224. ^ “Church diplomat eyes close Vietnam ties” [Nhà ngoại giao Giáo hội nhắm mắt thắt chặt quan hệ Việt Nam]. Union of Catholic Asian News (UCAN) (bằng tiếng Anh). ngày 10 tháng 2 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2024.
  225. ^ “Ân xá Quốc tế lần đầu thăm Việt Nam”. BBC Tiếng Việt. Ngày 6 tháng 3 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 4 năm 2021. Truy cập Ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  226. ^ Gerry Mullany (ngày 6 tháng 3 năm 2013). “Vietnam Allows Visit by Amnesty International” [Việt Nam cho phép Tổ chức Ân xá Quốc tế đến thăm]. The New York Times (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2024.
  227. ^ J.B. Vu (Ngày 28 tháng 2 năm 2024). “Card Phạm Minh Mẫn calls on the faithful to pray for new pope and Benedict XVI” [Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn kêu gọi tín hữu cầu nguyện cho tân Giáo hoàng và Đức Bênêđíctô XVI] (bằng tiếng Anh). Asia News. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  228. ^ “Hồng y VN đi Rome bầu Giáo hoàng”. BBC Tiếng Việt. Ngày 6 tháng 3 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 4 năm 2024. Truy cập Ngày 1 tháng 4 năm 2024.
  229. ^ “Về một số Hồng y dự Mật Nghị Vatican”. BBC Tiếng Việt. Ngày 13 tháng 3 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 4 năm 2024. Truy cập Ngày 1 tháng 4 năm 2024.
  230. ^ Đ.D. (Ngày 10 tháng 3 năm 2013). “Hồng y bầu Giáo Hoàng theo truyền thống, không vội vã”. Người Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 4 năm 2024. Truy cập Ngày 1 tháng 4 năm 2024.
  231. ^ a b c WGPSG (ngày 23 tháng 3 năm 2013). “Phỏng vấn Đức Hồng y Gioan B. Phạm Minh Mẫn sau Mật tuyển viện”. Tổng giáo phận Sài Gòn. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2024.
  232. ^ Daniel J. Wakin (ngày 8 tháng 3 năm 2013). “Cardinals' Balloting for a New Pope Will Start on Tuesday” [Việc bỏ phiếu của các Hồng y để chọn Giáo hoàng mới sẽ bắt đầu vào thứ Ba]. The New York Times (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2024.
  233. ^ RFA (Ngày 7 tháng 3 năm 2013). “Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn đến Roma”. Đài Á Châu Tự Do (RFA). Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  234. ^ “Các Hồng y chọn ngày khai mạc mật nghị”. BBC Tiếng Việt. 8 tháng 3 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 4 năm 2024. Truy cập Ngày 1 tháng 4 năm 2024.
  235. ^ “Báo CG&DT phỏng vấn Đức Hồng y GB. Phạm Minh Mẫn về sự kiện Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI từ nhiệm”. Tổng giáo phận Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 31 tháng 3 năm 2024.
  236. ^ Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn - Tp.HCM 2013, tr. 51
  237. ^ Ban Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam (ngày 20 tháng 3 năm 2014). “Số Hồng y cử tri ngày hôm nay, ngày 5 tháng 3 năm 2014: 121 vị”. Hội đồng Giám mục Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 5 tháng 3 năm 2014.
  238. ^ Nguyễn Nguyễn (Ngày 5 tháng 3 năm 2013). “Kỳ 1: Giáo hoàng được bầu chọn như thế nào?”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.
  239. ^ J.B. Vu (Ngày 26 tháng 3 năm 2013). “Cardinal of Saigon: Pope Francis pays "special attention" to the Vietnamese Church” [Đức Hồng Y Sài Gòn: Đức Thánh Cha Phanxicô “đặc biệt quan tâm” đến Giáo hội Việt Nam] (bằng tiếng Anh). Asia News. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  240. ^ “Hiện trạng sức khỏe của Đức Hồng y Gioan B. Phạm Minh Mẫn”. Tổng giáo phận Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 3 năm 2017. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2017.
  241. ^ “Phái Đoàn Lãnh Sự Mỹ Thăm Đhy Gioan B. Phạm Minh Mẫn”. Nhà thờ Cha Tam. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 27 tháng 9 năm 2015.
  242. ^ “Có người kế vị Hồng y Phạm Minh Mẫn”. BBC Tiếng Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 6 năm 2015. Truy cập ngày 27 tháng 9 năm 2015.
  243. ^ “RINUNCE E NOMINE, 28.09.2013 ● NOMINA DEL COADIUTORE DI HÔCHIMINHVILLE (VIÊT NAM)” [Bổ nhiệm và Từ nhiệm, 28.09.2013 ● Bổ nhiệm [Tổng giám mục] Phó Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam)] (bằng tiếng Ý). Văn phòng Báo chí Tòa Thánh. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.Quản lý CS1: ngôn ngữ không rõ (liên kết)
  244. ^ “Thông báo của Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn về Đức Tân Tổng Giám mục phó của Tổng Giáo phận TP.HCM”. Giáo phận Xuân Lộc. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 9 năm 2016. Truy cập Ngày 12 tháng 4 năm 2016.
  245. ^ “Tổng giáo phận Sàigòn cử hành Thánh lễ bế mạc Năm Đức Tin 2012-2013”. Truyền giáo Việt Nam tại Á Châu. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 8 năm 2014. Truy cập Ngày 12 tháng 2 năm 2016.
  246. ^ Thanh Thuy (Ngày 22 tháng 10 năm 2013). “Vietnamese Catholics mark the end of the Year of Faith through prayer, which is more powerful than persecution” [Người Công giáo Việt Nam đánh dấu sự kết thúc Năm Đức Tin bằng lời cầu nguyện, mạnh mẽ hơn cả bách hại] (bằng tiếng Anh). Asia News. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  247. ^ Lam Điền (Ngày 29 tháng 10 năm 2013). “Triển lãm sách cổ tôn giáo tại TP.HCM”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.
  248. ^ “Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn tiếp phái đoàn ngoại giao Canađa”. Giáo phận Thái Bình. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 27 tháng 9 năm 2015.
  249. ^ HT (Ngày 14 tháng 1 năm 2014). “Saigon: Authorities threaten Catholics over disputed land” [Sài Gòn: Chính quyền đe dọa người Công giáo vì đất tranh chấp] (bằng tiếng Anh). Asia News. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.
  250. ^ “Rinunce E Nomine, 22.03.2014, ● Rinuncia E Successione Dell'arcivescovo Di Thành-Phô Hô Chí Minh, Hôchiminh Ville (Viêt Nam)”. Văn phòng Báo chí Tòa Thánh. Bản gốc lưu trữ Ngày 27 tháng 2 năm 2019. Truy cập Ngày 27 tháng 2 năm 2019.
  251. ^ “Giáo hoàng nhận đơn từ chức của Hồng y Phạm Minh Mẫn”. Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam. Bản gốc lưu trữ Ngày 27 tháng 2 năm 2019. Truy cập ngày 27 tháng 9 năm 2015.
  252. ^ Hữu Công (Ngày 7 tháng 3 năm 2018). “Tổng giám mục giáo phận TP HCM qua đời ở Vatican”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 3 năm 2018. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.
  253. ^ TN (24 tháng 3 năm 2014). “Tổng giáo phận Sài Gòn có tân Tổng giám mục”. Người Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 4 năm 2024. Truy cập Ngày 1 tháng 4 năm 2024.
  254. ^ “Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn Nguyên Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sàigòn”. Truyền giáo Việt Nam tại Á Châu. Bản gốc lưu trữ Ngày 27 tháng 2 năm 2019. Truy cập Ngày 27 tháng 2 năm 2019.
  255. ^ “Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc chính thức nhận chức Tổng giám mục Saigòn”. Truyền giáo Việt Nam tại Á Châu. Bản gốc lưu trữ Ngày 27 tháng 2 năm 2019. Truy cập Ngày 12 tháng 2 năm 2016.
  256. ^ Quang Định, Xuân Đào, B.T (Ngày 15 tháng 3 năm 2018). “Linh cữu Tổng giám mục Bùi Văn Đọc đã về đến TP.HCM”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  257. ^ a b c “Đức Hồng y GB Phạm Minh Mẫn và những ngày tháng nghỉ hưu”. Công giáo và Dân tộc. Bản gốc lưu trữ Ngày 2 tháng 3 năm 2019. Truy cập Ngày 2 tháng 3 năm 2019.
  258. ^ Trung Hiếu (ngày 20 tháng 12 năm 2016). “Phó thủ tướng Trương Hòa Bình: 'Biển miền Trung đã sạch'. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.
  259. ^ L.H. (Ngày 21 tháng 12 năm 2016). “Lãnh đạo TP.HCM thăm, chúc mừng các cơ sở tôn giáo nhân dịp Giáng sinh năm 2016”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.
  260. ^ Thiên Ngôn. “Bà Kim Ngân chúc mừng Giáng sinh Tòa Tổng giám mục Tổng giáo phận TP HCM”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.
  261. ^ PV (ngày 20 tháng 12 năm 2018). “Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân dự Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND tặng Ban Dân Y T.Ư Cục miền nam”. Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2024.
  262. ^ Mai Hoa (Ngày 19 tháng 12 năm 2018). “Lãnh đạo TP.HCM thăm, chúc mừng Giáng sinh”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.
  263. ^ Thảo Lê (Ngày 23 tháng 12 năm 2020). “Bà Trương Thị Mai thăm, chúc Giáng sinh Tòa Tổng giám mục TP.HCM”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.
  264. ^ Nguyên Hải (ngày 23 tháng 12 năm 2020). “Trưởng Ban Dân vận Trung ương chúc mừng Giáng sinh 2020 tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai”. Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2024.
  265. ^ Thảo Lê (Ngày 15 tháng 12 năm 2021). “Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm, chúc Giáng sinh tại TP.HCM”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.
  266. ^ Lê Đức Dũng (ngày 16 tháng 12 năm 2021). “Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội thăm, chúc mừng Giáng sinh tại TP. Hồ Chí Minh và Tiền Giang”. Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2024.
  267. ^ Sơn Đông (ngày 16 tháng 12 năm 2023). “Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chúc mừng chức sắc và đồng bào Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh nhân lễ Giáng sinh 2023”. Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2024.
  268. ^ Thảo Lê, Cẩm Nương (Ngày 18 tháng 12 năm 2003). “Lãnh đạo TP.HCM thăm cơ sở Công giáo, Tin Lành nhân Giáng sinh 2023”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.
  269. ^ “Thánh lễ mừng Kim khánh linh mục của ĐHY GB Phạm Minh Mẫn”. Công giáo và Dân tộc. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 9 năm 2017. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2017.
  270. ^ Thoại Hà (Ngày 7 tháng 1 năm 2016). “Khánh Ly rưng rưng trong lễ giỗ đầu chồng”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.
  271. ^ UCA News Reporter from Ho Chi Minh City. “Vietnamese Catholics, Protestants reject past animosity” [Người Công giáo, Tin lành Việt Nam bác bỏ sự thù địch trong quá khứ]. Union of Catholic Asian News (UCAN) (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2024.
  272. ^ “Toà Thánh gửi thư chúc mừng bổn mạng Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn”. Tổng giáo phận Sài Gòn. ngày 25 tháng 6 năm 2017. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2024.
  273. ^ “ĐHY GIOAN BT. PHẠM MINH MẪN: NIỀM VUI CỦA NGƯỜI LOAN BÁO TIN MỪNG”. Hội đồng Giám mục Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2024.
  274. ^ “Doanh nhân Công giáo vận động quỹ "Vì những người nghèo nhất". Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam, theo Tổng giáo phận Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh. ngày 11 tháng 11 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2024.
  275. ^ “Đức Hồng Y G.B. Phạm Minh Mẫn ban huấn từ”. Việt Báo, theo Nghĩa Sinh. ngày 10 tháng 1 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2024.
  276. ^ Quỳnh Trần (Ngày 23 tháng 12 năm 2022). “Nhà thờ Đức Bà có dàn giao hưởng 25 chuông nhập từ Đức”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2024.
  277. ^ Lê Đức Dũng (ngày 19 tháng 9 năm 2023). “Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ chúc mừng Hội nghị thường niên kỳ II năm 2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam”. Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2024.
  278. ^ WGPSG (ngày 25 tháng 5 năm 2016). “Tâm tình của ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn nhân kỷ niệm 51 năm trong chức linh mục”. Tổng giáo phận Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2024.
  279. ^ “Gp. Mỹ Tho: tham dự ngày TGTT lần 53, tại TTMV Sài Gòn”. Giáo phận Mỹ Tho. ngày 2 tháng 6 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 6 năm 2019. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2024.
  280. ^ Hy. Phạm Minh Mẫn (ngày 24 tháng 5 năm 2019). “Kỷ niệm 54 năm linh mục của ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn”. Tổng giáo phận Sài Gòn. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2024.
  281. ^ “Chuỗi Mân Côi Truyền Giáo & Kinh Truyền Giáo”. Giáo phận Cần Thơ. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2024.
  282. ^ Lm. Gs. Trần Đình Thụy. “Để Hiểu và Yêu Mến Thánh Cả Giuse Hơn”. Giáo phận Cần Thơ. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2024.
  283. ^ Lm. Fx Nguyễn hùng Oánh (ngày 21 tháng 5 năm 2015). “ĐHY GB Phạm Minh Mẫn mừng 50 năm Linh mục: mục vụ của Ngài đối với người nhiễm HIV/AIDS”. VietCatholic News. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2024.
  284. ^ “TGP TP.HCM: Thường huấn linh mục”. Hội đồng Giám mục Việt Nam. ngày 30 tháng 9 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2024.
  285. ^ Diệu Tâm. “Học Viện Công Giáo Việt Nam khai giảng năm học” (PDF). Giáo phận Cần Thơ, theo Giáo phận Bùi Chu. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 14 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2024.
  286. ^ “Đại chủng viện Thánh Quý” (PDF). 2020. tr. 35. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2024.
  287. ^ Lm. Tôma Thiện Trần Quốc Hưng, Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Long (ngày 18 tháng 9 năm 2009). “TÀI LIỆU HỌC HỎI NĂM THÁNH 2010 - Dành cho Thiếu Nhi”. Giáo phận Mỹ Tho. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2024.
  288. ^ Trần Quốc Anh, SJ (ngày 22 tháng 4 năm 2021). “Thần học mục vụ cho di dân: Thách đố và cơ hội”. Hội đồng Giám mục Việt Nam]]. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2024.

Tài liệu tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]

Wiki - Keonhacai copa chuyên cung cấp kiến thức thể thao, keonhacai tỷ lệ kèo, bóng đá, khoa học, kiến thức hằng ngày được chúng tôi cập nhật mỗi ngày mà bạn có thể tìm kiếm tại đây có nguồn bài viết: https://vi.wikipedia.org/wiki/Gioan_Baotixita_Ph%E1%BA%A1m_Minh_M%E1%BA%ABn