Wiki - KEONHACAI COPA

Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai/Bài viết chọn lọc

Bài viết chọn lọc

Cách dùng

Sử dụng khung đã được thiết kế sẵn ở phụ trang Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai/Bài viết chọn lọc/Khung.

  1. Thêm các bài viết mới được chọn lọc vào phụ trang [[Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai/Bài viết chọn lọc/Số thứ tự]] với những số thứ tự tiếp theo số bài viết chọn lọc hiện có.
  2. Cập nhật tổng số tham số "max=" trong bản mẫu {{Random portal component}} tưong ứng với mục Bài viết chọn lọc trong trang chủ đề chính.

Danh sách bài viết chọn lọc

Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai/Bài viết chọn lọc/1

Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô ký Hiệp ước, với Stalin và Ribbentrop đứng sau lưng.
Hiệp ước Xô-Đức có tên chính thức là Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau giữa Đức và Liên bang Xô viết được ký kết ngày 23 tháng 8, 1939 giữa Ngoại trưởng Vyacheslav Mikhailovich Molotov đại diện cho Liên Xô và Ngoại trưởng Joachim von Ribbentrop đại diện cho Đức Quốc xã. Nghị định thư bí mật đính kèm Hiệp ước quy định các nước Phần Lan, Estonia, Latvia, Lithuania, và Romania thuộc vùng ảnh hưởng của Liên Xô. Ngoài ra, hai nước Liên Xô và Đức đồng ý phân chia Ba Lan.

Các bên thỏa thuận với các cam kết kiềm chế không tấn công lẫn nhau và giữ thái độ trung lập trong trường hợp một trong hai bên trở thành mục tiêu của những hành động quân sự của bất kỳ bên thứ ba nào. Các thành viên Hiệp định cũng cam kết không tham gia vào các nhóm thế lực trực tiếp hoặc gián tiếp chống lại phía bên kia. Trong tương lai, hai bên cam kết việc cung cấp, trao đổi lẫn nhau về thông tin đối với những vấn đề có ảnh hưởng đến lợi ích của các bên.

Các thỏa thuận đã được ký kết đã làm dịu sự căng thẳng trong quan hệ chính trị và kinh tế giữa Liên Xô và Đức đang nóng lên sau sự xuất hiện của A. Hitler trên vũ đài chính trị và nắm quyền điều hành nước Đức cùng với các cuộc xung đột vũ trang (trong đó Liên Xô chống lại sự can thiệp của Đức và Italy ở Tây Ban Nha và ủng hộ phái Cộng hoà Tây Ban Nha, chống lại quân đội Nhật Bản ở Viễn Đông trong các Chiến dịch hồ KhasanKhalkhyn Gol). Sự kiện này trở thành một bất ngờ chính trị cho các nước thứ ba. Gần như đồng thời với các tin đồn về sự tồn tại của thỏa thuận bí mật bổ sung, các văn bản Hiệp ước đã được xuất bản vào năm 1948 dưới dạng các bản sao. Năm 1993, văn bản gốc của Hiệp ước được tìm thấy. Sau khi Đức tấn công Liên Xô ngày 22 tháng 6 năm 1941, cũng như tất cả các văn kiện ngoại giao Xô-Đức khác, hiệp định này đã không còn giá trị.


Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai/Bài viết chọn lọc/2 Chiến tranh Xô-Đức là cuộc chiến giữa Liên XôĐức Quốc Xã thời Thế chiến thứ hai. Ở Liên Xô trước đây hoặc nước Nga ngày nay cuộc chiến này còn được gọi là Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, tên gọi này lấy theo tên trong lời hiệu triệu của Stalin trên radio gửi đến nhân dân Xô Viết vào ngày 3 tháng 7 năm 1941, hoặc nó còn được gọi là cuộc Chiến tranh thần thánh. Tại Đức hoặc Phương Tây cuộc chiến tranh này thường được gọi là Chiến tranh Xô–Đức hay đơn giản là Mặt trận phía đông vì thực chất đây là giai đoạn quan trọng nhất của cuộc chiến ở mặt trận phía đông châu Âu trong Thế chiến thứ hai. Đây là cuộc chiến giữa Đức Quốc Xã cùng các đồng minh chính là Romania, Hungary, Ý, Phần Lan chống lại Liên bang Xô Viết, về sau Liên Xô cho thành lập quân đội các nước Ba Lan, Tiệp Khắc bên phía mình để chiến đấu trên lãnh thổ các quốc gia này và làm nòng cốt xây dựng quân đội các quốc gia này sau chiến thắng. Vào cuối năm 1944 và đầu năm 1945, khi quân đội Xô Viết tiến vào Romania, Hungary, các nước này đã quay sang chống lại Đức Quốc Xã và gia nhập Liên minh chống Phát xít.

Cuộc chiến này bắt đầu từ ngày 22 tháng 6 năm 1941 khi Wehrmacht (Quân đội Đức Quốc Xã) theo lệnh Adolf Hitler xoá bỏ hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau Liên Xô-Đức, 1939 và tấn công bất ngờ Liên bang Xô Viết, và cuộc chiến này kết thúc ngày 9 tháng 5 năm 1945 khi đại diện Đức Quốc Xã ký kết biên bản đầu hàng không điều kiện Quân đội Xô Viết và các lực lượng của Liên minh chống Phát xít sau khi Quân đội Xô Viết đánh chiếm thủ đô Đức Berlin.

Sau chiến tranh Liên Xô trở thành một trong hai siêu cường thế giới, toàn bộ Đông Âu rơi vào khu vực kiểm soát của nước này và nước Đức bị phân đôi thành Cộng hoà Dân chủ ĐứcCộng hoà Liên bang Đức.


Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai/Bài viết chọn lọc/3

Hình ảnh thiết giáp hạm Yamato bị tấn công ngày 7 tháng 4 năm 1945.
Cuộc hành quân Ten-Go là cuộc tổng phản công của Hải quân Đế quốc Nhật Bản nhằm vào lực lượng Đồng Minh tại Okinawa. Đây cũng là trận đụng độ không hải cuối cùng giữa hải quân Nhật và Mỹ tại mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ hai. Một số tên gọi khác được sử dụng cho cuộc hành quân này là Cuộc hành quân Heaven OneTen-ichi-gō.

Tháng 4 năm 1945, Đệ nhị hạm đội hải quân Nhật bao gồm thiết giáp hạm lớn nhất thế giới Yamato, cùng tuần dương hạm hạng nhẹ Yahagi và 8 khu trục hạm đã thực hiện một cuộc tổng phản công của hải quân Nhật ở Okinawa, nhưng thực chất là một chuyến đi tự sát để bảo tồn danh dự Hải quân Đế quốc Nhật Bản theo truyền thống võ sĩ đạo. Tuy nhiên, trước khi đến được Okinawa, chỉ trong 2 giờ, những máy bay Mỹ xuất phát từ các hàng không mẫu hạm đã đánh chìm Yamato, Yahagi cùng 4 khu trục hạm khác vào ngày 7 tháng 4 năm 1945. Cùng lúc đó, để phối hợp với cuộc hành quân này, người Nhật đã cho xuất phát nhiều Kamikaze từ phi trường cực nam Kyūshū tấn công hạm đội Mỹ tại Okinawa gây hư hại cho một số tàu chiến Mỹ.

Trận đánh này đã chứng tỏ sức mạnh vượt trội của không, hải quân Mỹ trên Thái Bình Dương cũng như uy lực nổi trội của hàng không mẫu hạm so với thiết giáp hạm không có sự che chở của không lực. Thất bại trong cuộc hành quân này đã đánh dấu thất bại của Hải quân Nhật cũng như báo hiệu giờ tàn của Đế quốc Nhật Bản trong cuộc chiến.


Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai/Bài viết chọn lọc/4

Bích chương cổ động Kế hoạch Marshall tại châu Âu.
Kế hoạch Marshall là một kế hoạch trọng yếu của Hoa Kỳ nhằm tái thiết và thiết lập một nền móng vững chắc hơn cho các quốc gia Tây Âu, đẩy lui chủ nghĩa cộng sản sau Thế chiến thứ hai. Mang tên chính thức “Kế hoạch phục hưng Châu Âu”, nhưng Kế hoạch Marshall thường được gọi theo tên của Ngoại trưởng Mỹ George Marshall, người đã khởi xướng và ban hành kế hoạch. Kế hoạch Marshall là thành quả lao động của các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong đó ghi nhận sự đóng góp đặc biệt của William L. Clayton và George F. Kennan.

Kế hoạch tái thiết được phát triển tại cuộc họp mặt của các quốc gia Châu Âu ngày 12 tháng 7 năm 1947. Kế hoạch Marshall đề ra việc viện trợ tương đương cho Liên Xô và đồng minh của họ, nhưng không được chấp nhận. Kế hoạch được thực thi trong vòng 4 năm, kể từ tháng 7 năm 1947. Trong thời gian đó, có khoảng 17 tỷ đô la Mỹ viện trợ kinh tế và hỗ trợ kỹ thuật để giúp khôi phục các quốc gia châu Âu tham gia Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Nhiều quốc gia châu Âu đã nhận được viện trợ trước khi có Kế hoạch Marshall, kể từ năm 1945, cùng với các điều kiện chính trị kèm theo.

Cho tới khi kết thúc dự án, nền kinh tế của các quốc gia nằm trong Kế hoạch, ngoại trừ Tây Đức, đã phát triển vượt mức trước chiến tranh. Trong vòng hai thập kỷ tiếp đó, nhiều vùng ở Tây Âu tiếp tục đạt được mức tăng trưởng và phồn vinh chưa từng có trước đó. Kế hoạch Marshall cũng được xem là một trong các thành tố của quá trình hội nhập Châu Âu, vì nó xóa bỏ hàng rào thuế quan và thiết lập các cơ quan điều phối kinh tế tầm cỡ lục địa.

Trong những năm gần đây, các sử gia đặt câu hỏi về cả động cơ bên trong cũng như tính hiệu quả chung của Kế hoạch Marshall. Một số sử gia cho rằng hiệu quả của Kế hoạch Marshall thực tế là từ chính sách laissez-faire (tạm dịch: thả nổi) cho phép thị trường tự bình ổn qua sự phát triển kinh tế. Người ta cho rằng Tổ chức Cứu trợ và Phục hồi của Liên Hợp Quốc, vốn giúp hàng triệu người tị nạn từ năm 1944 tới 1947, cũng giúp đặt nền móng cho sự phục hồi Châu Âu thời hậu chiến.


Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai/Bài viết chọn lọc/5

Xác quân lính và xe tăng bị phá hủy thuộc Quân đoàn 17 Lục quân Nhật Bản tại cửa sông Matanikau sau cuộc tấn công phòng tuyến Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ thất bại ngày 23-24 tháng 10, 1942.
Trận chiến sân bay Henderson, hay còn được bên Nhật Bản gọi là trận Lunga Point, là trận đánh diễn ra từ ngày 23 tháng 10 đến ngày 26 tháng 10 năm 1942 tại Guadalcanal thuộc quần đảo Solomon. Trận đánh này diễn ra ở cả trên bộ, trên biển và trên không giữa Lục quânHải quân Đế quốc Nhật Bản với quân Đồng Minh (chủ yếu là Thủy quân lục chiến Hoa KỳLục quân Hoa Kỳ). Trận đánh này là một trong ba cuộc tấn công lớn của lục quân Nhật tại Guadalcanal.

Kết quả của trận đánh là nhiều cuộc tấn công của Quân đoàn 17 Lục quân Nhật Bản kéo dài trong ba ngày do trung tướng Harukichi Hyakutake chỉ huy đã bị lực lượng thủy quân lục chiến của thiếu tướng Alexander Vandegrift đẩy lùi với thương vong rất lớn của quân Nhật. Lực lượng Hoa Kỳ đã bảo vệ thành công phòng tuyến Lunga, vành đai bảo vệ sân bay Henderson tại Guadalcanal trong khi các máy bay của họ xuất phát từ chính sân bay này cũng đã tấn công các lực lượng hải quân và không quân Nhật.

Trận đánh này là cuộc tấn công trên bộ cuối cùng của quân Nhật tại Guadalcanal. Sau khi nỗ lực tăng thêm quân của người Nhật thất bại trong trận Hải chiến Guadalcanal vào tháng 11 năm 1942, quân Nhật xem như đã bị đánh bại và cuối cùng đã rút lui khỏi hòn đảo vào tháng 2 năm 1943.


Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai/Bài viết chọn lọc/6

Lá cờ Mỹ đầu tiên cắm trên đỉnh Suribachi do tiểu đoàn 2 trung đoàn 28 ngày 23 tháng 2 năm 1945.
Trận Iwo Jima (19 tháng 226 tháng 3 năm 1945) là trận đánh thuộc mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ hai giữa MỹĐế quốc Nhật Bản tại đảo Iwo Jima. Đây là một trong những trận đánh ác liệt nhất của chiến trường Thái Bình Dương và kết quả sau một tháng giao tranh, quân Mỹ đã chiếm được Iwo Jima với thương vong khủng khiếp của cả hai bên tham chiến. Cũng từ đây, người Mỹ đã biến hòn đảo thành một căn cứ không quân để tấn công các trung tâm công nghiệp trọng điểm trên lãnh thổ Nhật Bản bằng các máy bay ném bom hạng trungkhu trục cơ yểm trợ.

Iwo Jima cũng là trận đánh đầu tiên của quân đội Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản. Do đó, quân Mỹ đã phải đối đầu với một hệ thống phòng ngự dày đặc cùng với các công sự kiên cố, trận địa pháo được ngụy trang, địa đạo dưới mặt đất và sức chống trả ngoan cường của người Nhật dựa vào các hang động tự nhiên và địa hình núi đá hiểm trở. Núi Suribachi, điểm cao nhất trên hòn đảo và cũng là một vị trí phòng thủ quan trọng, bị lính thủy đánh bộ đánh chiếm vào ngày 23 tháng 2 và bức ảnh 6 lính thủy đánh bộ cắm cờ trên đỉnh Suribachi với tên gọi “Raising the Flag on Iwo Jima” đã trở thành biểu tượng cho trận đánh. Tuy nhiên, phải đến ngày 16 tháng 3, hòn đảo mới chính thức được phía Mỹ tuyên bố an toàn.

Trận Iwo Jima cũng đã làm nên tên tuổi của vị tướng người Nhật có nhiệm vụ bảo vệ hòn đảo là đại tướng Kuribayashi Tadamichi. Bối cảnh trận đánh đã được dựng thành nhiều bộ phim nổi tiếng, trong đó gần đây là hai bộ phim Flags of Our Fathers (Ngọn cờ cha ông) và Letters from Iwo Jima (Những bức thư từ Iwo Jima) của đạo diễn Clint Eastwood.


Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai/Bài viết chọn lọc/7

Tựa đề phim ở đoạn phim giới thiệu.
Casablanca là một bộ phim tâm lý Mỹ của đạo diễn Michael Curtiz được công chiếu năm 1942. Dàn diễn viên của phim gồm hai ngôi sao hàng đầu của HollywoodHumphrey BogartIngrid Bergman cùng các diễn viên Paul Henreid, Claude Rains, Conrad Veidt, Sydney Greenstreet và Peter Lorre. Lấy bối cảnh giai đoạn đầu Thế chiến thứ hai, Casablanca đề cập tới số phận của những người do cuộc chiến mà phải mắc kẹt lại tại thành phố biển Casablanca, Maroc lúc này thuộc quyền quản lý của chính quyền Vichy Pháp thân Đức Quốc xã. Trung tâm của bộ phim là Rick Blaine (do Bogart thủ vai), một chủ quán bar bị giằng xé bởi lựa chọn khó khăn giữa tình yêu của anh dành cho Ilsa Lund (do Bergman thủ vai) và trách nhiệm giúp cô cùng chồng là Victor Laszlo (do Henreid thủ vai), một lãnh tụ kháng chiến người Tiệp Khắc thoát khỏi Maroc để tới Hoa Kỳ.

Mặc dù là một bộ phim có đầu tư lớn với dàn diễn viên nhiều ngôi sao cùng đội ngũ sản xuất tên tuổi, không ai trong đoàn làm phim tin rằng nó sẽ trở thành một sản phẩm vượt trội so với hàng chục bộ phim Hollywood khác được sản xuất cùng năm. Được đưa ra rạp công chiếu sớm nhằm tận dụng sự kiện quân Đồng minh tấn công Bắc Phi (Chiến dịch Torch), bộ phim được coi là một thành công về doanh thu cũng như về mặt nghệ thuật khi giành được ba giải Oscar trong đó có giải quan trọng Phim hay nhất. Trải qua thời gian, bộ phim tiếp tục được đánh giá cao và nó được coi là một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Hollywood với nhiều câu thoại, hình tượng nhân vật và phần nhạc phim đã trở thành mẫu mực trong lịch sử điện ảnh. Hơn 60 năm sau ngày công chiếu đầu tiên, Casablanca vẫn thường xuyên đứng ở nhóm đầu trong các bảng xếp hạng những bộ phim hay nhất trong lịch sử.


Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai/Bài viết chọn lọc/8

Chiến dịch Barbarossa là mật danh của Đức quốc xã đặt cho một chiến dịch lớn trong chiến tranh thế giới thứ hai do quân đội Đức quốc xã tiến hành nhằm vào Liên bang Xô viết. Chiến dịch này ban đầu có tên là "Kế hoạch Otto". Ngày 18 tháng 12 năm 1940, tên của nó được đích thân Hitler đổi thành "Kế hoạch Barbarossa" lấy theo biệt hiệu của Hoàng đế La Mã Thần thánh Friedrich I. Chiến dịch được bắt đầu vào sáng ngày 22 tháng 6 năm 1941 trên toàn bộ tuyến biên giới phía Tây của Liên Xô và kết thúc vào đầu tháng 2 năm 1942 trước cửa ngõ Moskva. Mục đích của Kế hoạch Barbarossa nhằm nhanh chóng chiếm đóng phần lãnh thổ của Liên Xô nằm ở phía Tây đường ranh giới nối liền giữa hai thành phố Arkhangelsk và Astrakhan (thường gọi là tuyến A-A).

Về mặt chiến thuật, quân Đức đã giành được một số chiến thắng lớn trong toàn chiến dịch và đã chiếm đóng một số vùng kinh tế quan trọng nhất của Liên Xô, chủ yếu là ở Ukraina. Vào cuối tháng Giêng năm 1942, Hồng quân Xô Viết đã đẩy lùi đợt tấn công mạnh nhất của quân đội Đức quốc xã. Chiến dịch này đánh dấu sự phá sản của phương châm đánh nhanh thắng nhanh trước mùa đông 1941-1942 của Hitler. Thất bại của quân Đức và đồng minh phe Trục trong chiến dịch này là một trong những bước ngoặt lịch sử, dẫn tới sự suy yếu rồi thất bại hoàn toàn của phe Trục trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Sự thất bại cùa Chiến dịch Barbarossa kéo theo những chiến dịch mới của Hitler nhằm chiến dịch tấn công Liên Xô, tất cả đều thất bại như việc tiếp tục bao vây Leningrad, chiến dịch Nordlicht và trận Stalingrad, cùng với những trận đánh khác trên những vùng lãnh thổ của Liên Xô bị Đức chiếm đóng.


Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai/Bài viết chọn lọc/9

Ảnh chụp Trân Châu Cảng từ một máy bay Nhật cho thấy các thiết giáp hạm Mỹ vào lúc mở đầu trận đánh. Vụ nổ ở giữa bức ảnh là một quả ngư lôi đánh trúng chiếc thiết giáp hạm USS West Virginia.
Trận Trân Châu Cảng là một đòn tấn công quân sự bất ngờ được Hải quân Nhật Bản thực hiện nhằm vào căn cứ hải quân của Hoa Kỳ tại Trân Châu Cảng thuộc tiểu bang Hawaii vào sáng ngày Chủ Nhật, ngày 7 tháng 12 năm 1941, dẫn đến việc Hoa Kỳ sau đó quyết định tham gia vào hoạt động quân sự trong Thế chiến thứ hai. Trận đánh này được trù tính sẽ ngăn ngừa và giữ chân Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ không can thiệp đến cuộc chiến mà Nhật Bản đang hoạch định nhằm xâm chiếm Đông Nam Á, chống lại Anh Quốc, Hà Lan và Hoa Kỳ. Cuộc tấn công bao gồm hai đợt không kích với tổng cộng 353 máy bay xuất phát từ sáu tàu sân bay Nhật Bản.

Trận tấn công đã đánh chìm bốn thiết giáp hạm Hoa Kỳ (hai chiếc trong số đó sau này được vớt lên và đưa trở lại hoạt động), và gây hư hỏng cho bốn chiếc khác. Quân Nhật còn đánh chìm hoặc phá hoại ba tàu tuần dương, ba tàu khu trục và một tàu thả mìn, phá hủy 188 máy bay, gây tổn thất về nhân mạng là 2.402 người tử trận và 1.282 người khác bị thương. Các trạm phát điện, xưởng tàu, xưởng sửa chữa và các kho chứa nhiên liệu và ngư lôi, cùng các bến tàu dành cho tàu ngầm và tòa nhà sở chỉ huy (cũng là nơi đặt bộ phận tình báo) đã không bị đánh trúng. Thiệt hại về phía Nhật Bản nhỏ, chỉ mất 29 máy bay và bốn tàu ngầm bỏ túi, với 65 người thiệt mạng hoặc bị thương.

Cuộc tấn công là một sự kiện lớn trong Thế Chiến II. Nó đã diễn ra trước khi có bất cứ một lời tuyên chiến chính thức nào được đưa ra, cả trước khi phần cuối cùng trong một thông điệp gồm 14 phần được chuyển hoàn tất đến Bộ Ngoại giaoWashington, D.C.. Tòa Đại sứ Nhật Bản ở Washington đã được chỉ thị phải chuyển giao thông điệp này ngay trước thời điểm trù định cho cuộc tấn công ở Hawaii. Cuộc tấn công, và đặc biệt là bản chất “bất ngờ” của nó, là hai nhân tố khiến cho công chúng Mỹ thay đổi quan điểm từ chính sách tự cô lập như vào những năm giữa thập niên 1930 sang ủng hộ việc Mỹ tham chiến. Ngoài ra, việc Đức nhanh chóng tuyên chiến với Mỹ mà không bị thúc ép bởi bất kỳ cam kết nào với Nhật Bản đã lập tức khiến Mỹ can dự vào Mặt trận Châu Âu. Việc Nhật Bản không đưa ra một lời tuyên chiến chính thức nào trước khi tấn công khiến Tổng thống Franklin D. Roosevelt tuyên bố rằng: “Ngày 7 tháng 12 năm 1941 sẽ mãi là một ngày ô nhục”.


Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai/Bài viết chọn lọc/10

Xe tăng Đức tại Vitebsk, tháng 7 năm 1941.
Trận Smolensk năm 1941 là một trận đánh lớn trong Chiến tranh Xô-Đức. Đây là một tổ hợp các trận đánh phòng thủ kết hợp với các hoạt động phản kích của quân đội Liên Xô chống lại Cụm tập đoàn quân Trung tâm và một phần Cụm tập đoàn quân Bắc của quân đội Đức Quốc xã đang tấn công theo hướng trực chỉ Moskva theo Kế hoạch chiến dịch Barbarossa. Trong vòng hai tháng (từ 10 tháng 7 - 10 tháng 9 năm 1941), cuộc chiến ác liệt tiếp tục diễn ra trên một vùng lãnh thổ rộng lớn với mặt trận trải dài kéo từ 600 đến 650 km trên tuyến Idritsa và Velikie Luky ở phía bắc tới Loev và Novgorod-Seversky ở phía nam; có chiều sâu lên đến 200-250 km từ Polotsk, Vitebsk và Zhlobin ở phía tây đến Andreapolya, Yartsevo, Yelnya và Trubchevsk ở phía đông. Chiến dịch được phát động bởi các đòn tấn công của Tập đoàn quân xe tăng 2 do tướng Heinz Guderian chỉ huy và Tập đoàn quân xe tăng 3 do tướng Hermann Hoth chỉ huy thuộc Cụm Tập đoàn quân Trung Tâm của quân đội Đức Quốc Xã. Cuộc tấn công bao gồm hai đòn công kích vu hồi liên tiếp trên khu vực từ Vitebsk-Orsha đến Smolensk nhằm bao vây tiêu diệt một phần binh lực của bốn phương diện quân Liên Xô. Phòng thủ tại tuyến này bao gồm Phương diện quân phía Tây do nguyên soái Semyon Timoshenko chỉ huy, Phương diện quân Dự bị do đại tướng Georgi Zhukov chỉ huy, Phương diện quân Trung tâm do thượng tướng Fyodor Isodorovich Kuznetsov chỉ huy và Phương diện quân Bryansk do trung tướng Andrei Yeremenko chỉ huy. Mặc dù một phần Tập đoàn quân 16, Tập đoàn quân 19 và Tập đoàn quân 20 (Liên Xô) bị bao vây và tiêu diệt hoặc bị bắt làm tù binh ở phía Nam Smolensk nhưng một phần lớn lực lượng của các tập đoàn quân 16 và 19 đã rút lui an toàn. Việc "để sổng" một lực lượng lớn quân đội Liên Xô như vậy đã khiến Hitler quyết định từ bỏ chiến thuật bao vây tiêu diệt các lực lượng Hồng quân, thay vào đó quân Đức tập trung vào mục tiêu tấn công các khu vực giàu tiềm năng kinh tế của Liên Xô như các vùng nông nghiệp trù phú ở đồng bằng ven các con sông Dniepr, Volga, Don; các khu công nghiệp Voronezh, Kharkov, Zaporozhe, Poltava, Krasnograd, Nikolaev, Krivoi Rog...; nhằm phá hoại nền kinh tế của Liên Xô, hy vọng bằng cách đó làm cho họ suy kiệt và đi đến chỗ sụp đổ.

Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai/Bài viết chọn lọc/11

Tháng 11 năm 1942. Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ, có lẽ thuộc Sư đoàn 2, đang nghỉ ngơi tại chiến trường trong chiến dịch Guadalcanal.
Chiến dịch Guadalcanal diễn ra từ ngày 7 tháng 8 năm 1942 đến ngày 9 tháng 2 năm 1943 trên đảo Guadalcanal và khu vực phụ cận tại quần đảo Solomon của Mặt trận Thái Bình Dương trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Việc tranh chấp diễn ra ác liệt cả trên bộ, trên biển và trên không; chiến dịch này là cuộc tấn công lớn đầu tiên của phe Đồng Minh chống lại Đế quốc Nhật Bản sau một thời gian dài phòng thủ.

Vào ngày 7 tháng 8 năm 1942, lực lượng Đồng Minh, chủ yếu là Mỹ, thực hiện đổ bộ lên các đảo Guadalcanal, Tulagi, và Florida (Nggela Sule) phía Nam quần đảo Solomon với mục tiêu ngăn chặn quân Nhật sử dụng chúng làm căn cứ đe dọa con đường vận chuyển từ Mỹ đến Australia và New Zealand. Đồng Minh còn định sử dụng Guadalcanal và Tulagi như những căn cứ hỗ trợ cho chiến dịch chiếm đóng hoặc vô hiệu hóa căn cứ chủ lực của Nhật tại Rabaul trên đảo New Britain. Lực lượng Đồng Minh đã áp đảo số lượng quân Nhật phòng thủ nhỏ bé, vốn đã chiếm đóng các đảo này từ tháng 5 năm 1942, chiếm giữ Tulagi và Florida cùng một sân bay (sau này được đặt tên là Henderson) đang được xây dựng trên đảo Guadalcanal.

Bị bất ngờ bởi đòn tấn công của Đồng Minh, phía Nhật Bản từ tháng 8 đến tháng 11 năm 1942 đã nhiều lần tìm cách chiếm lại sân bay Henderson. Ba trận chiến lớn trên bộ, năm trận hải chiến lớn, và các cuộc không chiến diễn ra liên tục hầu như hàng ngày, mà đỉnh điểm là trận Hải chiến Guadalcanal mang tính quyết định vào đầu tháng 11 năm 1942, trong đó nỗ lực cuối cùng nhằm tăng viện đủ số lượng binh lính để chiếm lại sân bay Henderson bị đánh bại. Sang tháng 12 năm 1942, phía Nhật từ bỏ mọi hy vọng tái chiếm Guadalcanal và triệt thoái các lực lượng còn lại vào ngày 7 tháng 2 năm 1943.


Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai/Bài viết chọn lọc/12

Quân đội Đức tiến vào thủ đô Amsterdam của Hà Lan.
Trận Hà Lan là một phần trong "kế hoạch màu vàng" - cuộc xâm lược của Đức Quốc xã vào Vùng đất thấp (Bỉ, Luxembourg, Hà Lan) và Pháp trong chiến tranh thế giới thứ hai. Trận chiến bắt đầu ngày 10 và kết thúc ngày 14 tháng 5 năm 1940 khi quân đội chính quy của Hà Lan ra hàng Đức, và Hà Lan trở thành quốc gia Tây Âu đầu tiên rơi vào tay quân đội Đức Quốc xã. Trong trận chiến nước Pháp thì đây là chiến dịch quân sự ngắn nhất và ít thiệt hại nhất đối với Đức. Riêng lực lượng của Hà Lan tại tỉnh Zeeland còn tiếp tục kháng cự với Wehrmacht cho đến ngày 17 tháng 5, khi mà Đức Quốc xã hoàn tất việc chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ.

Trận Hà Lan là một trong những trường hợp đầu tiên quân dù được sử dụng để đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trước khi bộ binh tiếp cận mục tiêu. Không quân Đức đã huy động lực lượng lính dù nhằm đánh chiếm nhiều sân bay lớn của Hà Lan ở trong và xung quanh các thành phố chính như Rotterdam và Den Haag để nhanh chóng tràn ngập quốc gia này và vô hiệu hóa các lực lượng của Hà Lan.

Trận chiến đã kết thúc ngay sau cuộc oanh tạc Rotterdam của không quân Đức cùng với mối đe doạ tiếp đó của Đức về việc hủy diệt các thành phố lớn của Hà Lan bằng các đòn ném bom khủng bố huỷ diệt nếu quốc gia này không chịu khuất phục. Bộ Tư lệnh tối cao Hà Lan, biết rằng không thể ngăn chặn được các máy bay ném bom của đối phương, đã quyết định đầu hàng để tránh cho các thành phố khác của mình phải chịu số phận tương tự. Đức Quốc Xã sau đó đã chiếm đóng Hà Lan, cùng với nước Pháp và các quốc gia Vùng Đất Thấp khác; cho đến khi lãnh thổ Hà Lan được hoàn toàn giải phóng tháng 5 năm 1945.


Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai/Bài viết chọn lọc/13

Bản đồ mô tả diễn biến chiến dịch Mãn Châu.
Chiến dịch Mãn Châu là một chiến dịch quân sự của Quân đội Liên Xô nhằm vào đạo quân Quan Đông của Nhật tại khu vực Mãn Châu. Đây cũng là chiến dịch trên bộ lớn nhất trong Chiến tranh Thái Bình Dương được thực hiện theo sự thỏa thuận giữa Tam cường Đồng MinhTrung Hoa dân quốc trong tuyên bố cuối cùng của Hội nghị YaltaTuyên bố Potsdam về việc Liên Xô tham gia cùng Hoa Kỳ, Anh và Trung Quốc đánh bại phát xít Nhật ở Viễn Đông, bắt đầu vào ngày 9 tháng 8 năm 1945 và kết thúc ngày 2 tháng 9 với sự thắng lợi của Hồng quân.

Chiến dịch Mãn Châu được thực hiện 3 tháng sau khi nước Đức Quốc xã bị đánh bại, kết thúc chiến sự tại châu Âu theo đúng cam kết của Liên Xô với các đồng minh của mình tại các Hội nghị Yalta và Postdam. Vào thời điểm đó, Phát xít Nhật đã bị các nước Đồng Minh Hoa Kỳ, Anh, Úc đánh bật khỏi nhiều vùng biển quan trọng trên Thái Bình Dương. Các hạm đội của Nhật Bản cũng chịu những thiệt hại nghiêm trọng. Hải quân Hoa Kỳ đã có mặt tại vùng biển gần Nhật Bản. Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã chiếm được một số đảo nhỏ quan trọng gần các đảo lớn của Nhật Bản. Không lực Hoa Kỳ đã tiến hành nhiều trận ném bom chiến lược vào các thành phố lớn trên đất Nhật. Quân đội Hoa Kỳ cũng chuẩn bị "Kế hoạch Downfall", dự kiến tiến hành hai chiến dịch Olympic và Koronet để đánh chiếm toàn bộ các đảo của Nhật Bản. Tuy nhiên, lục quân Nhật Bản vẫn còn đóng giữ nhiều vùng đất đã chiếm được tại Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên và Đông Nam Á. Trong đó, đạo quân Quan Đông, bao gồm hai phương diện quân và một tập đoàn quân độc lập chiếm giữ Mãn Châu là vùng công nghiệp quan trọng tại Đông Bắc Trong Quốc. Ngay khi chiến dịch mở màn, Phương diện quân 17 của Nhật Bản tại Triều Tiên cũng được nhập vào biên chế của đạo quân này.


Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai/Bài viết chọn lọc/14

Hàng không mẫu hạm USS Enterprise đang sử dụng hỏa lực phòng không chống lại cuộc tấn công của các oanh tạc cơ bổ nhào Nhật Bản vào ngày 24 tháng 8, 1942 (góc nhìn từ tuần dương hạm USS Portland).
Trận chiến Đông Solomon diễn ra từ ngày 24 tháng 8 đến ngày 25 tháng 8 năm 1942, là trận hải chiến hàng không mẫu hạm thứ ba trên mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ hai và là trận hải chiến lớn thứ hai giữa Hải quân Hoa KỳHải quân Đế quốc Nhật Bản trong chiến dịch Guadalcanal. Giống như trong các trận chiến tại biển San hôMidway, các chiến hạm của cả hai bên đã không nhìn thấy nhau và các đợt tấn công của cả hai bên đều được tiến hành bằng các máy bay xuất phát từ hàng không mẫu hạm hay các căn cứ trên đất liền.

Với mục tiêu tái chiếm sân bay Henderson và đẩy lùi quân Đồng Minh khỏi Guadalcanal, Lục quân Đế quốc Nhật Bản đã quyết định đưa thêm quân đổ bộ lên Guadalcanal. Để yểm trợ cho cuộc đổ bộ này cũng như để tiêu diệt Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, đô đốc Isoroku Yamamoto đã quyết định gửi đến vùng quần đảo Solomon một lực lượng lớn thuộc Hạm đội Liên hợp bao gồm ba hàng không mẫu hạm và nhiều chiến hạm khác do phó đô đốc Nagumo Chūichi chỉ huy. Cùng lúc đó, nhận được tin hạm đội Nhật tiến về phía quần đảo Solomon, ba Lực lượng đặc nhiệm hàng không mẫu hạm Mỹ của Đô đốc Frank Jack Fletcher cũng tiến đến Guadalcanal để đối phó các nỗ lực tấn công của quân Nhật.

Kết thúc trận đánh, cả hai hạm đội Nhật và Hoa Kỳ đều lần lượt rút lui sau khi chịu một số thiệt hại mặc dù cả hai đều không đạt được một thắng lợi rõ ràng. Tuy nhiên, Hoa Kỳ và các đồng minh đã giành được một lợi thế lớn hơn cả về chiến thuật lẫn chiến lược trong trận đánh này vì phía Đồng Minh tổn thất ít hơn phía Nhật, đặc biệt là việc hải quân Nhật đã mất một số lượng đáng kể các máy bay và phi hành đoàn có kinh nghiệm. Ngoài ra người Nhật còn phải đình chỉ việc tăng quân cho Guadalcanal và từ đó trở đi buộc phải dùng các khu trục hạm thay thế các chuyển vận hạm vào nhiệm vụ chở quân, giúp cho Đồng Minh có thêm thời gian chuẩn bị chống lại các cuộc phản công của quân Nhật và ngăn chặn người Nhật đổ bộ được pháo hạng nặng, cung cấp đạn dược và hàng tiếp liệu cho lính Nhật đang chiến đấu ở trên đảo.


Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai/Bài viết chọn lọc/15

Xác lính Nhật tử trận tại doi cát ở cửa lạch Alligator, Guadalcanal sau trận đánh vào ngày 21 tháng 8, 1942.
Trận Tenaru, diễn ra ngày 21 tháng 8 năm 1942 trên đảo Guadalcanal giữa Lục quân Đế quốc Nhật Bản và quân Đồng Minh (chủ yếu là thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ). Đây là trận phản kích đầu tiên của lục quân Nhật trong Chiến dịch Guadalcanal.

Trong trận đánh này, lực lượng thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Alexander Vandegrift đã đẩy lùi cuộc tấn công của quân Nhật thuộc “Lực lượng Thứ nhất” trung đoàn "Ichiki" do Đại tá Kiyonao Ichiki chỉ huy. Lực lượng lính thuỷ đánh bộ đã thiết lập vành đai phòng thủ Lunga bảo vệ sân bay Henderson, sân bay mà quân Đồng Minh chiếm được trong cuộc đổ bộ ngày 7 tháng 8. Trung đoàn Ichiki đã được điều động đến Guadalcanal để chống lại cuộc đổ bộ của Đồng Minh với nhiệm vụ chiếm lại sân bay và đẩy lùi quân Đồng Minh ra khỏi đảo. Do ước đoán quá thấp về số lượng quân Đồng Minh tại Guadalcanal, lúc bấy giờ khoảng 11.000 người, trung đoàn Ichiki đã cho tiến hành một cuộc tấn công trực diện bằng ban đêm vào các vị trí lính thuỷ đánh bộ ở lạch Alligator phía đông vành đai Lunga. Kết cục là trung đoàn Ichiki đã bị đánh bại với thương vong rất lớn của quân Nhật. Lúc trời sáng, các đơn vị Thủy quân Lục chiến tổ chức phản công trung đoàn này và tiêu diệt được thêm nhiều lính Nhật, trong đó có chính đại tá Ichiki.

Trận đánh này là một trong ba trận đánh lớn trên bộ của quân Nhật trong chiến dịch Guadalcanal. Sau trận Tenaru, người Nhật đã nhận ra lực lượng Đồng Minh trên đảo Guadalcanal lớn hơn nhiều so với họ dự tính và sau đó họ đã phải đổ bộ thêm quân lên đảo để giành lại sân bay Henderson.


Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai/Bài viết chọn lọc/16

Xe tăng và bộ binh Liên Xô đánh chiếm thị trấn Kalach, hình thành trận tuyến bao vây quân Đức trong Chiến dịch Sao Thiên Vương.
Chiến dịch Sao Thiên Vương là mật danh của chiến dịch có tính chiến lược của Liên Xô thời gian cuối năm 1942 trong Chiến tranh thế giới thứ hai tại khu vực phía Nam mặt trận Xô-Đức, trên hai khúc ngoặt giáp nhau của sông Đôngsông Volga với trung tâm là thành phố Stalingrad. Kết quả của chiến dịch này là việc ba phương diện quân Liên Xô đã bao vây Tập đoàn quân 6 và một phần Tập đoàn quân xe tăng 4 của quân đội Đức Quốc Xã, đánh thiệt hại nặng các Tập đoàn quân 3 và 4 của Romania, tập đoàn quân 8 của Ý và bộ phận bên ngoài vòng vây của Tập đoàn quân xe tăng 4 của Đức. Chiến dịch này là giai đoạn đầu của toàn bộ Chiến dịch Stalingrad với mục đích tiêu diệt các lực lượng Đức ở bên trong và xung quanh Stalingrad, đánh lùi các cuộc tấn công mở vây của Quân đội Đức Quốc xã trong chiến dịch Bão Mùa đông. Việc hoạch định chiến dịch Sao Thiên Vương được khởi xướng vào thượng tuần tháng 9 năm 1942, được triển khai đồng thời với các kế hoạch bao vây và tiêu diệt một bộ phận của Cụm tập đoàn quân Trung Tâm (Đức) tại khu vực Rzhev - Viazma (Chiến dịch Sao Hoả) và các chiến dịch kiềm chế Cụm tập đoàn quân A của Đức tại Kavkaz.

Sau hơn 4 tháng triển khai Chiến dịch Blau trên toàn bộ cánh Nam của Mặt trận Xô-Đức, quân đội Đức Quốc xã đã tiến sâu thêm từ 150 km (trên hướng Voronezh) đến hơn 250 km (trên hướng Stalingrad). Đặc biệt, đòn đánh vào Bắc Kavkaz do Cụm tập đoàn quân A (Đức) thực hiện không triệt để, không chiếm được các dải đất liền ven Biển Đen phía Nam Novorossissk đã làm cho toàn bộ chiến tuyến cánh Nam của mặt trận Xô-Đức kéo dài hơn gấp 2 lần, lên đến trên 1000 km. Đến cuối tháng 5 năm 1942, mặc dù có trong tay tổng cộng 102 sư đoàn nhưng hai Cụm tập đoàn quân A và B vẫn không đủ quân để gây áp lực với quân đội Liên Xô. Điều này buộc Bộ Tổng tư lệnh quân Đội Đức Quốc xã phải điều thêm quân từ Trung Âu và Tây Âu để bảo đảm tính liên tục của trận tuyến. Ngoài 28 sư đoàn Đức được điều động từ Tây Âu đang hoàn toàn yên tĩnh, Bộ Tổng tư lệnh quân đội Đức còn điều động cho cụm tập đoàn quân B hai tập đoàn quân 3 và 4 của Romania, tập đoàn quân 8 của Ý. Các đơn vị này cùng với tập đoàn quân 6 và tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) phụ trách hướng Stalingrad (hướng chủ yếu). Cụm tác chiến Weichs thuộc Cụm tập đoàn quân B gồm tập đoàn quân 2 (Đức) và tập đoàn quân 2 Hungary có nhiệm vụ giữ tuyến mặt trận Voronezh - Liski - Kantemirovka. Cụm tập đoàn quân A gồm tập đoàn quân xe tăng 1 và tập đoàn quân 17 (Đức) hoạt động tại Bắc Kavkaz với mục tiêu đánh chiếm các mỏ dầu ở Baku hay ít nhất cũng cắt đứt các đường ống dẫn dầu từ Baku về Nga. Tại hướng Stalingrad đã hình thành một thế trận bất lợi cho quân đội Đức. Từ ngày 23 tháng 8, chủ lực cụm tập đoàn quân B gồm Tập đoàn quân 6 và Tập đoàn quân xe tăng 4 tấn công vây bọc Stalingrad từ hai hướng Bắc và bị hút vào các trận đánh trong thành phố để cố chiếm lấy Stalingrad từ tay các tập đoàn quân 62, 63, 64 của Liên Xô. Các tập đoàn quân 3 và 4 (Romania) và tập đoàn quân 8 (Ý) yểm hộ hai bên sườn có binh lực yếu hơn.


Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai/Bài viết chọn lọc/17

Sơ đồ tác chiến chiều sâu 2 thê đội của Triandafillov.
Tác chiến chiều sâu là một học thuyết quân sự của Hồng quân Liên Xô được phát triển trong thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới bởi các nhà chiến lược và lý luận quân sự xuất sắc của Hồng quân mà nổi bật là Nguyên soái Liên Xô M.N. Tukhachevsky, A.A. Svechin, N.E. Varfolomeev, V.K. Triandafillov, G.S. Isserson. Học thuyết đã giới thiệu thêm khái niệm nghệ thuật chiến dịch ở giữa hai cấp độ chiến lượcchiến thuật, được các nhà nghiên cứu quân sự trên thế giới sử dụng làm cơ sở phát triển lý luận cho nghệ thuật chiến dịch hiện đại.

Điểm xuất phát tư tưởng của học thuyết là quan niệm bản chất của chiến tranh đã thay đổi và mang tính chất tổng lực. Tư tưởng này dẫn tới sự xác nhận rằng chiến thắng không thể đạt được bằng một trận đánh quyết định, mà bằng các chiến dịch tuần tự nối tiếp nhau liền lạc hợp lý - mỗi chiến dịch một mục tiêu cụ thể được nối kết trong một mục tiêu thống nhất. Ở cấp độ chiến thuật, học thuyết đưa ra cách thức tấn công đồng thời suốt chiều sâu phòng tuyến đối phương bằng lực lượng xung kích chia làm 2 thê đội được hỗ trợ bằng pháo binh, không quân và lực lượng nhảy dù. Để phục vụ cho tư tưởng chiến tranh này, học thuyết nhấn mạnh vào việc cơ giới hóa lực lượng xung kích ở quy mô lớn.

Trên phương diện lịch sử, học thuyết được đánh giá là một hệ thống lý luận khoa học hiện đại nhất so với đương thời, đã được triển khai hoàn chỉnh thành Điều lệ tác chiến 1936 của Hồng quân. Tuy nhiên, do cuộc đại thanh trừng của Stalin vào những năm 1935-1941, khi các tác giả bị xử tử hình hoặc bị đi đày thì học thuyết mất chỗ đứng. Cho đến sau những thất bại ban đầu của Hồng quân ở Chiến tranh thế giới thứ 2, học thuyết mới được áp dụng trở lại và trở thành nền tảng cho nghệ thuật quân sự Xô Viết đi đến chiến thắng cuối cùng.


Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai/Bài viết chọn lọc/18

Kế hoạch bốn bước của Chiến dịch Blau từ 7/5 đến 18/11, 1942.
Chiến dịch Blau là mật danh của Kế hoạch tổng tấn công từ mùa hè năm 1942 của quân đội Đức Quốc xã trên toàn bộ cánh Nam của mặt trận Xô-Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai, (blau có nghĩa là "xanh" trong tiếng Đức). Ban đầu tên dự định của chiến dịch này là Siegfried, đặt theo tên của một người anh hùng trong thần thoại German. Tuy nhiên Adolf Hitler nhớ đến chiến dịch tấn công trước đó với cái tên hoành tráng, chiến dịch Barbarossa (tên của một hoàng đế nổi tiếng của Đức thế kỉ 12), với kết quả không như mong đợi của nó nên đã đặt một cái tên vừa phải hơn là Blau. Do đó "Chiến dịch Blau" thực chất là tổ hợp các chiến dịch mang tên Blau.

Trong lịch sử quân sự Liên Xô (trước đây) và Nga (hiện nay), nó còn được biết đến với tên gọi Chiến cục 1942-1943. Đây là một tổ hợp hoạt động quân sự rất lớn gồm hàng loạt chiến dịch song song và nối tiếp nhau tương tự như Chiến dịch Barbarossa một năm trước đó. Bắt đầu ngày 28 tháng 6 năm 1942 bằng Chiến dịch Voronezh, với thất bại cực kỳ nặng nề ngày 2 tháng 2 năm 1943 tại Trận Stalingrad và kết thúc bằng việc tạm giành được quyền chủ động mong manh trước Trận Kursk, Chiến dịch Blau thể hiện tham vọng rất lớn của nước Đức Quốc xã trong những cố gắng tiêu diệt nhà nước Xô Viết, đối thủ lớn nhất của nước Đức tại Châu Âu; qua đó làm thất bại những nỗ lực tiếp tục chiến tranh của Liên Xô, đánh chiếm nốt phần phía Đông còn lại của vùng công nghiệp Donbass và vựa lúa mỳ lớn nhất của Liên Xô khi đó ở hạ lưu hai con sông Đông và Volga, cắt đứt và đánh chiếm nguồn dầu mỏ quan trọng của Liên Xô tại Kavkaz, tiến ra Trung - Cận Đông và xa hơn nữa, đến Ấn Độ, thực hiện mưu đồ bá chủ toàn cầu của nước Đức Quốc xã cùng các đồng minh của nó là Nhật Bản và Ý tại các châu lục của "cựu thế giới".


Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai/Bài viết chọn lọc/19

Quân đội Đức diễu hành tại Paris.
Trận chiến nước Pháp là một chiến dịch tấn công chiến lược của Quân đội Đức Quốc xã vào Pháp, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg trong Chiến tranh thế giới thứ hai, bắt đầu ngày 10 tháng 5 năm 1940, đánh dấu kết thúc Cuộc chiến tranh kỳ quặc và chiến sự chính thức bùng nổ tại Tây Âu.

Với một kế hoạch tấn công táo bạo, mũi tấn công mồi của Quân đội Đức Quốc xã vào Vùng đất thấp hút theo chủ lực Đồng Minh, tạo bất ngờ cho mũi tấn công chính băng qua khu rừng Ardennes. Được tổ chức theo phương thức Blitzkrieg, ngay sau khi đột phá phòng tuyến sông Meuse của Quân đội Pháp ở Sedan, lực lượng thiết giáp Đức đã thọc sâu tốc độ cao về eo biển Manche, cô lập chủ lực Đồng Minh ở phía Bắc. Thắng lợi ở Dunkirk, tuy không hoàn toàn vì để Lực lượng Viễn chinh Anh kịp sơ tán, nhưng cũng đủ mang tính quyết định, tạo điều kiện để đánh quỵ hoàn toàn Quân đội Pháp trong các hoạt động quân sự tiếp theo, kéo theo Ý nhảy vào tuyên chiến với Pháp và dẫn tới sự đầu hàng của nước Pháp vào ngày 22 tháng 6.

Chiến thắng nhanh chóng ở Pháp đã đem lại cho Đức ưu thế chiến lược to lớn, một mặt có được bàn đạp cho hoạt động trên không và trên biển chống lại Anh, một mặt khác rảnh tay chuẩn bị cho mặt trận phía Đông chống Liên Xô.

Nước Pháp bị chia cắt thành khu vực chiếm đóng của Đức ở miền Bắc và Tây, một khu vực chiếm đóng nhỏ của Ý ở Đông Nam và một vùng tự do ở phía Nam do Chính phủ bù nhìn Vichy quản lý cho đến khi Đồng Minh đổ bộ lên Normandie năm 1944.


Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai/Bài viết chọn lọc/20

Khói của hai phi cơ Nhật Bản bị bắn rơi ngày 12 tháng 11 năm 1942. Chụp trên chiếc USS President Adams ở mạn tàu bên phải là chiếc USS Betelgeuse.
Trận hải chiến Guadalcanal, còn được gọi là hải chiến đảo Savo lần thứ ba và thứ tư, hải chiến quần đảo Solomon, trận chiến thứ sáu ngày 13 hay theo như cách gọi của Nhật Bản là trận chiến thứ ba tại vùng biển Solomon (第三次ソロモン海戦), diễn ra từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 11 năm 1942, là một trong nhiều trận hải chiến giữa Nhật Bản và quân Đồng Minh (chủ yếu là Hoa Kỳ) trong chiến dịch Guadalcanal kéo dài nhiều tháng tại quần đảo Solomon trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Trận hải chiến bao gồm nhiều cuộc không kích và đấu pháo giữa các chiến hạm trong suốt bốn ngày, hầu hết ở gần Guadalcanal và đều liên quan đến nỗ lực của Nhật Bản đổ quân lên đảo. Trận đánh này có điểm nổi bật là hai vị đô đốc Hải quân Hoa Kỳ duy nhất tử trận trong suốt cuộc chiến tranh.

Lực lượng Đồng Minh, chủ yếu là quân Hoa Kỳ, đổ bộ lên Guadalcanal vào ngày 7 tháng 8 năm 1942 để đánh chiếm một sân bay, sau này được đặt tên là Henderson Field, mà quân đội Nhật Bản đang xây dựng. Nhiều nỗ lực tiếp theo của Lục quânHải quân Đế quốc Nhật Bản sử dụng lực lượng tăng cường bằng tàu lên Guadalcanal để giành lại sân bay đều bị thất bại. Vào đầu tháng 11 năm 1942, quân Nhật đã tập hợp một đoàn tàu vận tải chuyển 7.000 binh lính và quân nhu đến Guadalcanal, một lần nữa cố đánh chiếm lại sân bay. Nhiều tàu chiến Nhật Bản được giao nhiệm vụ bắn phá vào sân bay Henderson nhằm tiêu diệt máy bay Đồng Minh vốn là mối đe dọa cho đoàn tàu vận chuyển. Biết được lực lượng tăng cường của Nhật đang đến, Hoa Kỳ đã tung máy bay và tàu chiến ra nhằm bảo vệ sân bay và ngăn chặn Nhật Bản đổ quân.

Kết quả của trận này là cả hai bên đều bị mất rất nhiều tàu chiến trong hai trận đánh hết sức khốc liệt trong đêm tối. Dầu sao đi chăng nữa, quân Hoa Kỳ đã thành công trong việc đẩy lui được những nỗ lực của quân Nhật Bản trong việc dùng thiết giáp hạm bắn phá sân bay Henderson Field. Các cuộc không kích của máy bay Đồng Minh cũng đánh chìm được hầu hết tàu vận tải chở quân nhu và ngăn không cho đoàn tàu chở quân tiếp viện của quân Nhật Bản đến được Guadalcanal. Vì vậy, trận này đã đẩy lùi nỗ lực lớn cuối cùng của Nhật Bản trong việc cố gắng đánh bật lực lượng Đồng Minh ra khỏi Guadalcanal và khu vực gần Tulagi. Quân Hoa Kỳ đã giành được thắng lợi chiến lược cho toàn bộ chiến dịch Guadalcanal trong trận hải chiến này và xoay chuyển tình thế theo hướng có lợi cho mình.

Đề cử

Hãy cập nhật những Bài viết chọn lọc có liên quan đến Chiến tranh thế giới thứ hai vào danh sách phía trên.

Wiki - Keonhacai copa chuyên cung cấp kiến thức thể thao, keonhacai tỷ lệ kèo, bóng đá, khoa học, kiến thức hằng ngày được chúng tôi cập nhật mỗi ngày mà bạn có thể tìm kiếm tại đây có nguồn bài viết: https://vi.wikipedia.org/wiki/C%E1%BB%95ng_th%C3%B4ng_tin:Chi%E1%BA%BFn_tranh_th%E1%BA%BF_gi%E1%BB%9Bi_th%E1%BB%A9_hai/B%C3%A0i_vi%E1%BA%BFt_ch%E1%BB%8Dn_l%E1%BB%8Dc