Wiki - KEONHACAI COPA

Câu chuyện đối đáp của người tiều phu ở núi Na

Câu chuyện đối đáp của người tiều phu ở núi Na là truyện thứ 12 trong số 20 truyện trong sách Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Truyện được viết bằng Hán văn, tên trong nguyên tác là "Na sơn tiều đối lục" 那山樵對錄,[1] Trúc Khê dịch là "Câu chuyện đối đáp của người tiều phu ở núi Na". Núi Na tục gọi là Nưa (hay Nứa), tên chữ là Na Sơn, đỉnh cao nhất 538m, trên có một ngôi chùa cổ tên Am Tiên. Xưa, núi Na thuộc làng Cổ Định, nay thuộc xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Đây là truyện duy nhất được chọn đăng trong bộ Tư liệu tham khảo Văn học Việt Nam (Tập 2) do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1979, khi giới thiệu về tác gia này.

Giới thiệu[sửa | sửa mã nguồn]

Truyện được viết bằng Hán văn theo thể loại tản văn xen lẫn biền vănthơ ca, cuối truyện có lời bình của tác giả. Theo lời Tựa của Hà Thiện Hán (người cùng thời) viết năm 1547, thì Nguyễn Dữ làm ra sách Truyền kỳ mạn lục trong khoảng thời gian ông đến ẩn cư ở rừng núi xứ Thanh. Như nhiều truyện khác có trong tập, ở Truyện người tiều phu ở núi Na, tác giả cũng đã mượn một nhân vật có thật hay chỉ có trong huyền thoại, rồi tổ chức lại kết cấu, xây dựng lại nhân vật, thêm bớt tình tiết, tu sức ngôn từ...để tái tạo thành một thiên truyện mới.

Theo GS Nguyễn Đăng Thục, lão tiều núi Na, là một nhân vật có thật. Ông họ Trần, tên là Tu, hiệu Hoàng Mi, người đương thời gọi là cụ Tu Nứa, bởi gặp cuộc biến loạn đời Trần nên đến đó cất lều tranh ở ẩn [2].

Trong bộ sách Góp phần nghiên cứu Văn hóa Việt Nam (Tập 2) do GS.TS Nguyễn Văn Huyên biên soạn, cũng có đoạn viết: Đi theo vết Từ Thức, một vài người thành công. Tựa như ông lão mang tên Tu Na (hoặc Khu Na). Ông tu hành đắc đạo dưới thời Xương Phù (1377-1388) đời nhà Trần, và đã lui về ẩn tại Na SơnThanh Hóa. Dưới thời nhà Lê, hình như có nhiều người cứ 10 hoặc 20 năm lại gặp ông ta.[3]

Nội dung sơ lược[sửa | sửa mã nguồn]

"Na Sơn tiều đối lục" có cốt truyện khá đơn giản. Khởi đầu là một đoạn văn ngắn giới thiệu sơ lược cảnh núi Na cùng một lão tiều đang ẩn cư ở nơi đó. Kế tiếp là bài ca (21 câu dài ngắn khác nhau) mà Hồ Hán Thương nghe được từ miệng lão tiều, khi nhà vua cùng đoàn tùy tùng đi săn thú trên ngọn núi này. Ngay sau đó, viên quan hầu Trương Công được lệnh đi theo mời lại, nhưng đi một hồi thì không thấy bóng dáng lão tiều đâu cả, mà chỉ thấy một cái động sâu, phía trong có một cái am cỏ bên những khóm cây xanh tốt. Trong am, là một chiếc giường mây, trên giường để đàn sáo và chiếc gối dựa. Còn hai bên vách có đề hai bài ca, một bài là Thích ngủ (25 câu dài ngắn khác nhau), một bài là Thích cờ (23 câu dài ngắn khác nhau). Đến lúc ấy, viên quan mới bắt gặp lão tiều đang ngồi ngoài hiên đá, dạy con chim yển học nói, bên cạnh có mấy đứa nhỏ ngồi đánh cờ...

Kể từ đó cho đến hết truyện là những lời đối đáp của lão tiều với viên quan hầu (xem đoạn trích bên dưới). Theo Từ điển Văn học (bộ mới), thì đây là câu chuyện thể hiện quan niệm sống "lánh đục về trong" của kẻ sĩ lúc bấy giờ, trong số đó có tác giả [4].

Điểm qua một vài nét chính[sửa | sửa mã nguồn]

Theo GS. Nguyễn Đăng Thục, thì ba bài ca có trong truyện đều thuộc về loại văn chương lãng mạn của Đạo học, giàu tâm lý và nghệ thuật.

Bài thứ nhất bày tỏ cái lý tưởng sống ngoài vòng lễ giáo phép tắc của nhân quần xã hội đã đặt ra để trói buộc con người, coi rẻ tất cả giá trị nhân văn, hoàn toàn buông thả theo thiên nhiên, không lo nghĩ tính toán "được-mất-sống-chết". Bởi có cái tâm trạng vô tâm, quên mình vào thiên nhiên, không nghĩ việc đã qua, không mong việc sắp tới, không thắc mắc tính toán việc hiện tại nên:

...Ngẫm lại cổ kim bao đời khanh tướng,
Rêu phủ bia tàn.
Sao bằng ta: mặt trời đã cao ba thước,
Giấc điệp hãy mơ màng.

Đấy là tâm hồn của nhà xử sĩ[5] núi Na (tức lão tiều), vừa đi vừa hát nghêu ngao, bài ra cảnh đối chiếu giữa hai hệ thống giá trị: "thiên nhiên với nhân văn, tự do và nghi lễ".

Đến hai bài sau (Thích ngủ và Thích cờ), đề trên vách am, thì bày tỏ hai phương diện mâu thuẫn biện chứng của thực tại Sống: "tĩnh" và "động". Thích ngủ, nghĩa là muốn yên ổn, thư thái tâm hồn, thích hợp với bản tính tự nhiên. Nhưng nhà xử sĩ Núi Na còn thích cờ nữa, vì thế sự chẳng khác chi cuộc cờ, biến hóa không thường như mây với gió. Đấy là phương diện động của thực tại. Theo đấy thì nhà xử sĩ trên có lý tưởng muốn thể hiện cả hai phương diện của một thực tại sống, cả "thể" lẫn "dụng", chứ không hẳn một mặt thiên lệch mà quên đời...[6]

Kế tiếp là cuộc đối đáp giữa nhà xử sĩ với quan hầu Trương Công. Qua đoạn văn dài này đã thể hiện rõ tư tưởng và thái độ của Nguyễn Dữ, đối với nhà Hồ...Tuy nhiên, những gì tác giả để cho miệng lão tiều phát ra (xem đoạn trích bên dưới) cùng lời tiên đoán cảnh diệt vong của triều đình ấy, đã cho thấy Nguyễn Dữ (tức lão tiều) không hẳn là người lánh đời, mà chỉ vì ông không tìm được lối thoát trên con đường hành đạo, đành quay về cuộc sống ẩn dật, đôi lúc thả hồn mơ màng cõi tiên, song cơ bản ông vẫn gắn bó với cõi đời...[7]

Cuối cùng là phần lời bình, tác giả có ý giải thích sự táng bại của nhà Hồ, chẳng qua là nghiệm với lẽ trời, và chứng với lòng người...

Rút lại, câu chuyện trên tuy có vẻ là thứ văn chương hoang đường (loại truyện thần tiên, truyện truyền kỳ), nhưng kỳ thực nó là lối văn chương ngụ ngôn của Đạo học Việt Nam, mang đậm tư tưởng Trang Chu. Cái tinh thần này là sự phản chiếu khuynh hướng chuộng huyền học lúc bấy giờ, và nó cũng chính là nét đặc trưng của tư tưởng xử sĩ thời Trần-Hồ trong sử Việt[8].

Trích đoạn cuối truyện[sửa | sửa mã nguồn]

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “傳奇漫錄 • Truyền kì mạn lục • Page 66”. Truy cập 4 tháng 10 năm 2015.
  2. ^ Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử tư tưởng Việt Nam (Tập 5), Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1992, tr. 135.
  3. ^ Nguyễn Văn Huyên, Góp phần nghiên cứu Văn hóa Việt Nam (tập 2). Nhà xuất bản KHXH, 2003, tr. 229.
  4. ^ Từ điển Văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004, tr. 1124.
  5. ^ Xử sĩ: kẻ sĩ không ra làm quan, ẩn dật, trái với xuất sĩ là đi thi làm quan.
  6. ^ Lược theo Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử tư tưởng Việt Nam (Tập 5), tr. 146-149.
  7. ^ Theo PGS.TS Trần Thị Băng Thanh: [1] Lưu trữ 2009-12-27 tại Wayback Machine.
  8. ^ Căn cứ vào bài minh viết năm 1321 đời Trần Minh Tông và được khắc trên quả chuông đồng ở Thông Thánh quán, một quán đạo giáo đời Trần ở Bạch Hạc (hiện nay quả chuông được treo trên gác cổ đình làng Bạch Hạc, thuộc Phú Thọ) thì tư tưởng này được biểu hiện rõ nét kể từ khi đạo sĩ Hứa Tông Đạo từ Tống sang. Sau, Ngô Sĩ Liên cũng đã tái xác nhận rằng: Nhâm Dần, (Hưng Long) năm thứ 10 (1302), bấy giờ có đạo sĩ phương Bắc là Hứa Tông Đạo theo thuyền buôn sang ta, cho ở bến sông Yên Hao. Phép phù thủy, đàn chay bắt đầu thịnh hành từ đó. (Đại Việt sử ký toàn thư [Tập 2]. Nhà xuất bản KHXH, 1985, tr. 85).
  9. ^ ý nói mùa đông mặc 2 áo, mùa hè 1 áo, toàn câu văn ngụ ý đời sống đơn giản
  10. ^ Vua Cao Tông nhà Thương nằm mơ thấy Thượng đế ban cho một người phù tá giỏi. Tỉnh dậy bèn vẽ một bức tranh giống người trong mộng rồi sai người mang tranh đi tìm. Sau tìm được Phó Duyệt (ẩn ở đất Phú Nghiêm) đang đắp tường ở Phó Nham, liền đón về làm tướng. Cao Tông nói: "Ví như năm đại hạn, ta dùng người làm mưa rào".
  11. ^ Vua Chu Văn Vương đi săn gặp Khương Tử Nha (tức Lã Vọng) câu cá ở sông Vị, mời lên chiếc xe sau chở về, tôn làm bậc thầy. Sau Lã Vọng giúp nhà Chu thắng nhà Ân ở Mục Dã.
  12. ^ Nghiêm Tử Lăng tức Nghiêm Quang, một cao sĩ đời Hán, hồi nhỏ là bạn học của Hán Quang Vũ; khi Quang Vũ lên ngôi, ông bèn đi ở ẩn, thường đi cày ở trong núi Phú Xuân và câu cá ở bến sông Đồng.
  13. ^ Khương Bá Hoài tức Khương Quảng người đời Hán Hoàn Đế, quê ở Bành Thành. Vua nghe tiếng là người hiếu thuận mời ra làm quan, Quảng không chịu ra. Vua lại sai thợ vẽ đến vẽ chân dung, Quảng che mặt không cho vẽ. Ông từng nói: "Quốc chính hiện nay ở trong tay bọn hoạn quan, đó là thời nào mà mình lại ra làm quan?"
  14. ^ Kiềm Lâu: một hiền sĩ nước Tề, đời Xuân Thu, ở ẩn, không chịu làm quan. Nhà rất nghèo, khi chết chỉ có một cái chăn để liệm, hễ che kín đầu thì hở chân, kín chân thì hở đầu.
  15. ^ Vệ Giới: danh sĩ đời Tấn, người đẹp, tính ôn hòa nhưng chết trẻ, khi mới 27 tuổi.
  16. ^ Viên Tinh: Theo sách Lã thị Xuân Thu, Viên Tinh Mục, một kẻ sĩ ở phương nam, đi giữa đường bị đói, nằm lả đi. Một tên ăn trộm trông thấy, đưa cơm cho ăn. Tinh Mục tỉnh lại, biết người cho ăn là kẻ trộm, liền nói: "Ta không thèm ăn miếng cơm bất nghĩa của người". Rồi gượng dậy cố nôn ọe ra nhưng không được, sau đó gục đầu xuống chết.
  17. ^ Phụng Thiến: tên tự của Tuân Xán đời Ngụy. Ông có vợ đẹp, nên rất yêu quý. Mùa đông vợ bị bệnh phát nhiệt, Tuấn Xán ra sân dầm hơi lạnh để vào ấp cho vợ được mát. Sau vợ chết ông cùng chết theo.
  18. ^ Vụ Quang: người đời nhà Hạ. Vua Thành Thang đánh được vua Kiệt (nhà Hạ), đem thiên hạ nhường cho Vụ Quang. Ông không nhận đeo đá gieo mình xuống sông giả cách tự tử rồi ẩn náu biệt tích. Quyên Tử: người nước Tề, ở ẩn tại Nham Sơn, học được đạo tiên, tương truyền có tài làm mưa làm gió. Đây có ý nói đó là những người ẩn dật vĩnh viễn.
  19. ^ Long Đỗ: tức Thăng Long (tức Hà Nội ngày nay)
  20. ^ An Tôn: tên làng nay thuộc huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa. Nhà Hồ cho xây Tây Đô ở đây.
  21. ^ Kim Âu: cung Kim Âu tức cung Bảo Thanh ở làng Kim Âu. Hồ Quý Ly xây dựng cung điện này tốn kém nên bị đời sau phê phán.
  22. ^ Tháng 8 năm Kiến Tân thứ 2 (1399) đời Trần Thiếu Đế, Nguyễn Nhữ Cái nổi dậy ở vùng sông Đáy chống triều đình, quân đông đến hàng vạn. Sau bị Nguyễn Bằng Cử đánh tan. Nguyễn Bằng Cử người Bắc Ninh, làm đến chức Đông lộ yên phủ sứ đời Trần.
  23. ^ Cổ lâu: Hồ Quý Ly cắt đất 59 thôn ở khu Cổ Lâu cho nhà Minh. Chưa rõ Cổ Lâu thuộc tỉnh nào.
  24. ^ Nguyễn Bằng Cử: xem chú thích bên trên (sông Đáy).
  25. ^ Hoàng Hối Khanh: đậu Thái học sinh đời Trần, sau làm quan với nhà Hồ.
  26. ^ Lê Cảnh Kỳ: trước làm quan với nhà Trần, sau làm quan cho nhà Hồ đến chức Hành khiển.
  27. ^ Lưu Thúc Kiệm: đậu đầu khoa Thái học sinh cuối đời Trần
  28. ^ Lấy ý trong câu nói của Vi Trung, ẩn sĩ đời Tấn. Trương Hoa mời Vi Trung ra làm quan, ông nói: "Ta còn đương lo con sóng rớt ở cái vực sâu kia tràn đến, há lại còn xắn áo mà lội nữa ư?"
  29. ^ Chữ ở thiên Thuấn điển trong Kinh Thư: "Hỏa viêm Côn sơn, ngọc thạch câu phần", nghĩa là: "Lửa đốt núi Côn, ngọc đá đều cháy" (Núi Côn Sơn có tiếng sản sinh ra ngọc quý. Dẫn ra điển này ý nói theo nhà Hồ rồi sẽ bị khốn đốn cùng nhà Hồ).
  30. ^ Cửa bể Kỳ La ở làng Kỳ La, huyện Kỳ Anh nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1407, Hồ Quý Ly bị bắt ở đấy. Núi cao Vọng ở làng Bình Lễ, cùng huyện, là nơi Hồ Hán Thương bị bắt, cũng vào năm 1407.
  31. ^ Nguyên, Bạch: tức Nguyên Chẩn, tự Vi Chi và Bạch Cư Dị, tự Lạc Thiên là hai nhà thơ nổi tiếng đời Đường.
  32. ^ Lưu là quan Thái sử nhà Chu, họ Lưu, người chế ra lối chữ đại triện. Tư là Lý Tư (nhà Tần), chế ra lối chữ tiểu triện. Xem trang thư pháp Trung Hoa.
  33. ^ Chép theo bản dịch Truyền kỳ mạn lục của Trúc Khê. Sách do Nhà xuất bản Văn nghệ và Hội nghiên cứu giảng dạy văn học Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác tái bản và ấn hành năm 1988, tr. 139-145. Phần chú thích cũng căn cứ theo sách này. Toàn văn truyện có thể tìm đọc trên internet.
Wiki - Keonhacai copa chuyên cung cấp kiến thức thể thao, keonhacai tỷ lệ kèo, bóng đá, khoa học, kiến thức hằng ngày được chúng tôi cập nhật mỗi ngày mà bạn có thể tìm kiếm tại đây có nguồn bài viết: https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A2u_chuy%E1%BB%87n_%C4%91%E1%BB%91i_%C4%91%C3%A1p_c%E1%BB%A7a_ng%C6%B0%E1%BB%9Di_ti%E1%BB%81u_phu_%E1%BB%9F_n%C3%BAi_Na